, , ,

[BÀI THAM LUẬN] Thực trạng các loại giống keo lai tại U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau và khuyến cáo giải pháp nâng cao chất lượng giống và rừng trồng

1.MỞ ĐẦU

Keo lai (Acacia hybrid) là tên gọi chung của giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng (Acacia mangium) với Keo lá tràm (Acacia auriculiformis). Keo lai tự nhiên ở Việt Nam được Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng phát hiện từ đầu những năm 1990 và đã tiến hành chọn lọc, nhân giống và khảo nghiệm từ năm 1993 tại Ba Vì, Hà Tây. Keo lai là cây sinh trưởng nhanh, có khả năng cố định định và khả năng cải tạo đất cao hơn Keo tai tượng và Keo lá tràm. Vì thế Keo lai đang là nhóm cây có diện tích trồng rừng lớn nhất ở nước ta những năm gần đây. Keo lai được trồng đưa vào trồng thử nghiệm ở vùng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau từ những năm 1996 (Chương trình KC08), đến năm 2002 bắt đầu áp dụng biện pháp lên líp trồng rừng Keo lai tại Trại giam Cái Tàu, tỉnh Cà Mau và từ năm 2009 đến nay phát triển khá mạnh mẽ và dần thay thế cho rừng tràm bản địa có hiệu quả kinh tế thấp. Đến năm 2022 diện tích rừng trồng Keo của tỉnh Cà Mau là 11.250 ha (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, 2023).

Trong trồng rừng, giống là yếu tố rất quan trọng quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Giống đã góp phần tăng năng suất trung bình của rừng trồng Keo ở nước ta từ 10m3/ha/năm lên 17-19 m3/ha/năm trong những năm gần đây, đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ và Bán đảo Cà Mau năng suất rừng trồng Keo có thể đạt từ 35-40 m3/ha/năm. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn vật liệu giống Keo lai phục vụ trồng rừng ở tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung.

2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIỐNG CÁC LOÀI KEO

2.1. Kết quả nghiên cứu chọn tạo các giống Keo

Cải thiện giống là một trong những khâu quan trọng nhất của trồng rừng thâm canh. Không có giống được cải thiện theo mục đích kinh tế thì không thể đưa năng suất rừng lên cao. Ở nước ta, từ sau năm 1990, các hoạt động cải thiện giống cây rừng đã được đẩy lên ở mức cao, việc phát hiện ra giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm đã thúc đẩy các hoạt động khảo nghiệm chọn lọc nhân tạo và nhân giống vô tính phát triển. Trong giai đoạn 2000 – 2009, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 121 giống mới là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật của các loài cây trồng chủ lực là Keo, Bạch đàn, Tràm, Thông (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 2022).

– Giai đoạn từ 2000 – 2021, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp và các đơn vị của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu chọn tạo và công nhận là giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật và giống quốc gia được tổng cộng 30 giống Keo lai; 23 giống Keo lá tràm; 38 xuất xứ, gia đình Keo lá liềm, Keo tai tượng, Keo vùng cao, Keo chịu hạn; 4 giống Keo tam bội và nhiều giống cây trồng lâm nghiệp khác.

+ Các giống Keo lai là giống quốc gia gồm: BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, BV73, (MA)M8, MA1, K85, K89, AH1, AH7, trong đó các giống BV10 và AH7 đã được nhận giải thưởng bông lúa vàng Việt Nam năm 2012. Năng suất đạt 15 – 20 m3/ha/năm ở lập địa xấu, 20 – 25 m3/ha/năm ở lập địa trung bình, 30 – 35 m3/ha/năm ở lập địa tốt.

+ Các giống Keo lai là giống tiến bộ kỹ thuật gồm: Vùng Đông Bắc Bộ (K84 năng suất đạt 22 m3/ha/năm);  Vùng Trung tâm (BV75, AM2, AM3, K80, năng suất đạt 20 – 25 m3/ha/năm) và Vùng Đông Nam Bộ (AH14, TB1, TB3, TB5, TB6, TB7, TB11, TB12, KL2, KLTA3, KL20, năng suất đạt 20 – 30 m3/ha/năm).

2.2. Một số kết quả nghiên cứu các giống Keo tại tỉnh Cà Mau

Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho triển khai thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm trồng rừng Keo lai (Acacia hybrid) bằng các dòng có năng suất cao đã được công nhận trên vườn cây tạp và bờ bao vùng rừng tràm bán đảo Cà Mau”. Dự án đã xây dựng 100 ha mô hình trồng thử nghiệm các giống Keo lai đã được công nhận gồm 7 giống TB11, TB12, BV10, BV32, BV33, AH1, AH7 tại Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp U Minh, tỉnh Cà Mau. Kết quả cho thấy: trong số 7 dòng Keo lai đưa vào khảo nghiệm có 4 dòng là AH7, AH1, BV32 và TB12 đạt năng suất trên 30 m3/ha/năm. Riêng đối với dòng AH7 đến thời điểm 4,5 tuổi sinh trưởng tốt nhất đạt năng suất 186,08 m3/ha tại mật độ 1.600 và 208 m3/ha tại mật độ 2.000 cây/ha (35,39 m3/ha/năm) và cao hơn 30% năng suất trung bình của các dòng tham gia khảo nghiệm (Võ Ngươn Thảo, 2015).

 

Hình 1. Keo lai dòng AH7 4,5 tuổi trồng trên đất líp tại Trạm U Minh

Hình . Keo lai dòng AH7 6,5 tuổi trồng trên đất líp tại Trạm U Minh, Cà Mau

Năm 2016, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ triển khai thực hiện đề tài cơ sở cấp Viện “Khảo nghiệm mở rộng các dòng Keo lai đã được công nhận TB1, TB6, TB11, TB12, BV10, BV16, BV32, BV33, AH1 và AH7 ở vùng đất ngập phèn tỉnh Cà Mau” tại Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp U Minh. Qua khảo nghiệm mở rộng 10 dòng Keo lai, đề tài đã chọn được 03 dòng Keo lai có tiềm năng trồng rừng cho năng suất cao trên khu vực U Minh Hạ, đó là các dòng: AH1, AH7 và BV16, các dòng Keo lai này cho sinh trưởng chiều cao, đường kính và năng suất vượt trội hơn một cách rõ rệt so với các dòng khác (Lê Đình Trường, 2020).

Năm 2011, Nguyễn Hoàng Nghĩa và cộng tác viên đã tiến hành khảo nghiệm các dòng Keo lai mới được công nhận gồm AH1, AH7, TB1, TB11, TB12, KL2 và KL20 tại Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp U Minh. Kết quả bước đầu cho thấy sau 02 năm trồng, Keo lai dòng AH1 và AH7 có năng suất trên 25 m3/ha/năm. Đây là 02 dòng có triển vọng cả về sinh trưởng và khả năng chống chịu bệnh (Nguyễn Hoàng Nghĩa và ctv, 2013).

Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho triển khai thực hiện đề tài “Khảo nghiệm các dòng Keo lai (Acacia hybrid) và Keo lá tràm (Acacia auriculiformis) đã được công nhận trồng trên bờ líp có sẵn khu vực U Minh Hạ. Đề tài khảo nghiệm 5 dòng Keo lai TB1, TB3, TB5, TB6 và TB7 ở xã Khánh Thuận, xã Khánh Lâm và xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Kết quả nghiên cứu cho thấy 3 dòng Keo lai TB1, TB6 và TB7 luôn cho năng suất vượt trội hơn các dòng còn lại. Keo lai dòng TB1 có năng suất bình quân 49,95m3/ha/năm, Keo lai dòng TB6 đạt 47,46m3/ha/năm, Keo lai dòng TB7 đạt 54,33 m3/ha/năm và các dòng còn lại (TB3 và TB5) cho năng suất thấp hơn (Lê Đình Trường, 2014).

Căn cứ Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN, ngày 17/11/2014 của Bộ NN&PTNT ban hành “Danh mục loài cây trồng rừng chủ lực và Danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng ở các vùng sinh thái lâm nghiệp”. Theo đó, vùng Tây Nam Bộ trong đó có tỉnh Cà Mau gồm 11 giống Keo lai (AH1, AH7, TB1, TB6, TB11, TB12, TB15, BV10, BV16, BV32, BV33).

Hình . Rừng trồng 33 tháng tuổi Keo lai dòng AH1 từ cây mô tại U Minh

Để so sánh khả năng sinh trưởng và năng suất rừng trồng giữa Keo lai được nhân giống bằng hom và Keo lai được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, năm 2017 Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ đã triển khai thực hiện đề tài cơ sở cấp Viện “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và lâm sinh xây dựng mô hình rừng trồng Keo lai mô các dòng AH1, AH7, BV32, TB12 cung cấp gỗ xẻ tại vùng  đất ngập phèn Cà Mau” tại Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp U Minh. Sau 33 tháng trồng, Keo lai AH1 mô có năng suất bình quân cao nhất là 47,4 m3/ha/năm, đứng thứ hai là Keo lai AH7 mô 46,3 m3/ha/năm và kế tiếp là Keo lai AH7 hom 36,7 m3/ha/năm. Kết quả phân tích cho thấy Keo lai AH7 mô có đường kính và chiều cao lớn hơn so với Keo lai AH7 hom nhưng đa số không khác biệt có ý nghĩa  thống kê (P>0,05) (Huỳnh Trọng Khiêm, 2020).

Hình 4. Rừng trồng 33 tháng tuổi Keo lai dòng AH7 từ cây mô tại U Minh

Từ tổng hợp các kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy ở vùng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau có 04 dòng Keo lai thích hợp nhất cho trồng rừng là các dòng AH1, AH7, BV32 và TB12. Một số giống Keo khác chưa được nghiên cứu khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh Cà Mau nên chưa có đánh giá và khuyến nghị. Tuy nhiên, hiện nay đa số các đơn vị chủ trừng và hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều mới sử dụng 02 dòng Keo lai chính là AH1, AH7 và một số giống khác mua từ vùng Đông Nam Bộ phục vụ trồng rừng nhưng công tác kiểm soát chất lượng nguồn vật liệu giống chưa được quan tâm đúng mức.

2.3. Kỹ thuật nhân giống Keo lai

Hiện nay có hai phương pháp nhân giống cây Keo lai là nhân giống bằng phương pháp giâm hom và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Phương pháp nhân giống hom là dùng một đoạn thân, đoạn cành để tạo ra cây mới và phương pháp nhân giống nuôi cấy mô là kỹ thuật cấy và nuôi mô thực vật trong điều kiện nhân tạo nhằm điều khiển phân hóa về hình thái và chức năng của chúng (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11570-2:2016).

Hình 5. Nhân giống Keo lai bằng công nghệ giâm hom

Hình 6. Nhân giống Keo lai bằng công nghệ nuôi cấy mô

2.4. Giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật và tài liệu liên quan về các loài Keo

– Quy trình vi nhân giống quy mô công nghiệp cho ba giống Keo lá tràm Clt18, Clt7 và Clt98 (Quyết định công nhận công nhận tiến bộ kỹ thuật số 756/QĐ-BNN-KHCN ngày 22/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

–  Kỹ thuật nhân giống các gia đình Keo tai tượng bằng nuôi cấy Invitro (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 74/QĐ-TCLN-KHCN&HTQT ngày 13/4/2021 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác kết hợp bón phân cho rừng trồng Keo tai tượng ở các chu kỳ sau tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 594/QĐ-TCLN-KHCN&HTQT ngày 28/12/2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và sử dụng phân lân trong trồng rừng Keo ở chu kỳ sau tại Trung Bộ và Đông Nam Bộ (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 195a/QĐ-TCLN-KHCN&HTQT ngày 06/5/2015 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Kỹ thuật lên líp, bón phân và mật độ thích hợp trồng rừng Keo lá liềm trên đất cát nội đồng vùng Bắc Trung Bộ (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 194/QĐ-TCLN-KHCN&HTQT ngày 05/5/2015 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Kỹ thuật tỉa thưa để chuyển hoá rừng Keo lai sản xuất gỗ nhỏ thành rừng sản xuất gỗ lớn (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 592/QĐ-TCLN-KHCN&HTQT ngày 28/12/2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Kỹ thuật tỉa thưa để chuyển hoá rừng Keo tai tượng sản xuất gỗ nhỏ thành rừng sản xuất gỗ lớn (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 595/QĐ-TCLN-KHCN&HTQT ngày 28/12/2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh chết héo gây hại Keo lá tràm, Keo lai và Keo tại tượng (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 2170/QĐ-BVTV-KH ngày 21/11/2021 của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Nhà giâm hom cây lâm nghiệp cải tiến (Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật số 192a/QĐ-TCLN-KHCN&HTQT ngày 04/5/2015 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật trồng và chuyển hoá rừng Keo lai cung cấp gỗ lớn trên đất phèn ở vùng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Nhóm tác giả Kiều Tuấn Đạt, Nguyễn Như Độ, Nguyễn Thành Thuân. Nhà xuất bản tự nhiên khoa học và công nghệ, 2017.

3. CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIỐNG RỪNG TRỒNG 

Nâng cao năng suất và hiệu quả công tác phát triển rừng để nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất lâm nghiệp là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay, trong đó công tác giống cây trồng lâm nghiệp đóng vai trò then chốt. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm nhiều đến lĩnh vực giống cây lâm nghiệp như việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong chọn tạo giống, triển khai sản xuất những giống mới và nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô,… Nhìn chung công tác giống lâm nghiệp đã góp phần nào cải thiện năng suất, chất lượng rừng.

Đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận hàng chục giống cho Keo lai. Tuy vậy, số lượng giống sử dụng phổ biến trong sản xuất còn hạn chế, chuyển giao giống mới còn chậm và thời hạn sử dụng một số giống quá lâu (không trẻ hóa), dẫn tới thoái hóa giống, giảm chất lượng sinh lý làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng rừng trồng. Ngoài ra, sử dụng cây hom để trồng rừng hiện vẫn rất phổ biến. Cây hom thường có hệ rễ bàng, không có rễ cọc, do đó cây dễ gẫy đổ khi có gió bão. Trong khi cây Keo lai nuôi cấy mô có chất lượng sinh lý tốt hơn, cây có rễ cọc chắc chắn đồng thời sạch bệnh hơn cây hom. Chính vì vậy cây mô thường có thân thẳng, ít cành nhánh và khả năng chống chịu gió bão tốt.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có một số cơ sở sản xuất giống cây Keo lai nhưng chủ yếu bằng phương pháp giâm hom. Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ và Trung tâm Ứng dụng Khoa học – công nghệ Cà Mau được đầu tư công nghệ nuôi cấy mô nhưng với quy mô nhỏ. Đa số các chủ rừng ở Cà Mau mua cây giống Keo lai mô từ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai và Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Nam Bộ, tỉnh Bình Dương.

Để nâng cao chất lượng giống rừng trồng ở tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, đề xuất cần thực hiện một số giải pháp sau:

1) Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đúng quy định tại Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

2) Triển khai ứng dụng công nghệ cao trong công tác sản xuất giống cây lâm nghiệp, nâng tỷ lệ cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa để phát triển rừng trồng bằng giống nuôi cây mô.

3) Ưu tiên nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp hoạt động đảm bảo chất lượng, thực hiện công tác quản lý giống, nguồn giống đúng quy định của pháp luật. Khuyến khích trồng vườn cây đầu dòng bằng cây nuôi cấy mô để hom giâm đảm bảo chất lượng. Đình chỉ những cơ sở yếu kém, hủy bỏ những lô cây giống không đảm bảo chất lượng. Xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao, có năng lực đủ mạnh, sản xuất cây giống với quy mô công nghiệp.

4) Địa phương cần quan tâm đến công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới và khảo nghiệm mở rộng giống mới các loài Keo đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Cà Mau để chọn được các giống phù hợp với lập địa cho năng suất cao, có khả năng kháng bệnh và trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.

5) Ngoài các giống Keo lai hiện có đang được sử dụng trồng rừng cần đưa vào trồng các giống Keo lá tràm, Keo tam bội đã được công nhận và đây là các giống có tiềm năng rất lớn cho trồng rừng gỗ lớn và hạn chế được sâu bệnh hại.

6) Bên cạnh khâu chuẩn bị các giống tốt cho trồng rừng cần quan tâm hơn nữa về các biện pháp quản lý lập địa, kỹ thuật lâm sinh, công tác phòng trừ sâu bệnh hại và bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

7) Cần có các chính sách về đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. KẾT LUẬN

Trong trồng rừng thì giống là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng rừng. Bên cạnh những giống Keo lai dòng AH1 và AH7 hiện được các chủ rừng và hộ dân sử dụng nhiều trong trồng rừng ở vùng đất U Minh Hạ tỉnh Cà Mau còn có nhiều giống Keo lai khác và các giống Keo lá tràm, Keo lá liềm, Keo tai tượng, Keo tam bội là các giống đã được Bộ NN&P^NT công nhận giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật và giống quốc gia cần được đưa vào sản xuất thử nghiệm và phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Để nâng cao chất lượng giống rừng trồng trong thời gian tới, cần thường xuyên thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đúng quy định. Đẩy mạnh đầu tư và có các chính sách thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn có thể đáp ứng cho nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh nguồn giống tốt cần ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về lâm sinh và biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại để hướng tới kinh doanh rừng bền vững.

Địa phương cần có chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng Keo cung cấp gỗ lớn, đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và tổ chức các mô hình hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị rừng trồng Keo mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nhằm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh Cà Mau.

Nguồn: ThS. Huỳnh Trọng Khiêm, TS. Kiều Tuấn Đạt

 

 

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác