Minh Khuê
Đại diện của gần 50 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ phía Nam cùng tham gia chuỗi chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực tuân thủ tính hợp pháp của sản phẩm gỗ xuất khẩu” do HAWA phối hợp cùng Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ (USFS) tổ chức.
Đây là chuỗi chương trình hỗ trợ, nâng cao nội lực cho doanh nghiệp (DN), diễn ra xuyên suốt tháng 6/2022.
Hiểu để đi xa
Ở hoạt động tập huấn đầu tiên, diễn ra tại trụ sở HAWA sáng ngày 21/6, DN không những được tiếp cận chi tiết các yêu cầu tuân thủ tính hợp pháp về gỗ nguyên liệu đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực mà còn cùng nhau phân tích lại các cáo buộc và biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… và châu Âu đã và đang áp dụng với hàng nội thất Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Alexander Tatsis, Tham tán Kinh tế – Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng với thị trường Mỹ. Bởi, đây vừa là nhà cung cấp đồ nội thất chính, vừa là thị trường tiêu thụ lớn các loại gỗ nguyên liệu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có những sự kiện dẫn đến nguy cơ Hoa Kỳ phải triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại. “Để mối quan hệ kinh tế này ngày một bền vững hơn, DN Việt Nam cần phải nâng cao năng lực, nắm bắt chi tiết các quy chuẩn kinh doanh quốc tế. Đây là điều hết sức cần thiết, không chỉ để tiếp cận sâu hơn thị trường Mỹ mà cả các quốc gia khác”, đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM chia sẻ.
Chia sẻ lại các quy định trong những dự luật quốc tế quan trọng như Lacey Act, VPA/FLEGT và EUTR (Quy định về gỗ của EU), khung quy định nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm giải trình, các diễn giả của chương trình đã mang đến cho cộng đồng DN chế biến gỗ Việt Nam khá nhiều kiến thức. Song song với lý thuyết, đội ngũ chuyên gia của chương trình cũng đã thống kê, mổ xẻ lại các sự kiện cáo buộc gian lận thương mại mà Việt Nam đã phải đối mặt trong thời gian vừa qua để có những bài học kinh nghiệm thực tiễn cho các DN đối chiếu như sự kiện Hàn Quốc điều tra, áp thuế lên các DN gỗ dán Việt Nam năm 2019. Tương tự, năm 2020, Hoa Kỳ cũng điều tra gỗ dán Việt Nam hay sự kiện Canada điều tra ghế bọc nệm, áp thuế DN Việt Nam và gần đây nhất là việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra tủ kệ bếp, bàn trang điểm…
“Kinh doanh trên thị trường quốc tế, DN phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Nâng cao năng lực, thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm giải trình, lưu giữ bằng chứng trên cả chuỗi cung… sẽ giúp DN có được lợi thế hơn”, ông Cao Xuân Thanh, Chuyên gia Timber Legality – Chánh văn phòng Viforest nhận định.
“Thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm giải trình, lưu giữ bằng chứng trên cả chuỗi cung… sẽ giúp DN có được lợi thế hơn trong kinh doanh quốc tế”
Ông Cao Xuân Thanh, Chuyên gia Timber Legality
Trách nhiệm giải trình dưới khung pháp lý nội địa
Bên cạnh quy định Quốc tế, loạt chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực tuân thủ tính hợp pháp của sản phẩm gỗ xuất khẩu” còn giúp DN tìm hiểu về trách nhiệm giải trình, các quy định pháp lý gỗ nhập khẩu dưới khung pháp lý nội địa, cụ thể là Nghị định 102 mà Chính phủ ban hành năm 2020. Đồng thời, giới thiệu đến các DN những tiêu chuẩn về an ninh hàng hóa quốc tế (C-TPAT) và ứng dụng thực tiễn trong an ninh hàng hóa khi xuất hàng vào Hoa Kỳ.
Ông Alexander Tatsis cho biết, trong năm 2021 do các cách trở phát sinh từ dịch bệnh, nhiều sự kiện hỗ trợ xúc tiến thương mại đã phải chuyển sang môi trường trực tuyến. Bước sang năm 2022, dịch bệnh không còn là rào cản nhưng kinh tế thế giới lại đối diện với những thách thức khác, đòi hỏi DN càng phải vững vàng hơn. Đó chính là lý do Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM đồng hành với HAWA, hỗ trợ tập huấn cho các DN cập nhật các quy định và hướng dẫn các biện pháp thích ứng với các cơ chế phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu chính.
Chuỗi chương trình tập huấn khép lại với chuyến tham quan thực tế hoạt động nhà máy điển hình, cập nhật kiến thức thực tiễn vào ngày 28/6, tại nhà máy Hố Nai, một trong những DN hàng đầu về xuất khẩu đồ nội thất sang thị trường Mỹ tại Việt Nam. Không chỉ được tham quan nhà máy, xem quy trình hoạt động, vận hành máy móc tại xưởng, các DN còn được lãnh đạo công ty Hố Nai trực tiếp chia sẻ về kinh nghiệm thực tế trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới, cũng như phương án kinh doanh ứng phó với những phát sinh từ dịch bệnh. Đặc biệt, các DN cũng đã cùng trao đổi để rút ra được bài học kinh nghiệm, linh hoạt để ứng biến thay đổi trong sản xuất, thích ứng với những thay đổi của thị trường.