Định vị thế mạnh doanh nghiệp (DN) bằng đặc trưng trên sản phẩm của chính mình không chỉ là cách giữ chân đối tác mà còn là thảm đỏ để khách hàng mới có thể kết nối dễ dàng. DN chế biến gỗ Việt Nam đã, đang và cần tiếp tục theo đuổi chiến lược này để có thể vững vàng trong mọi biến động thị trường.
Ước tính, trong tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 13,9% so với tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Khi câu lạc bộ tỷ USD gặp khó
Chế biến gỗ chỉ là một trong số những ngành đang gặp khó khăn đầu ra. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD như điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,3% (chỉ đạt 17,4 tỷ USD); dệt may giảm 19,3% (đạt 9,57 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,9% (đạt 16,13 tỷ USD); giày dép các loại giảm 16,3% (đạt 6,13 tỷ USD); thủy sản giảm 27,7% (đạt 2,63 tỷ USD)… “Đây là tình hình chung của DN trên tất cả các ngành hàng”, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch HAWA nhận định.
Thông thường từ tháng 3 hàng năm, các DN đã nhận đơn hàng để sản xuất cho 6 tháng tiếp theo và nhận các thông tin dự kiến đơn hàng cho đến cuối năm để chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu gỗ. Hiện tình hình đặt hàng không còn sôi động như trước. Tuy nhiên theo ông Phương, thời gian thách thức nhất trong năm 2023 với DN chế biến gỗ đã qua, đơn hàng đang trở lại dù còn chậm. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất vẫn còn, hàng tồn kho đã giảm và các nhà mua hàng cũng đã bước vào giai đoạn cần chuẩn bị sản phẩm phục vụ mùa mua sắm cuối năm.
Nhìn vào số liệu ghi nhận từ Bộ Công Thương, có thể thấy nhu cầu nguyên liệu sản xuất nội thất đang tăng trở lại. Ước tính nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tháng 5/2023 đạt 300 triệu USD, tăng 77,4% so với tháng 4/2023. “Tuy vẫn còn chưa rõ nét nhưng thực tế ghi nhận DN đang mua nguyên liệu nhiều hơn để tiến hành sản xuất. Tình hình đang khởi sắc và có hy vọng những tháng cuối năm. Mức tăng có thể sẽ không nhiều nhưng sẽ tăng”, bà Lê Thị Bích Cảnh – Giám đốc Công ty gỗ Mỹ Đức nhận định.
Nền tảng nào cho đơn hàng xuất khẩu nội thất?
Là ngành mang lại thặng dư xuất khẩu đứng thứ ba, trong những năm gần đây chế biến gỗ đóng góp nguồn ngoại tệ quan trọng cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Trong đó, đồ nội thất gỗ và các bộ phận là mặt hàng đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân 11,6%/năm.
So với các ngành chế biến khác trong nước, công nghiệp nội thất Việt Nam dù thâm dụng lao động nhưng trong quá trình phát triển đã tích lũy được hàm lượng công nghệ và đặc biệt là sự gia tăng của chất xám trong thời gian gần đây. “Quan trọng nhất trong việc thu hút đơn hàng là khả năng tạo nhận diện sản phẩm đặc trưng. Hay nói cách khác là xây dựng thành công chiến lược sản phẩm”, ông Đặng Minh Lành – Giám đốc Công ty nội thất New GBI chia sẻ.
Chiến lược sản phẩm (Product Strategy) là kế hoạch chi tiết tổng hợp và dài hạn cho việc phát triển, tiếp thị cũng như quản lý sản phẩm của một DN. Chiến lược này định hướng cho DN trong việc đưa ra tất cả các quyết định về sản phẩm như tính năng, thị trường, phân khúc khách hàng, cách thức phân phối và tiếp thị sản phẩm, quản lý vòng đời sản phẩm, bán hàng và hậu mãi… Nói cách khác, đây là kế hoạch phát triển xác định mục tiêu cụ thể của sản phẩm và định hướng cho quá trình phát triển sản phẩm, từ thiết kế đến giới thiệu sản phẩm. Sao cho thương hiệu gắn chặt được với sản phẩm để khi có nhu cầu về sản phẩm, khách hàng sẽ tìm đến thương hiệu.
Sau thời gian dài định hình, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có những cái tên khá thành công trong việc xây dựng thương hiệu gắn liền với thế mạnh sản phẩm. Có thể kể: Tân Thành, Alpha với các sản phẩm ghế, nội thất gỗ nguyên khối; Thiên Minh, Trường Thành với các sản phẩm ngoại thất; Tiến Đạt, Savimex, An Cường, TEKCOM với tủ kệ bếp; Sao Nam với ván sàn; Trần Đức, AA với nội thất phục vụ dự án cao cấp… Ngoài ra, với những dòng nội thất hiện đại, mang tính xu hướng tiêu dùng mới như kết hợp giữa gỗ với các vật liệu khác (như kim loại chẳng hạn), đã có những DN như Vietcast, Fine Scandinavia… tạo nên sản phẩm đặc trưng gắn liền với thương hiệu của mình. “Tựa như chỉ dẫn địa lý, những nhà mua hàng sẽ tìm đến những DN xây dựng thành công đặc trưng sản phẩm”, bà Jean Lin – chuyên gia mua hàng đến từ Mỹ cho biết.
Chuyên nghiệp hơn, cạnh tranh hơn
Theo bà Jean, công việc tìm kiếm nguồn cung ứng cho thị trường của đội ngũ mua hàng sẽ dễ dàng hơn nếu các DN sản xuất khẳng định được thế mạnh của mình trong một hoặc vài dòng sản phẩm cụ thể. Trực tiếp khảo sát các nhà máy nội thất Việt Nam thời gian qua, bà Jean cho rằng danh sách các DN theo đuổi chiến lược sản phẩm đặc trưng là có nhưng chưa nhiều.
Đồng quan điểm, ông Đặng Minh Lành cũng cho rằng tỉ lệ các DN nội thất trong nước xây dựng thành công chiến lược sản phẩm không nhiều. Đội ngũ mua hàng không có nhiều lựa chọn. “Trong bối cảnh đơn hàng ít lại, lựa chọn của những người mua hàng cũng sẽ tinh chỉnh hơn. Muốn có được đơn hàng trong giai đoạn này cũng như về sau, DN buộc phải nâng tính chuyên nghiệp, khả năng cạnh tranh cao hơn ở những dòng sản phẩm thế mạnh”, ông Lành nói.
Theo ông Lành, xây dựng chiến lược sản phẩm không chỉ là chuyện riêng của DN mà còn cần thiết cho việc phát triển ngành. Khách hàng không thể và hoàn toàn không muốn đến Việt Nam đặt ghế và kệ bếp rồi sang Indonesia đặt tủ, bàn… Tối ưu cả thời gian và chi phí trong kinh doanh lẫn sản xuất là yêu cầu lúc nào cũng có. Một thị trường có thể cung ứng hết mọi nhu cầu mua hàng sẽ thu hút được nhiều đơn hàng hơn. Danh sách các DN có sản phẩm đặc thù càng dài thì người mua hàng cũng có nhiều lựa chọn hơn.
Bên cạnh tối ưu hóa để tiết giảm chi phí, theo bà Dương Minh Tuệ – Giám đốc kinh doanh Công ty nội thất Minh Dương, sau một thời gian đối mặt với lượng hàng tồn kho, khi quay trở lại đặt hàng cho mùa cuối năm 2023, các nhà mua hàng cũng dè dặt hơn rất nhiều, không dám đặt đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, khách hàng cũng kỳ vọng những yếu tố mới mẻ, yêu cầu DN sản xuất phải sáng tạo hơn để có thể chinh phục người dùng cuối dễ hơn trong bối cảnh hiện tại. “Tất cả đòi hỏi đơn vị sản xuất phải chuyên nghiệp hơn, nhanh hơn, vượt trội hơn để cùng họ vượt qua khó khăn”, bà Tuệ nói.
ĐẢO ĐẢM NGUỒN NHÂN LỰC
Theo Báo cáo Khảo sát khó khăn DN và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), làn sóng sa thải người lao động có thể tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của DN. Trong đó, hơn 50% DN, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 được khảo sát, cho biết sẽ cắt giảm thêm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.
Trong bối cảnh các DN vẫn “án binh bất động” trong trạng thái chờ và nghe ngóng thị trường khi lo ngại về kinh tế thế giới kém khả quan trong năm nay, Navigos Group dự báo cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các DN sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự, hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình tệ hơn. Lúc này, xây dựng chiến lược sản phẩm để thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng thành công cũng sẽ là con đường để DN bảo toàn được nguồn lực, đảm bảo đời sống người lao động, cũng chính là góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
ĐẶNG QUÝ YÊN