,

Bà Phạm Thu Thủy – đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide, Úc: “Vàng khối” ở rừng

Là một trong những quốc gia có nhiều thành công và các giải pháp sáng tạo trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tiên phong thí điểm và đưa vào thực hiện thành công nhiều chính sách mới như việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, xây dựng thị trường carbon rừng. Theo bà Phạm Thu Thủy, đại diện CIFOR, đây cũng là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng về kinh tế.

 

* Trong thời gian vừa qua, các DN Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn khi phải đối mặt với  sụt giảm đơn hàng, sụt giảm xuất khẩu nội thất,  bà nghĩ gì về vấn đề này?

– Không chỉ các DN Việt Nam, mà các DN tại các quốc gia khác đều trải qua một năm khó khăn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng việc khai thác giá trị rừng hiện nay của chúng ta tập trung vào sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, nội thất, xuất khẩu nguyên liệu, viên nén… trong khi tiềm năng kinh tế từ rừng còn rất lớn nhưng chưa được khai thác hết.

Các quốc gia phát triển không chỉ tập trung phát triển các mặt hàng và sản phẩm từ gỗ thân thiện với môi trường và giảm phát thải thấp mà còn hướng tới  nghiên cứu, khai thác  nhiều giá trị mới từ rừng, đặc biệt là các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ: Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản đã sản xuất mỹ phẩm từ các chế phẩm của rừng như mĩ phẩm, kem dưỡng da, son với giá thành rất cao và trở thành xu thế thời trang mới. Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm chức năng, dược phẩm và các thực phẩm và  bữa ăn từ các phẩm từ rừng rừng (Forest Food) đang được khai thác ở khối Bắc Âu với giá rất đắt. Hay dịch vụ rất đặc biệt là “tắm rừng” khá phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tại Châu Âu, đám cưới trong rừng là một mảng dịch vụ  mà chỉ có các gia đình giàu mới có đủ khả năng chi trả và rất được ưa chuộng…. Nhìn qua lăng kính kinh tế sẽ thấy giá trị của rừng rất cao, rất thú vị và tiềm năng không nhỏ.

* Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong bán tín chỉ carbon, đã thu về con số thật, mang lại lợi ích cụ thể. Với chiến lược xây dựng thị trường carbon nội địa, tiến đến thị trường tín chỉ carbon quốc tế, Việt Nam liệu có lợi thế?

– Việc xây dựng thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon toàn cầu sẽ tạo ra nhiều ưu thế cho Việt Nam trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải trên toàn cầu. Việc Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có chính sách và cam kết rõ ràng về xây dựng thị trường carbon cũng được các nhà đầu tư carbon coi là điểm cộng so với các quốc gia khác.

Thực tế, có thị trường carbon giá rẻ và giá cao. Mỗi thị trường có nhiều tiêu chuẩn khác nhau, yêu cầu khác nhau. Trước khi xây dựng và triển khai, cần xác định Việt Nam sẽ đi theo phân khúc nào của thị trường, sức cung mình có để định hình thị trường ở đâu, khách hàng là ai và ưu thế cạnh tranh của mình là gì. Với diện tích rừng nhỏ và mảnh lẻ so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước có diện tích lớn. Ưu thế cạnh tranh của Việt Nam nằm ở phân khúc thị trường giá trị cao bởi Việt Nam có độ đa dạng sinh học và cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng cao hơn nhiều quốc gia khác và do vậy rất được nhà đầu tư ưa chuộng.

* Làm thế nào để có thể cạnh tranh trong bức tranh đó?

– Tham gia thị trường giá trị cao, phải đáp ứng khá nhiều tiêu chuẩn nhưng giá bán sẽ tốt hơn. Để cạnh tranh trên thị trường này, Việt Nam cần xây dựng hệ thống theo dõi giám sát và đánh giá hoàn thiện để đảm bảo độ tin cậy của các tín chỉ carbon, thực hiện các giải pháp không chỉ đạt mục tiêu giảm phát thải mà còn phải đảm bảo đa dạng sinh học và hỗ trợ cộng đồng sống ven rừng phát triển kinh tế bền vững. Nếu thiếu một trong 3 tiêu chí này, giá trị tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ có giá trị thấp.

Phát triển rừng bền vững ở các quốc gia tiên tiến bắt đầu từ: Một là chính sách đãi ngộ cho những người đang giữ rừng để họ an tâm bảo vệ rừng trong hiện tại và tương lai. Ví dụ tại nhiều quốc gia phát triển, nhà nước còn hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ học hành cho con cái và cả gia đình cho các cán bộ lâm nghiệp. Hai là, xác định đúng, đủ vai trò của ngành lâm nghiệp trong sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia. Ba là, nâng cao nhận thức về vai trò đa dụng của rừng. Bốn là, đầu tư bài bản vào phát triển khoa học công nghệ để xây dựng thị trường các sản phẩm mới và bền vững cho ngành lâm nghiệp và cuối cùng là huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đây có lẽ cũng là các điểm mà Việt Nam cần xem xét trong thời gian tới.  Ngoài ra, ở phía các hiệp hội mà cụ thể là HAWA, Viforest, DOWA… nên có những hoạt động thiết thực để DN, xã hội thay đổi về mặt nhận thức, hỗ trợ các trường đại học để thu hút nhân lực; gắn kết các nguồn lực hỗ trợ họ. Có như vậy, ngành mới có lực mà đi tiếp.

* Xin cảm ơn bà!

CIFOR là tổ chức khoa học phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu những thách thức cấp bách trong quản lý rừng và cảnh quan trên toàn thế giới. Trường Đại học Adelaide, Úc là một trong những trường đại học hàng đầu trên thế giới với các nghiên cứu về phát triển rừng bền vững được áp dụng tại nhiều quốc gia.  CIFOR đã tiến hành nhiều nghiên cứu cung cấp các bằng chứng khoa học để hỗ trợ Tổng cục Lâm Nghiệp  xây chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050. Các nghiên cứu này chỉ ra rằng, nếu có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm từ rừng, ngành lâm nghiệp sẽ thêm nguồn lực dồi dào đóng góp cho GDP cả nước.

Thục Quỳnh thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác