,

Tài chính carbon rất gần

Việc mua bán, giao dịch tín chỉ carbon không chỉ giúp Việt Nam hòa nhập vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu của thế giới mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ.

 

Năm 2005, thị trường carbon của Liên minh châu Âu được hình thành và là thị trường sớm nhất trên thế giới. Tiếp theo, Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức ở cấp toàn quốc năm 2022. Kế đó là Vương quốc Anh, triển khai năm 2021 và mới đây Nhật Bản cũng vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023. Như vậy, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đang rất sôi động.

Các hình thức vận hành của thị trường carbon

Thị trường carbon trên thế giới hiện đang vận hành theo 3 hình thức: bắt buộc, tự nguyện và tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức nữa không liệt vào 3 loại trên và tương đối đơn giản là đơn thuần mang lên sàn mua bán (hiện chỉ có Singapore theo đuổi mô hình này).

Nếu quốc gia theo đuổi chính sách bắt buộc tham gia và thị trường carbon, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp (DN) trong danh sách giảm phát thải bắt buộc phải giảm phát thải hằng năm. Mỗi quốc gia lại yêu cầu giảm phát thải theo các ngành, lĩnh vực khác nhau chứ không phải tất cả ngành, lĩnh vực đang phát thải của quốc gia đó. Dựa trên hạn mức phát thải do Chính phủ áp cho mỗi ngành, lĩnh vực, DN phát thải vượt trần sẽ phải mua tín chỉ của Chính phủ bán hoặc mua của DN đang có sẵn tín chỉ do phát thải không hết hạn mức.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định quy định Danh mục 1912 DN phải kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 62 DN thuộc ngành chế biến gỗ, bao gồm các DN sản xuất đồ gỗ, ván và viên nén… Việc kiểm kê này cho DN biết mức phát thải hiện tại của mình đang như thế nào và đâu là nguồn phát thải lớn nhất, từ đó có tiền đề cho các quyết định cắt giảm bao nhiêu, cắt giảm ra sao?

Với hình thứ tự nguyện, các DN không nằm trong danh sách Chính phủ yêu cầu giảm phát thải nhưng đăng ký tự nguyện giảm phác thải, hoặc các DN lĩnh vực năng lượng tái tạo tham gia. Các DN này sẽ đăng ký với Chính phủ, thông qua một số tổ chức thẩm định cấp tín chỉ quốc tế như Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard), Tổ chức Xác nhận Tiêu chuẩn Carbon (VCS), Hội đồng Carbon toàn cầu (Global Carbon Council)… Sau khi được cấp tín chỉ, các DN sẽ đưa lên sàn mua bán, trao đổi và có thể bán cho các tổ chức, DN quốc tế để thu về nguồn tài chính cho mình.

Thị trường điều tiết giá

Phụ thuộc vào hình thức triển khai mà giá tín chỉ carbon cũng sẽ khác. Hiện chỉ có hình thức bắt buộc và tự nguyện là được định giá thông qua đấu giá hoặc mua bán trên sàn. Giá tín chỉ phụ thuộc vào cung – cầu như thị trường tự do. Biến động giá ở thị trường carbon sẽ phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, ngành, lĩnh vực phát thải. Ví dụ, Hàn Quốc hiện nay chỉ giao dịch khoảng 5-6 USD/tín chỉ, Úc 25 USD, trong khi Trung Quốc 10 USD còn EU lên đến 77 euro/tín chỉ.

Riêng ở hình thức thứ ba, tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris, DN thực hiện theo cách thức hai quốc gia ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, nội dung trao đổi tín chỉ có thể tập trung vào một hoặc nhiều lĩnh vực, một hoặc nhiều DN thì tín chỉ carbon không tính theo giá trị tài chính. Ví dụ một quốc gia phát triển tài trợ công nghệ, kỹ thuật, tài chính cho một số lĩnh vực của một quốc gia đang phát triển. Sau đó, khi các DN ở quốc gia đang phát triển tạo ra được tín chỉ carbon, lượng tín chỉ này một phần được giữ lại ở DN và quốc gia đang phát triển đó, một phần sẽ đưa về nước phát triển. Tỷ lệ bao nhiêu phần trăm cho mỗi bên sẽ do thỏa thuận ban đầu giữa hai quốc gia.

Lợi ích cho DN rất rõ ràng

Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025, đến năm 2028 vận hành chính thức. Khung thời gian để tiếp cận và triển khai là phù hợp với nguồn lực hiện có và tương đồng với các quốc gia trong khu vực. Khung thời gian này cũng vừa đủ để các DN đầu tư chuyển đổi công nghệ, cắt giảm phác thải cũng như xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng vận hành, làm chủ công nghệ, thiết bị… Điều quan trọng nhất là phải làm, phải chuyển đổi, nếu không sẽ tụt hậu với những đòi hỏi mới của thế giới.

Năm 2022 Tesla bán tín chỉ carbon thu về 1,78 tỷ USD, chiếm 10% tổng lợi nhuận trong năm. Ví dụ này cho thấy trong cuộc chơi hướng tới Net Zero và thị trường carbon, DN sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt nhưng lợi ích cũng rất rõ ràng. Bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, tham gia thị trường carbon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng giá trị thương hiệu của DN, qua đó giúp DN có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm. Quá trình thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để DN  thay đổi mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ và sau đó tạo ra tín chỉ để bán, thu về lợi nhuận.

Tất nhiên, muốn triển khai được, DN cần hội tụ được nguồn vốn, cập nhập kiến thức, nâng cao năng lực để tham gia cuộc chơi mang tên xanh hóa đang diễn ra ở quy mô toàn cầu.

Bùi Đức Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường

L.K ghi

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác