Giữa những biến động lớn của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực rất lớn để vượt khó. Điều cần thiết bây giờ là nắm được “luật chơi” mới để có thể xây dựng nội lực, tiếp cận thị trường toàn cầu theo phương cách mới.
Sẽ không quá lời khi nói rằng, thế giới đang trải qua những biến động có tính lịch sử, nhiều thế hệ mới đối mặt một lần: Chiến tranh, dịch bệnh, sụt giảm kinh tế, thiên tai… diễn ra gần như cùng thời điểm. Tác hại của sự cộng hưởng các yếu tố tiêu cực như một cơn đại hồng thủy khiến cả thế giới xáo trộn.
Thế giới về đâu?
Quan sát lịch sử phát triển kinh tế hơn 30 năm qua, từ 1990 đến nay, chúng ta đã trải qua ba chu kỳ 10 năm. Thông thường, như một đồ thị hình sin, mỗi chu kỳ sẽ đạt cực đại rồi đi xuống để tạo đà đi lên cho một chu kỳ mới. Không may, chu kỳ kinh tế vừa xuống một cách tự nhiên ở giai đoạn 2021 thì thế giới chịu thêm tác động của dịch bệnh, biểu đồ hình sin thay vì đi lên lại rơi xuống đáy.
Căng thẳng Mỹ – Trung kéo dài từ 2019, những tranh luận về hải phận tại Biển Đông, cuộc xung đột Ukraine – Nga kéo dài và lan rộng tạo nên bầu không khí chính trị khá “nóng” trên toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh, thế giới từ đơn cực chuyển sang đa cực. Xung đột chính trị tiếp tục là tác động xấu khiến đồ thị hình sin một lần nữa không thể đi lên khi thế giới đã “bình thường mới” với dịch bệnh. Đà xuống lần này thể hiện ở lạm phát diện rộng tại các quốc gia châu Âu, Mỹ… để rồi lao dốc như hiện nay.
Thực tế, ba chu kỳ kinh tế đã qua, thế giới có điều kiện sống trong giai đoạn phát triển hoàng kim, phục hồi nhanh chóng sau suy giảm nên dễ rơi vào tình trạng “vung tay quá trán”. Các nước đều khuyến kích tiêu dùng để tạo động lực cho nền kinh tế. Trong ảnh hưởng dịch bệnh, lượng tiền đã được in ra nhiều hơn. Lạm phát như một cơn tăng huyết áp, không kịp thời điều tiết sẽ dễ “vỡ mạch” tín dụng. Tình trạng bất ổn hiện nay của kinh tế toàn cầu diễn ra bắt đầu từ những nguyên nhân như thế.
Sau chuỗi xuống đáy liên tục kể trên, ý nghĩa của khái niệm “toàn cầu hóa” cũng đã được nhìn nhận lại. Chuyện tập trung sản xuất ở nơi rẻ nhất là Trung Quốc không còn là giải pháp an toàn. Thực tế đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt hai năm dịch bệnh đặt ra bài toán mới: mỗi quốc gia phải tự đảm bảo chuỗi giá trị sản xuất của riêng mình. Câu chuyện “chia việc” cho nơi có khả năng cung ứng tốt nhất theo mô hình toàn cầu hóa để có sản phẩm giá rẻ không còn là cao trào. Địa phương hóa được chú ý trở lại. Trong khung vận hành của luận luật chơi mới, Việt Nam có lợi thế nhờ quan hệ tốt với rất nhiều quốc gia. Hệ thống 16 FTA hiện hành tạo điều kiện cho DN Việt Nam có điều kiện tốt để thâm nhập thị trường mới, kết nối với đối tác mới.
Việt Nam cần làm gì?
Sân chơi mới, luật chơi mới đòi hỏi người chơi mới, phải thay đổi kịp thời để thích ứng, nếu không muốn bị đào thải. Kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào giá trị xuất khẩu mạnh các mặt hàng đồ nội thất, thiết bị điện tử, dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, sắt thép… Trong đó, xuất khẩu đồ nội thất được xem là sản phẩm mũi nhọn, đóng góp lớn cho GDP cả nước.
Đứng trước động lực tăng trưởng mới, Việt Nam rất cần củng cố nội lực. Thực tế qua quá trình khảo sát và tư vấn cho doanh nghiệp (DN), tôi nhận thấy nhiều DN chưa ý thức và tập trung đúng mức vào công tác quản trị, xây dựng hệ thống. Tính kỷ cương của một hệ thống rất cần thiết để duy trì tinh thần chung cho cả tập thể hàng ngàn con người trong môi trường sản xuất.
Không dừng lại ở đó, với môi trường kinh doanh toàn cầu đang nhiều bất định như hiện nay, DN phải có kết nối chiến lược với các đối tác. Chuỗi cung ứng là một hệ thống với sự tham gia của rất nhiều DN. “Kết bè để làm thuyền” là cách mà hệ thống gần 6.000 DN của ngành gỗ tại Việt Nam có thể ứng dụng để kiện toàn các thể mạnh, cộng hưởng các giá trị để có thể thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu ở các giá trị gia tăng cao như văn hóa, thương hiệu, sáng tạo… Trên nền tảng vốn có là sản xuất, kết tinh văn hóa trong thiết kế và thương hiệu sẽ là con đường đưa nội thất Việt Nam đến với người dùng thế giới dễ dàng. Cần lưu ý, thông qua hoạt động truyền thông, cũng cần mạnh dạn xây dựng “câu chuyện” của ngành nói chung, của DN nói riêng để thuyết phục đối tác. Tất nhiên, để kết nối được với những người đồng hành, “câu chuyện” ấy phải thực chất và chứa đựng mục tiêu dài hơi.
Công nghiệp nội thất Việt Nam xuất phát từ việc trồng rừng, tạo việc làm hàng trăm ngàn lao động, góp phần giải bài toán nhân sinh. Trong chiến lược phát triển, ngành gỗ cũng đang vươn đến các giá trị mới, thu hút sự sáng tạo của người trẻ. Tất cả những yếu tố đó đủ để cấu thành một câu chuyện đầy tính nhân văn, hiện đại để ngành có thể tự hào kể cho thế giới, thu hút người dùng, thu hút dòng vốn và khách hàng toàn cầu.
Thái Lan đã kể cho thế giới nghe câu chuyện rất hay của mình về ngành du lịch với đầy đủ bản sắc, hấp dẫn và tiềm năng. Trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Thái Lan, người ta thấy được sự đóng góp quan trọng của tính kết nối. Những đường bay, khách sạn… giá rẻ trở thành đường dẫn cho những chi tiêu lớn hơn trong các dịch vụ giải trí, du lịch, mua sắm khác. Giá trị thặng dư thu được từ các dịch vụ được quay về bồi hoàn cho hàng không, lưu trú. Nhờ vai trò điều tiết và định hướng tốt của các hiệp hội du lịch mà cả ngành cùng phát triển thịnh vượng.
Chế biến gỗ Việt Nam may mắn tụ hội được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ trồng rừng, sơ chế, chế biến, thiết kế, xuất khẩu, phụ trợ… những giá trị này đều cộng sinh với nhau. Nếu được kết nối tốt trong môi trường hiệp hội, những mắt xích trong chuỗi cung ứng sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hòa cho ngành. Tôi cho rằng, nếu được tổ chức các hoạt động dựa trên những giá trị như: thông tin, số liệu thị trường, công tác đào tạo, công tác kết nối, xúc tiến thương mại… Hiệp hội sẽ kiến tạo được hệ sinh thái cho ngành gỗ và nội thất, giúp DN có điều kiện phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ hơn bởi dư địa của ngành là không nhỏ.
Trần Sĩ Chương
Chuyên gia kinh tế và quan hệ quốc tế – Cố vấn cấp cao về chính sách tiền tệ
và kinh tế cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ