,

8 món nội thất được làm từ vật liệu bền vững

Để giải quyết các mối quan tâm về môi trường đang ngày càng tăng trong ngành nội thất và rộng hơn là ngành thiết kế, các thương hiệu đang có xu hướng làm sản phẩm bằng cách sử dụng vật liệu tái tạo, tái chế và thu hồi, cũng như quy trình sản xuất tuân thủ các nguyên tắc tuần hoàn.

Sự sáng tạo của các nhà thiết kế đã giúp cho rác thải nhựa từ lưới đánh cá, rác thải điện tử từ ngành công nghệ hay các vật liệu sinh ra từ quá trình sản xuất giấy đều có thể trở thành sản phẩm hữu dụng. Dưới đây là những món nội thất có tính bền vững cao, được Dezeen tuyển chọn và trưng bày.

Bàn Superpop do Paolo Cappello thiết kế cho Miniforms

Bàn Superpop của Miniforms được nhà thiết kế người Ý Paolo Cappello tạo ra, có dạng hình chữ nhật bo tròn và bề mặt lốm đốm gợi nhớ đến khối đá mài. Món nội thất này được làm từ nhựa tái chế. Chúng có trọng lượng nhẹ và đủ bền để sử dụng cả trong nhà và ngoài trời, sau đó chúng có thể được tái chế tiếp khi hết tuổi thọ.

Bộ sưu tập Veggro của Interesting Times Gang và OBOS

Studio thiết kế Interseting Times Gang đã làm việc với công ty xây dựng nhà hợp tác OBOS để cho ra mắt hai bức bình phong có tên là Loom và Jugoso.

Loom có lớp hoàn thiện màu nhạt và được làm từ sợi nấm, trong khi Jugoso có màu mù tạt được làm từ vỏ cam. Cả hai đều ra đời bằng kỹ thuật in 3D và có các hoa văn theo kiểu biomorphic (hình dạng sự sống) đại diện cho các vật liệu tự nhiên dùng để sản xuất chúng.

Ghế Liberty Ocean của Humanscale

Thương hiệu nội thất văn phòng Humanscale đã sử dụng tới một kilogram nhựa có nguồn gốc từ lưới đánh cá không còn sử dụng để tạo ra ghế văn phòng Liberty Ocean.

Chiếc ghế đại diện cho sự phát triển tiếp theo của dòng ghế Liberty cổ điển thuộc thương hiệu này. Nó cũng sử dụng cùng công nghệ công thái học và có được sự thoải mái giống như những chiếc ghế khác trong catalog của Humanscale, nhưng lại được làm từ những vật liệu mang ý thức bền vững.

Ghế quầy bar Eternity do Space Copenhagen thiết kế cho Mater

Thương hiệu nội thất Đan Mạch Mater đã tạo ra chiếc ghế quầy bar Eternity với sự cộng tác của các nhà thiết kế Space Copenhagen, làm từ Matek, vật liệu phế thải tuần hoàn đã được cấp bằng sáng chế của thương hiệu này.

Chất liệu Matek bao gồm cả rác thải điện tử và vỏ cà phê khiến chiếc ghế có màu đen đặc trưng. Lớp nệm bọc có thể bằng vật liệu Re-wool của Kvadrat, được làm từ 45% len tái chế.

Gạch lát Alted H01 do Berta Julià Sala thiết kế cho Alted Materials

Thương hiệu Alted Materials của Tây Ban Nha đã hợp tác với nhà thiết kế sản phẩm Berta Julià Sala để tạo ra hàng loạt mẫu gạch lát làm từ chất thải cellulose, một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp giấy. Những mẫu gạch lát này cũng được phủ một chất keo gốc nước chưng cất từ rác thải rau củ.

Gạch lát Alted H01 gồm ba mẫu có rãnh và nhiều đường màu đất khác nhau. Vật liệu này cho phép gạch lát được tái chế theo nguyên tắc tuần hoàn, để không bị thải ra bãi rác giống như các loại vật liệu xây dựng truyền thống.

Thùng rác Ovetto do Gianluca Soldi thiết kế cho SoldiDesign

Thương hiệu thiết kế SoldiDesign của Ý đã cho ra mắt thùng rác hình quả trứng có tên gọi Ovetto, vừa được làm từ vật liệu tái chế, vừa được thiết kế để chứa các vật liệu tái chế trong những ngăn khác nhau để dễ đem bỏ.

Các thùng rác này được làm từ nhựa ABS và polypropylen tái chế sau khi sử dụng với số lượng khác nhau, tùy theo màu sắc. Thùng rác Ovetto màu đen mờ được làm từ 100% vật liệu tái chế.

Bàn cà phê Centenniale do Joanna Laajisto thiết kế cho Nikari

Bàn cà phê Centenniale được kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế Joanna Laajisto thực hiện cho thương hiệu Nikari của Phần Lan từ gỗ 100 năm tuổi.

Mặt trên đầy góc cạnh của bàn được nâng đỡ bằng những chiếc chân tròn, chắc mập đầy tương phản. Nó có thể được làm từ gỗ sồi hoặc gỗ tần bì và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các vật liệu tái tạo hiện đang có.

Bộ sưu tập vải nệm bọc tái chế Gaia của Skopos

Thương hiệu Skopos của Anh quốc đã tạo ra một bộ sưu tập vật liệu làm từ vải tái chế và rác thải nhựa sau khi sử dụng. Gaia bắt chước cấu trúc vẻ ngoài của vải len boucle và có đến 21 màu sắc để lựa chọn.

Hiệp Ca (Theo Dezeen)

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác