Liệu có thể trải nghiệm cảm giác êm ái của một chiếc sofa chỉ qua màn hình điện thoại? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.
Với những tiến bộ công nghệ trong thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng trong ngành nội thất gia đình đã có những thay đổi đáng kể. Khách hàng chuyển dần thói quen mua sắm ở cửa hàng bán lẻ truyền thống sang những cú nhấp chuột đơn giản khi có nhu cầu trang trí cho ngôi nhà thân yêu của mình.
Quy mô thị trường nội thất thương mại điện tử toàn cầu dự đoán sẽ vượt 40 tỷ USD vào năm 2030. Việc thu hút được càng nhiều người truy cập vào website là mục tiêu quan trọng giúp các công ty nội thất tiếp cận tệp khách hàng tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội bán hàng thành công.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số phương pháp giúp lưu lượng truy cập tăng đáng kể và ổn định.
Sử dụng công nghệ AR
Công nghệ AR (Augmented Reality – Tương tác thực tế ảo) sẽ giúp khách hàng trải nghiệm mua sắm tốt hơn khi kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo, cho phép người mua hàng xem một món đồ nội thất trông như thế nào khi đặt trong ngôi nhà xinh xắn của mình trước khi quyết định mua. Chỉ vài cú nhấp chuột, khách hàng có thể nhanh chóng hoán đổi màu sắc, họa tiết và kiểu dáng trang trí để tìm thấy chiếc đèn ngủ hoàn hảo mà không cần đặt chân đến cửa hàng.
Theo nghiên cứu của Shopify, sử dụng công nghệ AR sẽ tăng tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng sang khách hàng đồng ý sử dụng sản phẩm trung bình lên 94%. AR cũng làm giảm tỷ lệ hoàn trả sản phẩm, việc giúp khách hàng “bớt hối hận hơn” hiện là mối quan tâm đáng kể của nhiều thương hiệu thương mại điện tử.
Nhưng lợi ích của AR còn tiếp tục vượt xa hơn thế. AR có thể giúp các công ty nội thất tạo tiếng vang và dẫn đầu thị trường với những người mua sắm trực tuyến thuộc thế hệ GenZ và Millennial, những bạn trẻ thích thể hiện những câu chuyện và trải nghiệm của mình trên mạng xã hội. Tỷ lệ nhấp chuột (CTR) đo lường số lần nhấp vào quảng cáo trên số lần quảng cáo được hiển thị trong Google AdWords và Facebook Ads cũng tăng 50% so với việc chỉ sử dụng những video quảng cáo 2D truyền thống.
Tập trung vào những nền tảng miễn phí
Doanh nghiệp có thể tận dụng những nền tảng miễn phí để xây dựng các nội dung mang lại giá trị cho khách hàng tiềm năng, đồng thời giúp tăng lưu lượng truy cập website hiệu quả. Công ty có thể xây dựng một hệ thống cộng đồng qua các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,… cung cấp các chủ đề thảo luận về xu hướng nội thất, mẹo trang trí nhà cửa, tiết kiệm chi phí…
Tối ưu hóa lưu lượng truy cập đến từ các công cụ tìm kiếm cũng là một trong những cách thu hút lưu lượng truy cập tự nhiên (SEO) ổn định cho website doanh nghiệp. Khi tối ưu SEO hiệu quả qua nghiên cứu và lựa chọn các bộ từ khóa, hoặc cung cấp các nội dung hữu ích, website của công ty sẽ được xếp hạng càng cao trên các công cụ tìm kiếm, giúp tăng lưu lượng truy cập website tự nhiên. Từ đó, thương hiệu sẽ dễ dàng chiếm được thiện cảm và niềm tin, uy tín của khách hàng tiềm năng.
Quảng cáo “bám đuổi”
Chiến lược đeo bám quảng cáo (retargeting) có thể giúp doanh nghiệp tập trung vào những khách hàng đã truy cập vào website nhưng chưa mua thứ gì, tiếp cận lại một cách có hiệu quả và thu hút khách hàng quay trở lại.
Điều khiến việc bám đuổi này hấp dẫn vì nó có thể thực hiện thông qua mạng lưới của các bên thứ ba được tích hợp sẵn trong các hình thức quảng cáo trực tuyến của nhà cung cấp adnetwork (Google, Facebook, Admicro…)., đảm bảo sản phẩm của công ty được nhìn thấy bởi đúng người và đúng thời điểm, tạo cơ hội nhắm tới người dùng cho dù họ ở bất cứ nơi đâu trên Internet.
Nếu ai đó đang xem các bộ bàn ăn trên trang web nhưng không mua bất kỳ thứ gì, các quảng cáo phù hợp về cách sắp xếp bàn ăn, mẹo vặt trang trí bữa cơm gia đình,… có thể thúc đẩy việc đưa sản phẩm vào giỏ hàng một cách nhanh chóng. Việc thu thập dữ liệu của khách hàng tiềm năng cũng giúp doanh nghiệp điều chỉnh quảng cáo để hiển thị các mặt hàng phù hợp với phong cách hoặc sở thích của người dùng.
Khi kết hợp với công nghệ AR, chiến dịch đeo bám có thể giúp thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi tăng vọt, tăng cường hiệu quả quảng cáo, tăng cường độ nhận diện thương hiệu và tiết kiệm chi phí quảng cáo.
Kết hợp với các KOL (người có sức ảnh hưởng)
KOL là một cá nhân hay tổ chức có kiến thức sản phẩm chuyên môn và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành nghề của họ. Các KOL được tín nhiệm bởi các nhóm lợi ích có liên quan và có sức ảnh hưởng đáng kể đối với hành vi người tiêu dùng. Việc hợp tác với KOL đang ngày càng trở thành một công cụ marketing hiệu quả nhờ sự nổi lên của truyền thông xã hội.
Công ty bạn có ghế ngồi máy tính chống đau lưng? Hãy hợp tác với các game thủ hàng đầu hiện nay. Các chương trình dạy nấu ăn trên YouTube sẽ giúp những bộ bàn ăn của doanh nghiệp bán chạy hơn. Có vô số cách để thu hút khách hàng tiềm năng qua những người có ảnh hưởng mà không tạo ra những quảng cáo trắng trợn và khách hàng vô tình tiếp xúc với các sản phẩm của doanh nghiệp mà không hề hay biết.
KOL đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng quan điểm, quyết định của những người theo dõi họ. Dựa vào sức ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông, doanh nghiệp có thể sử dụng các KOL như công cụ làm cho các chiến dịch quảng cáo trở nên hấp dẫn hơn, tạo được lòng tin cho khách hàng và thúc đẩy lưu lượng truy cập ghé thăm sản phẩm.
Điều cần nhớ cuối cùng là không phải tất cả lưu lượng truy cập vào website của doanh nghiệp đều có giá trị. Nếu số lượng khách hàng truy cập sau đó nhanh chóng rời khỏi cửa hàng cao thì việc thu hút bao nhiêu khách truy cập mới không còn ý nghĩa gì nữa. Chỉ với một vài điều chỉnh như cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, rõ ràng trong mọi chi phí, dễ dàng trong việc thanh toán, công ty sẽ giữ chân khách hàng trực tuyến lâu hơn và khiến họ chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết.
Phạm Hồng Thủy (Nguồn: furnitureandfurnishing.com)