,

Xuất khẩu giảm mạnh, ngành gỗ tăng cường xúc tiến vào các thị trường tiềm năng

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh do tác động từ tình hình khó khăn và sức mua sụt giảm của nhiều nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh đó, ngành gỗ tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến trực tiếp, tiếp cận khách hàng tại các thị trường tiềm năng.

Ước tính, trong tháng 6/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 5/2023 và giảm mạnh 26,2% so với tháng 6/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 728 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng 5/2023 và giảm 23,4% so với tháng 6/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.

xuất khẩu gỗ
Ngành gỗ gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ kinh tế thế giới biến động và sức mua của nhiều thị trường lớn sụt giảm.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đối mặt với nhiều khó khăn 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với các rào cản thương mại từ Hoa Kỳ và xuất hiện rào cản mới của thị trường EU… Do vậy, khả năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

go va san pham go

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh, do kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khiến sức mua trên toàn cầu giảm mạnh, đơn đặt hàng đối với các sản phẩm nội thất giảm đáng kể. Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều giảm mạnh, dẫn dầu về trị giá xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 là ghế khung gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 750,1 triệu USD, giảm 45,9%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 581,4 triệu USD, giảm 45,7%…

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng giảm sút như: Dăm gỗ đạt 826 triệu USD, giảm 8,3%; gỗ, ván và ván sàn đạt 653,1 triệu USD, giảm 27,2%; Viên gỗ nén đạt 255,9 triệu USD, giảm 27,2%…

Theo các doanh nghiệp, tình trạng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay có nguyên nhân chính từ cầu yếu tại các thị trường lớn. Đơn cử, nhu cầu của Hoa Kỳ giảm do xây dựng nhà mới ở thị trường này chững lại. Tại châu Âu, lạm phát và xung đột Nga – Ukraine gây tâm lý lo ngại rủi ro, nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng này giảm hơn so với những năm trước.

Hơn nữa, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều đối tác nhập khẩu cũng thay đổi phương thức đặt hàng đơn lớn cho cả năm sang đặt đơn hàng nhỏ theo quý hay nửa năm.

mat hang go

Tích cực tìm kiếm đơn hàng và thích ứng với xu hướng mới

Để khắc phục tình trạng thiếu đơn hàng, bên cạnh việc cân đối lại chi phí, sắp xếp lại quy trình sản xuất phù hợp, thời gian qua các doanh nghiệp ngành gỗ đã tích cực tận dụng cơ hội tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kết nối khách hàng.

Đáng chú ý, sự linh hoạt, nhạy bén với thị trường của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng. Nhiều doanh nghiệp, thông qua tìm hiểu, tiếp xúc khách hàng đã tập trung vào những phân khúc thị trường ngách sản phẩm nhỏ, thiết yếu trong cuộc sống, sinh hoạt; đa dạng sản phẩm và khách hàng; luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của đơn hàng, khách hàng, thậm chí chấp nhập giảm đơn giá, giãn thời gian giao hàng…

Nhiều ý kiến cho rằng, thông thường chu kỳ đáy của ngành gỗ kéo dài khoảng từ 6 tháng – 1 năm, do vậy dự báo sau thời gian ảm đạm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể sẽ phục hồi vào quý IV/2023 và năm 2024. Hiện đã có một số tín hiệu lạc quan hơn với tình hình đơn hàng năm 2024 của các doanh nghiệp.

Ngành gỗ và các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, nắm bắt thông tin thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới.

Trong tháng 8 tới đây, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) sẽ tổ chức Đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ Quốc tế về Đồ gỗ và trang trí nội thất INDEX FAIR DELHI 2023 và khảo sát thị trường Ấn Độ từ ngày 10/8 – 15/8/2023.

Ấn Độ là thị trường xuất khẩu mới nổi đầy tiềm năng của ngành nội thất Việt Nam, hiện là quốc gia tiêu thụ đồ nội thất lớn thứ 4 trên thế giới và thị trường nhà đất dự kiến tăng trưởng 18%/năm, từ 2,3 tỷ USD năm 2020 lên 5,2 tỷ USD vào năm 2025. Tại Hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TP.HCM (HawaExpo 2023) diễn ra đầu năm nay đã ghi nhận nhu cầu tăng cao về số lượng đơn hàng từ các nhà mua hàng Ấn Độ.

Tiếp đó, từ ngày 22/8 – 27/8/2023 Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cũng tổ chức Đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ Đồ đạc và Nội thất KOFURN 2023 và khảo sát thị trường Hàn Quốc.

Là một trong những hội chợ nội thất toàn cầu duy nhất tại Hàn Quốc, KOFURN 2023 dự kiến thu hút khoảng 62.000 người tham dự gồm các doanh nghiệp xuất khập khẩu, nhà phân phối nhỏ, vừa và lớn từ khắp nơi trên thế giới với 1.200 gian hàng, nhằm cập nhật sự phát triển của ngành công nghiệp nội thất và tạo cơ hội kết nối, kinh doanh và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Hàn Quốc đối với hàng xuất khẩu.

Việc tham gia Hội chợ kết hợp khảo sát thị trường Hàn Quốc sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ và nội thất tại Việt Nam tiếp cận với thị trường đồ gỗ nội thất Hàn Quốc và tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu.

Theo Tapchicongthuong.vn

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác