Mitsubishi Jisho Design, thương hiệu thiết kế đến từ Tokyo đã xây dựng một trà quán làm bằng vật liệu có nguồn gốc từ rác thải thực phẩm. Tác phẩm của họ thu hút sự chú ý của công chúng tại triển lãm “Tồn tại không gian-thời gian”.
Tồn tại không gian-thời gian” do Trung tâm Văn hóa Châu Âu tổ chức là một trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ triển lãm Kiến trúc Venice Biennale. Chủ nhân của ý tưởng độc đáo này là các kiến trúc sư Takaaki Fuji, Hiroya Inage và De Yuan Kang của Mitsubishi Jisho Design.
Câu chuyện của bền vững
Trà quán này được đặt tên là Veneti-An, kết hợp của từ Venetian và An, có nghĩa là một túp lều nhỏ trong tiếng Nhật và thường được dùng làm tên của các trà quán. Nó được thiết kế để mang đến cho du khách một nơi trải nghiệm trà đạo Nhật Bản và suy ngẫm về cách con người kết nối với nhau sau đại dịch Covid.
Kiến trúc sư De Yuan Kong cho biết, mục đích của triển lãm này là khám phá, sử dụng nó như một phòng thí nghiệm và khiến mọi người phải suy nghĩ. “Điều quan trọng ở công trình này là tạo ra những cuộc trò chuyện”, ông nói.
Câu chuyện mà vị kiến trúc sư ấy nói đến liên quan đến môi trường. Trà quán được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, có nguồn gốc từ rác thải thực phẩm, bao gồm bã cà phê và mì ống, những thứ thực phẩm phổ biến ở Venice.
Cụ thể, công trình bao gồm 7.165 ống giấy và 128 tấm ván lót sàn bằng nút bần cùng với 74 tấm ván làm từ bã cà phê và 2.324 bộ phận khớp nối được làm từ mì ống bỏ đi. Theo các kiến trúc sư, những bộ phận khớp nối làm từ mì ống do Fabula sản xuất có độ bền tương đương với bê tông. Kiến trúc sư Takaaki Fuji cho biết: “Tôi cảm thấy vật liệu ngoại thất trong ngành kiến trúc còn rất hạn chế. Mục đích của chúng tôi là khám phá các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng, điều này có thể mang lại bản sắc và cách thể hiện mang tính vùng miền mạnh mẽ hơn”.
Từ công trình đến đồ nội thất
Để xây dựng gian hàng, các kiến trúc sư đã đóng gói các bộ phận có tổng trọng lượng 255,5 kg vào 7 chiếc vali loại 87 lít để mang chúng từ Nhật Bản đến Ý.
Không chỉ độc đáo trong việc lựa chọn nguyên vật liệu, các nguyên tắc xây dựng mới cũng được áp dụng trong công trình này. Cụ thể, góc của các thanh chống tạo nên gian hàng được đặt chếch 45 độ. Độ nghiêng này được xác định theo vĩ độ của thành phố Venice để tiếp tục kết nối nó với thành phố. “Khi điều chỉnh hình dạng khớp nối theo vĩ độ của nơi nó tọa lạc, một bản sắc riêng biệt sẽ được tạo ra theo hình thức đó, cũng như một trà quán có thể để cho ánh nắng rọi vào hoặc được che chắn khỏi ánh nắng một cách tốt nhất để đáp ứng với môi trường địa phương”, kiến trúc sư Takaaki Fuji tiết lộ.
Veneti-An không thấm nước vì các bộ phận của nó được xử lý bằng chất lỏng gốc silicon, do nhà sản xuất lớp phủ silica SilicaGen của Nhật Bản chế tạo. Nhóm kiến trúc sư còn đo lường và ghi chép lại những thay đổi đối với vật liệu được sử dụng trong triển lãm kéo dài sáu tháng này để góp phần cho nghiên cứu về vật liệu bền vững, đáp ứng cho chủ đề tổng thể của triển lãm năm nay là: Phòng thí nghiệm của tương lai.
Sau Biennale, trà quán sẽ được tháo dỡ và cấu trúc lại thành các món nội thất. Nhóm thiết kế cho biết: Đó là một món nội thất cho phép chỉnh sửa và bổ sung dấu ấn cá nhân. “Kích thước của các bộ phận được xác định dựa trên tiền đề là về sau sẽ biến chúng thành đồ nội thất, hoặc có lẽ tốt hơn nên mô tả nó là đồ nội thất được biến thành trà quán chỉ trong thời gian triển lãm”, những nhà sáng tạo nói vậy.
Bùi Trần (Theo Dezeen)