Ứng dụng công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại trong khai thác và sơ chế, Phần Lan là quốc gia cung ứng gỗ xẻ hàng đầu cho doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ nội thất toàn cầu. Kết nối lâm nghiệp giữa hai quốc gia không chỉ mang đến Việt Nam nguồn nguyên liệu chất lượng mà còn có cơ hội trao đổi, chuyển giao công nghệ chế biến lâm sản.
Nguồn lợi quốc gia
Phần Lan là quốc gia có độ che phủ rừng lên đến 80% diện tích, lớn nhất châu Âu. Trong đó, khoảng 2/3 diện tích rừng và hơn 80% lượng gỗ sản xuất của Phần Lan đến từ chủ rừng là các hộ gia đình. Việc sở hữu rừng theo hộ gia đình là một giải pháp được quốc gia Bắc Âu này đẩy mạnh và thành công, mang lại sự thay đổi lớn cho nền kinh tế quốc dân.
Đối với người Phần Lan, bên cạnh giá trị kinh tế và môi trường, rừng còn đóng vai trò rất quan trọng trong giải trí, nghỉ dưỡng và thư giãn. Rừng có giá trị về mặt tình cảm và tâm lý đối với người dân Phần Lan. Ông Keijo Norvanto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam cho biết, sự giàu có và thịnh vượng của Phần Lan đến từ lâm nghiệp, với doanh số xuất khẩu chiếm 20% GDP, đứng thứ ba cả nước. Chính phủ nước này tích cực xây dựng ngành lâm nghiệp có trách nhiệm với mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon. “Chúng tôi đã nỗ lực để phát triển công nghệ, kiến thức và tìm ra các giải pháp mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chúng tôi cũng đã phát triển ra các công nghệ hàng đầu liên quan đến chế biến gỗ và những sáng tạo cho các sản phẩm từ rừng”, ông Keijo Norvanto nói.
Mùa hè ngắn và mùa đông dài ở Phần Lan mang lại những thách thức nhất định cho sự phát triển của rừng. Trung bình gỗ rừng trồng ở Phần Lan phải mất 30 năm mới có thể khai thác nhưng đây cũng chính là lý do tại sao gỗ Phần Lan trở nên rắn chắc, bền và đạt được các đặc tính thẩm mỹ. Đáng chú ý, 90% rừng thương mại của Phần Lan có chứng chỉ quốc tế, nhất là FSC, nhất là FSC (Forest Stewardship Council – Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới).
Tính ứng dụng cao
Thông, vân sam là 2 nguyên liệu gỗ xuất khẩu chủ lực của Phần Lan. Với thông, Phần Lan phân loại đến 7 nhóm khác nhau, tùy theo độ cứng và chất lượng của gỗ. Từ đó, giá bán cũng khác nhau. Bên cạnh nguyên liệu tự nhiên, nhờ chiến lược đầu tư lâm nghiệp công nghệ cao, Phần Lan còn có một thế mạnh khác là gỗ dán nhiều lớp (glulam) và công nghệ xử lý để có gỗ biến tính phù hợp với yêu cầu sử dụng.
Theo ông Aki, đại diện Công ty gỗ Kuhmo Oy, DN của ông đã dành khoản đầu tư lên đến 45 triệu USD ứng dụng công nghệ sâu rộng trong sơ chế gỗ để có thể đáp ứng mọi yêu cầu về nguyên liệu từ phía khách hàng, từ kích thước đến cách thức chế biến phù hợp nhất với mục tiêu sử dụng gỗ như xây dựng công trình, sản xuất nội thất, pallet, gỗ biến tính…. Có mặt tại sự kiện kết nối các DN cung ứng gỗ Phần Lan với các DN sản xuất hàng nội thất Việt Nam, diễn ra ngày 12/9 tại TP.HCM vừa qua, đại diện Kuhmo Oy cho biết, ông khá ấn tượng năng lực sản xuất hàng nội thất của Việt Nam và hy vọng có thể kết nối tốt với các DN trong ngành. Thành lập từ năm 1956, Kuhmo Oy có khả năng cung ứng 500 – 600 ngàn mét khối/năm.
Tương tự, Kuhmo Oy, những DN cung ứng nguyên liệu lớn đến từ Phần Lan như FM Timber, HASA, Lisveden Metsa, JPJ-Wood, Luvian Sawmill, Polkky, Junnikkala… đều rất quyết liệt trong đầu tư công nghệ để có thể tăng lợi thế cạnh tranh cho nguyên liệu gỗ. Nhờ vậy, gỗ Phần Lan có thể thâm nhập vào hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 5 châu lục. “Gỗ là vật liệu xây dựng truyền thống của Phần Lan, bí quyết và công nghệ xây dựng bằng gỗ của Phần Lan có tiềm năng quốc tế rất lớn cho kiến trúc gỗ. Trong những lĩnh vực này, Phần Lan là quốc gia đi tiên phong. Chính phủ Phần Lan đã chủ động thúc đẩy sử dụng gỗ trong xây dựng từ những năm 1990. Xây dựng bằng gỗ là một trong những biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon”, ông Keijo Norvanto khẳng định.
Theo Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp giữa Việt Nam – quốc gia xuất khẩu nội thất thứ 5 thế giới và Phần Lan, đất nước cung ứng gỗ xẻ hàng đầu, là cực kỳ lớn. Thời gian tới, công tác kết nối, xúc tiến thương mại để DN Phần Lan có thể tiếp cận các nhà sản xuất nội thất Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn.
Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Hoài Bảo, thành viên Ban chấp hành HAWA. Theo ông Bảo, để đáp ứng nhu cầu phát triển trung bình 15%/năm, ngành nội thất Việt Nam cần rất nhiều nguyên liệu gỗ. Hiện, 25% gỗ nguyên liệu tại Việt Nam là nhập khẩu. Trước nhu cầu đa dạng hóa nguyên liệu, Phần Lan là một điểm đến mới, tiềm năng. “Cơ hội hợp tác, mở ra cho cả hai quốc gia”, ông Bảo nói.
Minh Khuê
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam đạt 2,936 triệu m³, trị giá 1,020 tỷ USD, giảm 27,8% về lượng và giảm 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh hưởng của thực tế thiếu đơn hàng khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cũng giảm theo. Tuy nhiên, thị trường đã ghi nhận tín hiệu đơn hàng đang trở lại. Dự kiến, nhu cầu nguyên liệu những tháng cuối năm 2023 cũng sẽ tăng.