Khi Việt Nam ngày càng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, việc đầu tư vào con người là chìa khóa để nắm bắt các cơ hội mới và duy trì sự bền vững trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Năm 2020, tôi có dịp đến thăm Công ty cổ phần Woodsland tại Tuyên Quang trong khuôn khổ hợp tác giữa HAWA và Chương trình Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đây là một trong những chuyến thăm tôi yêu thích nhất. Sau khi chương trình cải tiến được triển khai, đặc biệt là ở các dây chuyền định hình và đóng gói, chúng tôi đã chứng kiến những chuyển biến ấn tượng: Với cùng số lượng công nhân và máy móc, quy trình vận hành trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Thành công này có được là nhờ sự tham gia tích cực của lực lượng lao động và các chương trình đào tạo kỹ lưỡng, đặt nền móng vững chắc để vận dụng các phương pháp cải tiến như sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing).
Chỉ trong thời gian ngắn, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có những bước tiến lớn dù phải đối mặt với những biến động nghiêm trọng như Covid-19 năm 2021 và suy thoái kinh tế đầu năm 2023. Những bước phát triển vượt qua biến động này cho thấy lực lượng lao động có kỹ năng là một trong những năng lực cạnh tranh cốt lõi của ngành. Khi Việt Nam ngày càng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, việc đầu tư vào con người là chìa khóa để nắm bắt các cơ hội mới và duy trì sự bền vững trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Câu hỏi đặt ra là, đầu tư thế nào?
Đối chiếu với những biến chuyển và đòi hỏi mới của thị trường nội thất toàn cầu. Có thể thấy, doanh nghiệp (DN) và toàn ngành cần chú trọng đầu tư vào các giá trị sau đây:
1. Phát triển kỹ năng: Khả năng thu hút các đơn hàng sản xuất toàn cầu của Việt Nam là rất ấn tượng, ngay cả trong bối cảnh kinh tế không ổn định. Lực lượng lao động trẻ và năng động là tài sản lớn, nhưng chỉ dựa vào chi phí lao động thấp thì chưa đủ. Sức mạnh thực sự đến từ việc nâng cao năng suất thông qua đào tạo và phát triển kỹ năng tốt hơn.
Bằng cách đầu tư vào đào tạo toàn diện, các DN chế biến gỗ có thể xây dựng lực lượng lao động trẻ có kỹ năng. Những DN gỗ hàng đầu mà chúng tôi làm việc cùng rất coi trọng đào tạo; cả kỹ năng quản lý và kỹ năng kỹ thuật đều cần thiết để duy trì tính cạnh tranh của DN. Các hiệp hội ngành và tổ chức hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giúp DN cải tiến.
2. Cải thiện điều kiện làm việc: Cải thiện an toàn lao động và phúc lợi là yếu tố quan trọng để thu hút, giữ chân lao động có kỹ năng. Khi sản xuất được mở rộng, sự cạnh tranh về nhân lực cũng trở nên gay gắt. Ngành gỗ cần xây dựng được hình ảnh một môi trường làm việc an toàn, hiệu quả và lành mạnh với các cơ hội thăng tiến rõ ràng. Cách tiếp cận này có thể cải thiện đáng kể hiệu quả tuyển dụng và giữ chân nhân tài.
3. Số hóa: Số hóa có tiềm năng lớn trong việc tăng năng suất lao động. Tại Công ty Cổ phần Lâm Việt, các công cụ số hóa bảo trì của chương trình Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững của ILO đã giúp giảm hơn 40% thời gian ngừng máy và tiết kiệm đáng kể chi phí bảo trì. Các công cụ này cho DN quản lý hệ thống bảo trì một cách chiến lược hơn, với sự tham gia tốt hơn của người lao động. Cần phải lưu ý là thành công này được xây dựng trên nền tảng nhiều năm đầu tư vào đào tạo nhân viên để họ thích nghi với công cụ kỹ thuật số. Phát triển kỹ năng số cho toàn bộ lực lượng lao động là điều cần thiết để sử dụng công nghệ hiệu quả, nâng cao hiệu suất và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
4. Chuyển đổi xanh: Một tín hiệu đáng mừng là nhiều DN chế biến gỗ Việt Nam đang tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án thí điểm về giảm phát thải khí nhà kính của ILO tại một số DN trong ngành cho thấy có thể giảm khoảng 10% lượng phát thải đơn giản bằng cách nâng cao nhận thức của người lao động và áp dụng các biện pháp quản lý phát thải với chi phí thấp. Một lực lượng lao động có nhận thức tốt về bền vững sẽ thúc đẩy các DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến môi trường.
5. Tăng cường phối hợp trong ngành: Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các DN, hiệp hội ngành và cơ quan Chính phủ có thể nâng cao đáng kể chất lượng nguồn nhân lực trong ngành. Chia sẻ các thực hành tốt và thúc đẩy học hỏi lẫn nhau đã được chứng minh là những sáng kiến hiệu quả của các hiệp hội. Khi các hiệp hội ngành phối hợp tốt trong vai trò điều phối này, toàn ngành sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của nguồn nhân lực.
6. Đóng góp phát triển chính sách dựa trên mô hình thực tiễn: Ngành chế biến gỗ đã có được nhiều kinh nghiệm thực tế có giá trị trong phát triển lực lượng lao động ở cấp DN. Bằng cách tổng hợp và chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn này, ngành có thể góp phần xây dựng, và nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ cho ngành. Góp ý nâng cao hiệu quả của chính sách thông qua dữ liệu từ các mô hình thực tế đã được kiểm chứng sẽ giúp các nguồn lực hỗ trợ ngành của Chính phủ được sử dụng hiệu quả hơn và các chính sách quốc gia cùng chương trình hỗ trợ sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của DN.
Chú trọng đầu tư 6 yếu tố này, với tiềm năng và cơ hội hiện tại, tôi tin rằng ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ cải thiện được năng suất, từng bước nâng cao vị thế và tiến đến phát triển bền vững.
Ông Stephan ULRICH, Giám đốc toàn cầu của chương trình SCORE và Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững thuộc ILO