Phát triển bền vững đã trở thành kim chỉ nam cho những hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học, các studio thiết kế trên thế giới. Thành quả mà những nỗ lực này có được là các giải pháp vật liệu hoàn toàn mới, có thể ứng dụng vào nhiều ngành nghề, từ xây dựng, sản xuất nội thất, thời trang…
Kem từ rác thải
Eleonora Ortolani, một sinh viên tốt nghiệp Central Saint Martins (Anh), đã tạo ra bát kem vani mà cô tin rằng có thể là thực phẩm đầu tiên trên thế giới được làm từ rác thải nhựa. Loại kem này được tạo ra bằng cách phân hủy một lượng nhỏ chất thải nhựa PET bằng vi khuẩn biến đổi gen để tạo ra vanillin tổng hợp – phân tử hương vị trong vani.
Quy trình ban đầu được các nhà nghiên cứu từ Đại học Edinburgh phát triển này tạo ra hương liệu giống hệt về mặt hóa học với vanillin có nguồn gốc từ dầu thô, loại hương liệu thường được bán trong các cửa hàng. Sự khác biệt duy nhất là nó sử dụng nguyên liệu tái chế thay vì nguyên liệu hóa thạch nguyên chất.
Tấm ốp điện hóa giữ nhiệt
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chicago đã phát triển một vật liệu ngoại thất “mô phỏng tắc kè hoa” có thể thay đổi màu hồng ngoại – màu hiện lên trên ảnh nhiệt – dựa trên nhiệt độ ngoài trời để giữ cho các tòa nhà mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Vật liệu composite này sẽ có màu vàng trên ảnh nhiệt vào ngày nóng vì nó tỏa nhiệt, và có màu tím vào những ngày lạnh vì nó giữ nhiệt. Sự thay đổi màu sắc này được kích hoạt bằng một xung điện nhỏ, làm lắng đọng đồng trên một lớp phim mỏng hoặc loại bỏ nó. Kỹ sư vật liệu Po-Chun Hsu cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi đã tìm ra cách sử dụng ít năng lượng để xử lý một tòa nhà như với một con người. Bạn mặc thêm một lớp áo khi lạnh và cởi bớt một lớp áo khi nóng”.
Chất nhuộm màu gốc sinh học
Studio thiết kế Loop Loop của Hà Lan đã phát triển một “quy trình nhuộm nhôm gốc thực vật đầu tiên trên thế giới”, sử dụng chất nhuộm màu gốc sinh học thay vì chất nhuộm màu có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Dự án Local Colour điều chỉnh quy trình mạ anodizing truyền thống, bao gồm sử dụng dòng điện để oxy hóa kim loại, tạo ra bề mặt rỗ có khả năng hấp thụ màu trước khi nhúng vào một dung dịch chất nhuộm màu gốc nước. Cho đến nay, studio này đã tạo ra bốn giải pháp khác nhau – màu hồng đậm làm bằng rễ cây madder, màu vàng sáng được làm từ hành đỏ, màu tím ấm và màu vàng mù tạt có nguồn gốc từ các loại hoa.
Da tổng hợp từ vi khuẩn
Công ty khởi nghiệp Modern Synthesis ở Anh đã phát triển một loại da thay thế không chứa nhựa, có lớp phủ giống như da bò nhưng có thể giảm lượng khí thải nhà kính tới 65 lần so với da thật.
Vật liệu này được tạo ra từ vi khuẩn phát triển trên khung sợi và được nuôi bằng đường thải của các ngành công nghiệp khác, chuyển đổi thành vật liệu bền, nhẹ gọi là nanocellulose. Thương hiệu thời trang Đan Mạch Ganni đã sử dụng vật liệu này để tạo ra một phiên bản túi Bou, ra mắt tại London Design Festival và có thể được thương mại hóa trong năm 2025.
Bê tông tự phục hồi
Năm nay, các nhà nghiên cứu từ MIT và Harvard đã gây chú ý khi phát hiện ra thành phần bí mật trong bê tông La Mã “tự phục hồi” và đang có ý định đưa ra thị trường.
Các nhà khoa học cho rằng công thức cổ xưa đã giúp các công trình kiến trúc như Pantheon tồn tại hàng thiên niên kỷ dùng vôi sống (quicklime) thay vì vôi tôi (slaked lime) như bê tông hiện đại. Khi nước mưa chảy qua các vết nứt hình thành theo thời gian trong bê tông và chạm vào các mảng vôi sống trong bê tông, nó sẽ tạo ra dung dịch bão hòa canxi kết tinh lại để “phục hồi” các vết nứt.
Ca Dao (Nguồn: Dezeen)