Nếu như trước đây số hóa chỉ là một lựa chọn để gia tăng lợi thế, thì nay đã trở thành một yếu tố thiết yếu để tồn tại. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng cục Lâm nghiệp cho biết, Nhà nước sẽ huy động nguồn lực tối đa hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ngành nội thất Việt Nam tiếp cận được mục tiêu này.
* Theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số DN do Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong năm 2022, số DN Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số và DN dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này đã tăng lên. DN Việt Nam đang ở giữa giai đoạn phát triển và ngày càng tiệm cận mức nâng cao về chuyển đổi số dù còn nhiều trở ngại. Với ngành chế biến gỗ, mục tiêu chuyển đổi số được xây dựng ra sao?
– Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung, cũng như toàn bộ sự phát triển của xã hội. Nếu như trước đây, số hóa chỉ là một lựa chọn để gia tăng lợi thế, thì nay đã trở thành một yếu tố thiết yếu để tồn tại.
Thực tế, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy sáng tạo và đổi mới mô hình cũng như cách thức vận hành DN, nhằm bắt kịp và tăng khả năng cạnh tranh dựa trên sự tiến bộ của công nghệ số. Đây không chỉ là giải pháp thúc đẩy tăng năng suất sản xuất, mà còn là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh quảng bá, phân phối sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn, tối ưu hóa việc bán hàng, quản trị kinh doanh, thanh toán,… cũng như trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng tạo ra động lực cho sự kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các DN với nhau, giữa cơ quan quản lý với DN, hiệp hội…
* Ở chiều ngược lại, chuyển đổi số cũng sẽ tạo ra áp lực buộc DN phải hoàn thiện sản phẩm, hướng tới sự bền vững và đáp ứng hiệu quả hơn với nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng?
– Đó là thử thách mà các DN buộc phải đối mặt. Và khi đáp ứng được, DN Việt Nam chắc chắn sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh. Có thể hình dung, một môi trường sản xuất – kinh doanh mở rộng trên không gian số rõ ràng sẽ giúp khách hàng có được sự đa dạng lựa chọn, khả năng tương tác với khách hàng tốt hơn, có thể cùng khách hàng để phát triển, hoàn thiện sản phẩm tối ưu hơn. Đồng thời, chuyển đổi số cũng sẽ giúp chúng ta minh bạch hóa quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu bảo đảm hợp pháp, tạo nền tảng cho chuyển đổi xanh… đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.
Thời gian tới, những vấn đề truy xuất nguồn gốc, sản xuất xanh sẽ được thị trường quốc tế kiểm soát rất gay gắt. Người tiêu dùng có xu hướng đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm gỗ và lâm sản có thể truy xuất được nguồn gốc để giải trình về tính hợp pháp của sản phẩm, quá trình sản xuất sản phẩm không liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng; sản phẩm sản xuất xanh, ít phát thải khí nhà kính.
* Như vậy, DN có cần trang bị cả tư duy kinh doanh số hóa trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến đổi như hiện nay?
– Chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số… là những khái niệm mới, và cũng là những xu thế không thể đảo ngược của thế giới. Chuyển đổi số không chỉ là thay đổi cách làm, mà sâu xa là thay đổi cách suy nghĩ, thói quen, cách vận hành và cả văn hóa DN. Do vậy, chuyển đổi số trong DN phải được bắt đầu từ tư duy. Bởi, cơ quan quản lý hay hiệp hội không thể nỗ lực thay cho DN, mà chính bản thân các DN, lãnh đạo DN cần thấy được tác động của chuyển đổi số tới khả năng cạnh tranh, phát triển thị trường, mở rộng thị phần tăng doanh thu, lợi nhuận của mình trên thị trường.
* Cục có những chương trình, hoạt động hỗ trợ nào cho mục tiêu chuyển đổi số nói riêng cũng như mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng của ngành trong thời gian tới?
– Thời gian tới, tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn chậm, tăng trưởng khoảng 2,9% trong năm 2024, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chế biến gỗ và lâm sản cung ứng sản phẩm không phải thiết yếu. Vì vậy, để hỗ trợ ngành chế biến gỗ và lâm sản phục hồi, Cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm phẩm trong và ngoài nước thông qua kết nối các DN với các cơ quan tham tán thương mại, đại sứ quan tại một số thị trường gỗ và lâm sản trọng điểm. Phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ DN khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hoạt động tổ chức các hội chợ triển lãm về gỗ và lâm sản. Tổ chức các đoàn tham quan hội chợ gỗ và lâm sản ở nước ngoài… Đồng thời, đàm phán đẩy mạnh hợp tác phát triển rừng trồng, chế biến, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản đối với một số thị trường lâm sản trong điểm.
Các hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng gỗ nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc cũng được đặt ra cấp thiết. Như việc đẩy mạnh phát triển gỗ nguyên liệu có chứng nhận quản lý rừng bền vững, có mã số vùng trồng thông qua việc thực hiện hiệu quả Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng. Cục sẽ huy động các nguồn lực hỗ trợ DN chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng cơ sở dữ liệu giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp, quá trình sản xuất sản phẩm không liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng; xác định lượng phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Cục cũng sẽ hỗ trợ các DN kịp thời tháo gỡ các rào cản thương mại, kỹ thuật, theo đuổi các vụ kiện thương mại; tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng; cải cách thủ tục hành chính giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào trồng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
* Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Hương thực hiện