HAWA đã có buổi làm việc với đại diện của Bộ Công Thương – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhân chuyến công tác đến Tp.HCM. Sau khi báo cáo tình hình hoạt động của năm 2015, quí I/2016 và phương hướng 2016 cũng như tầm nhìn phát triển đến năm 2020, Ban Chấp hành HAWA đã kiến nghị đến Bộ trưởng các vấn đề như sau:
1/ Để đạt được mục tiêu theo định hướng đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ sẽ đạt được là 20 tỉ USD, Bộ Công Thương cần có những hỗ trợ thiết thực để Tp.HCM sớm xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế có tầm cỡ ngang bằng với các nước trong khu vực. Mục tiêu là nhằm gia tăng giá trị cho thương phẩm ngành gỗ & TCMN đồng thời đẩy mạnh công nghiệp thiết kế & xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành.
2/ Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc dưới hình thức cho vay lãi suất thấp hoặc trả chậm. Được biết ở một số nước như Ý, Đức, Singapore… nhà nước hỗ trợ 50% trị giá trang thiết bị, máy móc đầu tư đổi mới. Đề nghị thành lập 01 quỹ (hay phối hợp chương trình của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hay VCCI hay SME) đầu tư phát triển công nghệ cho ngành công nghiệp đồ gỗ và HAWA là đầu mối triển khai dự án quỹ đổi mới công nghệ này.
3/ Hiện nay, công tác huấn luyện đào tạo là một vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp, nhằm trang bị kiến thức về kinh tế xã hội cũng như tay nghề kỹ thuật cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập trên thị trường toàn cầu. Ngành gỗ cần thành lập Trung tâm Huấn luyện Đào tạo chuyên ngành để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
4/ Ngành gỗ Việt Nam hiện nay đứng hàng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau các nước: Trung Quốc, Ý, Đức. Việt Nam đang có trên 1 triệu người tham gia trong các hoạt động của ngành gỗ. Tiềm năng ngành gỗ của Việt Nam rất lớn, với nhiều ưu thế về con người có tay nghề kỹ thuật, Việt Nam có truyền thống lâu đời vế sản xuất và sử dụng đồ gỗ, có lợi thế về thiên nhiên ban tặng cho việc trồng rừng… có thể nói ngành gỗ Việt Nam có những lợi thế “trời cho”. Nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức, ngành gỗ phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác và là một trong những động lực để nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Do đó, ngành gỗ rất cần sự quan tâm có chính sách định hướng phát triển lâu dài và bền vững đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
5/ Nhà nước cần chú ý có chính sách hết sức ưu đãi trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thế mạnh và đang dẫn đầu trong ngành gỗ, nhằm giúp cho các doanh nghiệp này có đủ năng lực và thế mạnh để cạnh tranh trên thị trường thế giới chứ không nên đầu tư dàn trãi trong công tác xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp dẫn đầu phát triển sẽ kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp trong nước phát triển.
6/ Sau khi ký kết các Hiệp định thương mại và gần đây nhất là sau TPP, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những kiến thức hội nhập và cần có những biện pháp cụ thể để khi xuất khẩu không bị vi phạm những thỏa thuận trong Hiệp định.
7/ Một số thủ tục của Hải quan cần được xem xét giải quyết như: gỗ nhập khẩu đã có giấy chứng nhận xuất xứ khi nhập khẩu vào Việt Nam, Hải quan vẫn yêu cầu trình báo Cục Kiểm Lâm. Thủ tục hoàn thuế còn giải quyết rất chậm làm khó khăn cho doanh nghiệp về vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
8/ Ngành nội thất chiếu sáng hiện nay đang chiếm lãnh toàn bộ thị trường tại Việt Nam cạnh tranh tốt với doanh nghiệp nước ngoài và đang phát triển mạnh tại Myanmar, ngoài ra ngành nội thất chiếu sáng đang có rất nhiều tiềm năng. Do đó Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trong các chương trình xúc tiến thương mại.
9/ Hiện nay, Việt nam đã ký hiệp định TPP với 11 nước thành viên trong đó có Hoa Kỳ, điều này sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam nhiều hơn nữa, điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn lên các doanh nghiệp Việt Nam. Một mặt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc các điều kiện ưu đãi khi đầu tư đổi mới trang thiết bị phù hợp với quy định WTO nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, điều cần nói là làm sao ngăn chặn được sự chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh; hoặc nghiên cứu đề ra các rào cản thương mại phù hợp với WTO nhằm hạn chế bớt những lợi thế về vốn, về thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài.