Dù đang đối diện với những thách thức nhất định nhưng dựa trên nhu cầu cung ứng nguyên liệu phụ trợ của các thương hiệu xuất khẩu nội thất lớn, ông Ngô Phước Thọ cho rằng chế biến gỗ Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng, đơn hàng sẽ lại dồi dào đầu năm sau.
* Sụt giảm đơn hàng, tín dụng khó tiếp cận, bài toán nhân lực… là những thách thức mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối mặt. Ông cảm nhận thế nào về những ngăn trở này?
– Sức khỏe kinh tế toàn cầu đang gặp vấn đề. Là quốc gia có độ mở kinh tế cao, Việt Nam chịu ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi không quá bi quan về những chỉ số tiêu cực hiện nay. Trong kinh doanh, luôn tồn tại những yếu tố biến động nhất định. Đối diện và thích ứng thế nào mới là điều chúng ta cần quan tâm.
* Cụ thể, Phước Khang có những thay đổi nào trong chiến lược kinh doanh thời gian vừa qua?
– Là đơn vị phân phối nguyên phụ liệu cho các đơn vị sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến gỗ, kim loại, composite…, khi tình hình khó khăn tác động đến hầu hết các DN, Phước Khang cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi có được thế mạnh là kênh phân phối đa dạng, bao gồm bán lẻ, hệ thống siêu thị, thương mại điện tử, công nghiệp… nhờ các kênh bổ trợ cho nhau nên Phước Khang ảnh hưởng không nghiêm trọng. Tuy doanh thu có giảm đôi chút, chúng tôi vẫn duy trì được nhân viên của mình . Dự kiến, mức sụt giảm trong năm nay tầm 10%. Tôi không quá bi quan về thị trường.
* Điều gì khiến ông cho rằng thị trường có những tín hiệu tích cực?
– Tình hình khó khăn hiện nay có thể kéo dài đến hết 2023, thậm chí hết quý I/2024. Các DN đều đang nỗ lực để duy trì dòng tiền, triển khai các phương án bảo toàn sản xuất, tiết giảm chi phí, nghiên cứu cải tiến sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn và đặc biệt là khai phá thêm thị trường mới, quan tâm nhiều hơn thị trường nội địa.
Theo quan sát của tôi, riêng ngành chế biến gỗ đã bắt đầu có đơn hàng trở lại. Cụ thể là các đối tác của Phước Khang, những nhà máy sản xuất đồ nội thất lớn ở Việt Nam, FDI lẫn khối nội đã bắt đầu đặt nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất nhiều hơn. Công nghiệp nội thất Việt Nam chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu, khi đơn hàng trở lại, nghĩa là tồn kho ở các nước cũng đã giảm. Đó là khởi đầu thuận lợi, tạo điều kiện cho ngành lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành chế biến gỗ Việt Nam?
– Công nghiệp chế biến gỗ chiếm tỷ trọng khoảng 30% doanh số của Phước Khang. Chúng tôi cung ứng quy trình đánh bóng bề mặt, quy trình kết nối các cấu phần của đồ nội thất bằng các loại keo chuyên dụng từ Tập đoàn 3M của Mỹ cho ngành gỗ khá lâu. Có điều kiện tiếp cận nhiều với các DN trong ngành, tôi cảm nhận sâu sắc về tiềm năng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ chúng ta. Bởi, công nghiệp nội thất Việt Nam được xây dựng dựa trên các nền tảng vững chắc là nhân lực, năng lực, được hậu thuẫn từ Chính phủ và bây giờ còn có thêm sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ. Với những giá trị đó, tôi tin ngành sẽ còn phát triển trong thời gian tới.
* So với các ngành khác, cung ứng cho các DN chế biến gỗ cần có những đòi hỏi đặc thù nào?
– Luôn có sự khác nhau nhất định giữa các đối tượng khách hàng, đòi hỏi đơn vị phân phối, cung ứng phải linh hoạt thích ứng. Với ngành gỗ nói riêng và các khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, Phước Khang không chỉ bán sản phẩm. Chúng tôi mang đến khách hàng những giải pháp sản xuất để họ có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm thiểu chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thế mạnh của Phước Khang là đội ngũ kỹ thuật nhiều năm kinh nghiệm. Chúng tôi luôn đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sản xuất và quan trọng hơn là cùng khách hàng thiết kế các giải pháp sản xuất. Khi có những đòi hỏi mới từ phía đơn hàng, các DN nội thất thường tìm đến Phước Khang. Chúng tôi sẽ dựa trên các nguồn lực đang có để cùng nhau tìm ra giải pháp để đưa vào quy trình sản xuất. Nhờ hợp tác chặt chẽ, Phước Khang luôn gắn bó lâu năm với khách hàng.
Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thử thách, đơn hàng thì giảm nhưng đòi hỏi từ phía khách hàng lại tăng, buộc các DN phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường. Công việc sản xuất không đơn thuần là của một DN mà hội tụ cả một hệ sinh thái với các đơn vị phụ trợ. Tôi nghĩ, đồng hành sẽ là cách vượt khó tốt nhất.
* Theo ông, điều cần quan tâm trong việc điều hành DN hiện nay là gì?
– Quản trị nhân sự và quản trị dòng tiền luôn là hai yếu tố đòi hỏi người làm kinh doanh phải luôn chú trọng. Chúng ta đang ở giai đoạn khó khăn hơn về tài chính khiến tâm lý xã hội cũng phần nào bất ổn. Do đó, làm thế nào để chăm lo cho đội ngũ nhân viên, kiến tạo môi trường làm việc hòa đồng, gắn kết thì sẽ tạo được sức mạnh nội tại cho DN.
Như mạch máu nuôi sống con người, dòng tiền cũng cần được đảm bảo để nuôi sống DN. Chúng ta không nên đầu tư dàn trải. Trong thời gian này, cố gắng giảm áp lực tồn kho và dành thời gian chăm sóc đối tác hiện có đồng thời mở rộng kết nối với các khách hàng tiềm năng chính là cách thức xây dựng nền tảng cho việc kinh doanh thời gian tới.
* Với tất cả những nỗ lực ấy, trong hình dung của ông, Phước Khang 5 và 10 năm tới sẽ thế nào?
– Tình hình chung vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán định nhưng nếu kinh tế phục hồi, kế hoạch của chúng tôi là tăng doanh số gấp đôi sau năm năm và gấp 4 lần sau 10 năm nữa.
* Xin cảm ơn ông về những trao đổi này!
Nam Khuê thực hiện