Khi đầu tư hay tiêu dùng trong nước chưa được cải thiện nhiều thì tăng trưởng của Việt Nam vẫn phải dựa vào xuất khẩu. Việc xuất khẩu của các doanh nghiệp đồ gỗ tới đây, quan trọng nhất là kiểm soát chi phí, đặc biệt là chi phí môi trường để đảm bảo sản xuất, kinh doanh có lãi. Gỗ & Nội thất phỏng vấn TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính).
* Nhiều tổ chức quốc tế dự báo mức tăng trưởng thấp cho Việt Nam trong năm 2024, ông bình luận gì về điều này?
– Dự báo tăng trưởng năm 2024 cho Việt Nam của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cao hơn con số thực Việt Nam đạt được trong năm 2023. Dù kinh tế thế giới năm 2024 còn nhiều khó khăn nhưng khả năng tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ cao hơn năm 2023. Tuy nhiên, mức dự báo này khác xa so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là 6,5%. Vấn đề không phải là các tổ chức quốc tế dự báo thế nào mà là Việt Nam sẽ có đột phá gì để tăng trưởng vượt trội hơn; đặc biệt là vượt trội hơn những gì đã đạt được trong năm 2023.
* Tăng trưởng 5,05% trong năm 2023 không đạt được mục tiêu đề ra ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu năm 2024?
– Vấn đề hiện tại nằm ở sức mua của thị trường thế giới chứ không phải là năng lực xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ nhất, mặt không thuận lợi là sức mua của thị trường thế giới liên quan đến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và tăng trưởng thấp, kéo theo hạn chế về tiêu dùng.
Thứ hai, năm 2024, biến động chính trị toàn cầu vẫn có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng có một yếu tố tích cực là năm 2024 nhiều nước đảo chiều chính sách, từ thắt chặt sang nới lỏng, kéo theo lãi suất giảm, đồng thời kiểm soát tốt và đưa lạm phát về 2%. Khi lạm phát thấp sẽ kích thích tiêu dùng và đó là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ ba, mang tính dài hạn hơn là liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Nhóm hàng gia công nổi bật nhất là dệt may, da giày, và tới đây là đồ gỗ, sẽ bị cạnh tranh rất mạnh bởi một số quốc gia khác có chi phí nhân công rẻ hơn. Do đó, năm 2024, Việt Nam phải cơ cấu lại nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
* Năm 2023 khép lại với các rủi ro từ thị trường tài chính và lãi suất – hiện đã giảm nhưng còn cao, sẽ tác động thế nào đến đầu tư và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024?
– Năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam không đạt mục tiêu, chủ yếu do nhu cầu của thị trường bên ngoài sụt giảm liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn. Điển hình là điện thoại và linh kiện điện thoại, dễ thấy nhất là các địa phương xuất khẩu trong các lĩnh vực điện tử, điện thoại như Bắc Ninh – dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2023.
Trong năm 2023, lãi suất huy động và cho vay đều có xu thế giảm. Đặc biệt, lãi suất huy động giảm mạnh tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trong năm 2024. Yếu tố quan trọng hơn rất nhiều là xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu do các doanh nghiệp (DN) FDI thực hiện nên tín dụng và lãi suất trong nước ít tác động lên xuất khẩu của DN khu vực này; nếu có, chủ yếu là những DN vay ngắn hạn. Nhưng vay ngắn hạn lại thụ hưởng cả hai ưu thế: Lãi suất vay thường thấp hơn vay trung và dài hạn; hai là các tổ chức tín dụng chủ yếu quan tâm kiểm soát nguồn vốn cho vay trung và dài hạn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Cho nên, xuất khẩu vẫn giành được ưu tiên nhất định, cả về điều kiện tiếp cận tín dụng lẫn lãi suất.
* Ông có tính đến khả năng xuất khẩu chậm lại của các ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là đồ gỗ, sẽ kéo dài?
– Triển vọng về xuất khẩu gỗ của Việt Nam ở các thị trường truyền thống tới đây phụ thuộc vào tương quan tác động của hai yếu tố thuận và nghịch. Hiện nay, khó khăn của thị trường gỗ có mấy yếu tố:
+ Đồ gỗ không phải sản phẩm thiết yếu. Do đó, khi tiêu dùng thắt chặt, đồ gỗ sẽ không được ưu tiên.
+ Các thị trường nhập khẩu, như EU, đang áp dụng thêm các quy định về môi trường, liên quan đến nguồn gốc gỗ và phát thải đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu. Những quy định này đặt các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam đứng trước nhiều thách thức liên quan đến chi phí. Do đó việc xuất khẩu của các DN đồ gỗ tới đây, quan trọng nhất là kiểm soát chi phí, đặc biệt là chi phí môi trường để đảm bảo sản xuất, kinh doanh có lãi.
* Theo ông, động lực tăng trưởng năm 2024 sẽ đến từ đâu, liệu có xét đến xuất khẩu?
– Chắc chắn là vẫn phải xem xét. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút FDI, cả vốn dự án mới và vốn thực hiện. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào xuất khẩu, nên xuất khẩu trong đầu tư cũng rất rõ ràng. Do đó, ít nhất trong 5 năm tới, xuất khẩu vẫn là trụ cột tăng trưởng của Việt Nam, đồng thời sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ.
Trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng khác như đầu tư hay tiêu dùng trong nước chưa được cải thiện mạnh, tăng trưởng sẽ vẫn phải dựa vào xuất khẩu. Nếu trước đây nông nghiệp chỉ là bệ đỡ khi nền kinh tế khó khăn thì năm 2023 nông nghiệp còn đóng vai trò bệ đỡ cho xuất khẩu với đột phá về xuất khẩu gạo và rau quả.
* Cảm ơn ông.
Hải Vân thực hiện
Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn. WB dự báo 5,5%, IMF dự báo ở mức 5,8%, OECD ở mức 5,9%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra của Quốc hội là 6 – 6,5%. Năm 2023, xuất khẩu lâm sản và gỗ ước đạt 14,39 tỷ USD, thấp hơn gần 3 tỷ USD so với mục tiêu 17 tỷ USD. Năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu 17,5 tỷ USD cho xuất khẩu gỗ và lâm sản.