, ,

Thương mại – Sáng tạo – Thẩm mỹ – Ứng dụng và Bền vững

Ngoài các giải thưởng chính, Giải thưởng Thiết kế sản phẩm nội thất gỗ Hoa Mai 2023 – 2024 còn tôn vinh những giải thưởng theo từng tiêu chí mà các sản phẩm nội, ngoại thất cần phải có để có thể bước ra thị trường.

 

Tính thương mại: Simone Daybed

Hoa Mai Design Award có thể được xem là dấu mốc cho hành trình trở lại với nghề của Nguyễn Thị Kim Yến. Là một nhà thiết kế công nghiệp đồng thời là 3D Artist, Yến cho biết, đã có thời gian cô chững lại với nghề, dù rằng đam mê trong cô vẫn còn đầy ắp. Đến với cuộc thi như một cách thắp lại lửa cho chính mình, Yến làm mới Simone Daybed, đồ án tâm đắc khi còn là sinh viên.

Simone Daybed của Nguyễn Thị Kim Yến

Với thiết kế độc đáo, Simone Daybed không chỉ là một sản phẩm nội thất thông thường mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, như một điểm nhấn cho không gian sống. Một trong những điểm nổi bật của Simone Daybed chính là sự thoải mái mà nó mang lại cho người sử dụng. Người ngồi có thể ngả lưng và thư giãn dọc theo đường cong được thiết kế công thái học, lớp nệm êm ái tạo cảm giác vỗ về sau một ngày làm việc căng thẳng. Sản phẩm còn được thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, dễ dàng vệ sinh và di chuyển, phù hợp với mọi không gian kiến trúc. Sử dụng vật liệu gỗ thân thiện với môi trường cùng các loại vải tái chế cao cấp, khả năng chinh phục người dùng quốc tế lẫn trong nước của Simone Daybed được đánh giá là rất cao.

Tính thẩm mỹ: Nego Cabinet

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, sau một khoảng thời gian rời bỏ thiết kế nội thất, nhà thiết kế trẻ Nguyễn Hoàng Oanh chọn Hoa Mai làm cột mốc quay trở lại hành trình sáng tạo. Nego là thiết kế mà Hoàng Oanh lưu giữ ký ức tuổi thơ. Chiếc tủ được thiết kế theo phong cách trừu tượng Neoplasticism – De Stijl, làm hoàn toàn bằng gỗ nhưng rất đa dạng, có thể tùy biến để có công năng cũng như màu sắc phù hợp với từng nhu cầu sử dụng riêng của người dùng.

Nego Cabinet của Nguyễn Hoàng Oanh

Nego là sự liên kết của các khối hộp hình chữ nhật, như những khối Lego cơ bản, có thể linh động tách rời từ 3 module thành 1 module để có thể làm tủ đầu giường hay một chiếc kệ trang trí. Sản phẩm hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên, kết hợp MDF chống ẩm, được sản xuất hoàn toàn dựa trên kỹ thuật ghép mộng gỗ truyền thống, đạt độ thẩm mỹ cao. Hoàng Oanh cho biết, mục tiêu lớn nhất của cô là sản phẩm có thể ứng dụng cho nhiều không gian khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng, đảm bảo khách hàng có thể tùy biến theo mong muốn cá nhân hóa không gian sống của mình.

Tính sáng tạo: C-SMART-1.0

Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa hiện đang làm việc trong lĩnh vực BIM và thiết kế cảnh quan. Tác giả theo đuổi xu hướng Biophilic Design hướng đến sự bền vững. Hoa Mai Design Award là môi trường để anh thử nghiệm thiết kế tuần hoàn vào sản phẩm nội thất.

C-SMART-1.0 của Trần Hữu Khoa

Tất cả bộ phận C-SMART-1.0 đều được module hóa, đóng gói tinh gọn, có thể tháo lắp, nâng cấp và dễ dàng vận chuyển. Từng bộ phận của chiếc bàn được thu gọn, mở rộng dễ dàng cả về chiều cao lẫn chiều rộng, phù hợp sử dụng ở các không gian đô thị. Đồng thời, cho phép các bộ phận hư hỏng được thay thế dễ dàng. Cách thức tiêu dùng này không gây áp lực lên tài nguyên, môi trường cũng như năng lượng dành cho sản xuất. Chưa từng tìm hiểu sâu về nội thất, tham gia sân chơi này, thách thức lớn nhất mà Khoa phải đối mặt là phải tự tìm hiểu các khái niệm về gỗ, cách thức thi công gỗ nội thất cũng như đặc tính các nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, Khoa cho biết, đó là trải nghiệm thú vị, giúp anh có thêm kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo sau này.

Tính ứng dụng: Cài then Table

Cài Then Table là cộng hưởng sáng tạo của 2 nhà thiết kế Nguyễn Văn Đăng và Hoàng Thị Anh Thư, hiện đang là sinh viên chuyên ngành Thiết kế nội thất, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Cài then Table Nguyễn Văn Đăng và Hoàng Thị Anh Thư

Sản phẩm lấy cảm hứng từ kỷ niệm tuổi thơ của những đứa trẻ trong thời gian gắn bó với ông bà. Đây là chiếc bàn đa năng, có thể gắn kết các thế hệ trong gia đình thông qua trò chơi truyền thống là cờ vua, cờ tướng, được tạo hình như một chiếc then cài cửa truyền thống. Xuất phát điểm là tinh thần hoài cổ nhưng chiếc bàn của hai nhà thiết kế trẻ này vẫn mang hình thái rất hiện đại, với những đường cắt sắc sảo. Thông điệp nội thất gắn kết gia đình mà hai tác giả mang đến cuộc thi được mọi người hưởng ứng, với họ, đó là niềm vui và là giải thưởng lớn nhất. Họ chia sẻ: Quá trình tham dự Hoa Mai cho chúng tôi rất nhiều trải nghiệm, bài học quý giá và hơn hết là được giao lưu, kết nối với các nhà thiết kế tài năng. Đây thực sự là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.

Tính bền vững: Nhánh

Được đánh giá là thể hiện được mối liên kết giữa người tiêu dùng và hình tượng địa phương, Nhánh của nhà thiết kế trẻ Lưu Như Ngọc mang hình dáng của những cây cột điện ở TP.HCM. Đối với người Sài Gòn, cột điện là một trong những biểu tượng thân quen, thể hiện sự năng động và nhộn nhịp của một thành phố không ngủ, bừng sáng khi đêm về.

Nhánh của Lưu Như Ngọc

Thiết kế của giá treo đồ mang tên Nhánh này đơn giản, tinh tế nhưng lại hết sức tiện lợi. Các bộ phận của sản phẩm được thiết kế thông minh với khả năng thay đổi linh hoạt, phù hợp với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài chức năng chính, Nhánh còn được tối ưu để có thể dùng để trang trí, tạo điểm nhấn cho không gian nội thất.

Triết lý tối giản mà tác giả chuyển tải không chỉ tiện cho người dùng mà còn giảm thời gian sản xuất, dễ dàng vận chuyển. Đó cũng là biểu trưng của nhịp sống trẻ năng động và thực tế. Như Ngọc cho biết, phía sau Nhánh, câu chuyện mà cô muốn kể với người dùng là sự độc đáo của Sài Gòn. Đó là nơi mà những điều bình thường, nhỏ bé được kết hợp với sự sáng tạo để trở nên đặc biệt.

Minh Hương

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác