Trong khi xuất khẩu sang thị trường truyền thống như Mỹ, EU… sụt giảm mạnh thì thị trường Ấn Độ đang nổi lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng ấn tượng. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt ở thị trường này tiếp tục rộng mở những tháng cuối năm.
Nắm giữ cơ hội lớn
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm 2023 đã đạt 64,9 triệu USD, tăng 265,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ ván và ván sàn là mặt hàng xuất khẩu chính. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tới Ấn Độ đạt 51,13 triệu USD, tăng 250,9% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 81,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tương tự, ở mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, Việt Nam cũng là quốc gia giữ kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai sang thị trường Ấn Độ, đạt 7,2 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cũng như các quốc gia khác, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Ấn Độ cũng có xu hướng giảm từ đầu năm 2023. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Ấn Độ đạt 71,8 triệu USD, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường cung cấp chính cho Ấn Độ trước đây như Trung Quốc, Malaysia, Sri Lanka… đều giảm tỷ trọng.
Tuy nhiên, Singapore, Indonesia, Việt Nam… lại tăng xuất khẩu nội thất vào thị trường này. Nguyên nhân là vì các doanh nhân Ấn Độ thời gian qua nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn cung mới, tạo thêm lựa chọn cho khách hàng. Ông Huzefa Samplewala – Chủ tịch Hiệp hội Nội thất Ấn Độ (AFMT) cho biết Việt Nam nắm giữ cơ hội lớn xuất khẩu nội thất vào Ấn Độ nhờ trình độ sản xuất cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu đơn hàng từ trung đến cao cấp. Hiện Ấn Độ chưa phải là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu chưa cao, chủng loại chưa nhiều và chưa có những đơn hàng lớn, dài hạn nhưng trong tương lai, tỉ trọng xuất khẩu nội thất từ Việt Nam sang Ấn chắc chắn sẽ tăng, đặc biệt là ở mặt hàng nội thất bằng gỗ.
Tăng trưởng cao
Thị trường nội thất Ấn Độ trị giá 16 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào 2027, chưa đầy 5 năm tới đây. Theo Oxford Economies, năm 2020, ngành bán lẻ tại Ấn có trị giá 883 tỷ USD và dự kiến tăng tới 1.300 tỷ USD năm 2024, trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới. Trong đó nội thất gia dụng chiếm 60% thị trường, đáng nói, khoảng 50% thuộc về Home Décor. Riêng với nội thất làm việc tại nhà, dự kiến sẽ đạt 3,49 tỷ USD vào 2026.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thống kê trong nửa đầu năm 2023, trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước này đạt 1,02 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chính Ấn Độ nhập khẩu (bao gồm mã HS 4403, 4407, 4408, 4412, 4418, 4421) chiếm 94% tổng trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Dù tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng xét về giá trị, Ấn Độ nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,4% tổng trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Ấn Độ.
Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi trong khâu vận chuyển, hiện Ấn Độ hoàn toàn không áp thuế với nội thất nhập khẩu từ Việt Nam. Lợi thế này mở đường cho nội thất Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường đông dân nhất thế giới. “Dư địa cho các doanh nghiệp (DN) nội thất Việt Nam ở thị trường Ấn Độ là rất lớn”, ông Đỗ Duy Khánh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nhận xét.
Theo ông Khánh, dù tiềm năng tăng trưởng cao nhưng thị trường Ấn Độ cũng có những đòi hỏi buộc DN nội thất Việt Nam phải cẩn trọng tìm hiểu thông tin, đánh giá nhu cầu về sản phẩm và hàng loạt yêu cầu về môi trường, quy chuẩn chất lượng… Do đó, DN cần nghiêm túc đầu tư, ứng dụng công nghệ để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Không chỉ yêu cầu chất lượng cao, thị trường Ấn Độ còn cần sự phong phú trong thiết kế. Theo ông Chinta Parekh, nhà mua hàng đến từ Ấn Độ, nguyên nhân là mỗi bang của Ấn đều có bản sắc riêng, đòi hỏi DN phải có khả năng linh hoạt trong thiết kế lẫn sản xuất mới đáp ứng được nhu cầu người dùng.
Bên cạnh đó, trong xu hướng tiêu dùng xanh, khách hàng Ấn Độ cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn, bền vững ở sản phẩm nội thất đã, đang và sẽ áp dụng ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ và châu Âu… “Muốn tham gia thị trường, DN Việt Nam phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn nội thất xanh”, ông Shailesh Patel, CEO Surani Interior, đơn vị cung ứng gỗ nhân tạo hàng đầu Ấn Độ tư vấn.
Quốc Uy