, ,

Mở rộng mục tiêu xuất khẩu bằng giải pháp tiếp cận trực tiếp

Kinh doanh bị động khiến ngành chế biến gỗ thiếu cơ hội tăng trưởng, dù tiềm năng không nhỏ. Đã đến lúc doanh nghiệp (DN) tiến đến giải pháp bán hàng trực tiếp, xây dựng kho hàng, điều tiết kinh doanh ở thị trường xuất khẩu… để đảm bảo cơ chế phát triển bền vững.

 

Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,3 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,6 tỷ USD, giảm 28,4% so với cùng kỳ.

Nhiều thách thức

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát tuy đã hạ nhiệt song hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm; chính sách tiền tệ thắt chặt; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng… Diễn biến bất lợi của tình hình thế giới dẫn đến các nền kinh tế đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu. Dù tồn kho giảm nhưng đơn đặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ không tăng cũng là điều khó tránh.

Những thách thức khách quan kể trên vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Hiện, ngành chỉ mới đạt khoảng 46% mục tiêu xuất khẩu của năm 2023. Thời gian tới, cũng như các ngành khác,  chế biến gỗ vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các DN, cùng với quyết tâm đồng hành từ phía các cơ quan quản lý, các hiệp hội… chế biến gỗ vẫn sẽ là một trong những ngành có đóng góp hàng đầu cho GDP cả nước.

Chuẩn bị cho mục tiêu xa hơn, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các hiệp hội tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ DN, đặc biệt là trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, quy hoạch rừng trồng gỗ lớn, quy hoạch các khu lâm nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh cho ngành chế biến gỗ…

Không khó để nhận ra, các thị trường nhập khẩu hàng nội thất Việt Nam sẽ còn mạnh tay hơn trong việc đưa ra các rào cản thương mại, đòi hỏi về môi trường sẽ còn tiếp tục nâng cao hơn trong thời gian tới. Do đó, DN cần thích ứng nhanh để tránh khó chồng khó. Đây chính là lúc DN phải vững tâm, đoàn kết, chia sẻ thông tin để cùng nhau vượt khó. Cần nhất là duy trì được khả năng linh hoạt, chủ động thích ứng với các thách thức của thị trường.

Nhưng không thiếu giải pháp

Hoa Kỳ, thị trường tiêu thị đồ nội thất lớn nhất thế giới, nhập khẩu tháng 7/2023 tăng thêm 5,2 tỷ USD lên 316,7 tỷ USD, phục hồi từ mức thấp nhất trong tháng 6/2023. Khả năng tăng trưởng của thị trường này được xem là tiềm năng, nhất là trong những tháng cuối năm. Nhu cầu từ thị trường các nước khác cũng đã bắt đầu khởi sắc. Theo phản ánh từ phía các DN, đơn hàng đã bắt đầu trở lại, tuy chưa nhiều.

Thực tế, DN nội thất Việt Nam hiện nay phần lớn kinh doanh đồ nội thất qua trung gian, gia công cho các thương hiệu lớn, thiếu tính chủ động khiến họ chịu nhiều thiệt thòi. Khi thị trường tốt, chúng ta nhận giá trị thặng dư thấp và khi thị trường biến động, các DN đặt hàng gặp khó thì chúng ta thiệt hại lớn. Đã đến lúc DN nội thất Việt Nam xây dựng giải pháp bán hàng trực tiếp. Cụ thể là xây dựng trung tâm cung ứng, kho hàng và đội ngũ điều tiết kinh doanh ở ngay các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… Đây là chiến lược hết sức cần thiết. Sau khi chứng thực được năng lực cốt lõi là sản xuất, việc vươn lên các khung giá trị khác là tất yếu và là giải pháp bền vững cho sự phát triển chung của ngành. Một DN sẽ khó làm được điều đó nhưng nhiều DN cùng ngành hàng liên kết lại với nhau, cùng làm, hoặc các tổ chức hiệp hội chung tay điều phối, tôi tin chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này.

Song song với việc mang hàng ra bán trực tiếp ở thị trường các nước, DN cũng cần cập nhật, đổi mới công nghệ sản xuất, mạnh dạn ứng dụng các phương thức sản xuất mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi. Đồ nội thất Việt Nam đang hiện diện ở rất nhiều công trình cao cấp của thế giới. Gia tăng hàm lượng sáng tạo để mở rộng thị trường này tạo điều kiện cho DN nhận được lợi nhuận xứng đáng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang và sẽ đồng hành cùng các DN chế biến gỗ thúc đẩy cho mục tiêu chung: Giữ vững vị thế, nâng tầm năng lực, phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam theo định hướng sáng tạo, bền vững.

Nguyễn Quốc Trị – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

M.K ghi

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác