Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) song song với kiện toàn thế mạnh trong sản xuất được ông Nguyễn Trọng Hiếu xem là hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp để có thể đạt mục tiêu vừa nâng cao năng lực sản xuất, vừa tạo ra bản sắc riêng cho đồ nội thất Việt.
* Song song với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… để gia tăng lợi thế cạnh tranh, theo đuổi được những đòi hỏi mới của thị trường toàn cầu… trong nhiệm kỳ mới, HAWA đang hướng DN nội – ngoại thất Việt Nam đến mục tiêu cao hơn là vươn lên, chủ động trên chuỗi cung ứng. Công tác nghiên cứu phát triển (R&D) được đề cao, song song với việc kiện toàn thế mạnh trong sản xuất. Ông đánh giá thế nào về định hướng này?
– Đây là hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam khi các cơ hội khai thác giá trị từ tối ưu sản xuất, thông qua LEAN, Kaizen, nhà máy thông minh… tạo ra lợi thế chi phí tương đối không nhiều so với các công ty FDI có đường cong học tập về quản trị sản xuất trưởng thành hơn như các công ty của Trung Quốc, Mỹ…
Tôi nghĩ đây là hướng đi tạo ra bản sắc riêng cho nội thất Việt Nam.
* R&D gắn liền với nhiệm vụ nghiên cứu song song với sáng tạo. Theo ông, với hiện trạng ngành sản xuất nội – ngoại thất hiện nay, DN cần nghiên cứu gì? trang bị những giá trị sáng tạo nào?
– Ở góc độ phân bố nguồn lực, tôi tạm chia ra 2 nhóm: Ngắn & dài hạn.
Nghiên cứu ngắn hạn tập trung ở thiết kế, cách thức tiếp cận khách hàng, bao bì sản phẩm, các cải tiến trong đóng gói, lắp ráp, công năng, etc. tạo ra các lợi thế cạnh tranh ngắn hạn nhưng cũng dễ sao chép.
Các nghiên cứu dài hạn bao gồm công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh, năng lực hệ thống quản trị chuỗi cung ứng phức tạp… và cách thức vận hành riêng để tạo ra định vị khác biệt của doanh nghiệp. Tùy vào bối cảnh, năng lực của doanh nghiệp và thiên hướng của lãnh đạo để “liệu cơm gắp mắm” chọn hướng đi R&D trúng những gì khách hàng mục tiêu của mình sẵng sàng trả tiền và tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn là khung để đặt con tàu R&D lên ray.
* Bài học từ Samsung cho thấy, từ vị trí của một quốc gia gia công cho các thương hiệu lớn từ Nhật Bản, Mỹ… để vươn lên vị trí hiện tại, công tác đầu tư nắm bắt công nghệ, nắm bắt xu hướng thị trường rất được chú trọng. Các kỹ sư của Samsung được gửi đi học hỏi từ các đối tác, sau đó mang về ứng dụng vào các dự án R&D trong nước. Theo ông, kinh nghiệm này có thể ứng dụng vào ngành sản xuất đặc thù, nghiêng về lao động tay chân như sản xuất nội – ngoại thất tại Việt Nam?
– Các sản phẩm điện tử và công nghiệp của Samsung có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư vốn ban đầu nhiều và là ngành có rào cản gia nhập cao. Mặt khác, mô hình phát triển của Hàn Quốc phụ thuộc vào các tập đoàn đa ngành, khoản cách giữa các Chaebol và doanh nghiệp vừa & nhỏ là lớn, và sự gắn bó của người lao động Hàn Quốc với doanh nghiệp cao.
Trong khi đặc điểm ngành gỗ Việt Nam đầu tư không quá lớn, rào cản gia nhập ngành thấp, vài nghìn doanh nghiệp có mô hình vận hành và cách thức hoạt động tương tự nhau, chạy theo các thay đổi liên tục về mẫu mã từ khách hàng & biến động trong chuỗi cung ứng nên cần xác định cách xây dựng đội ngũ R&D phù hợp.
Nhà nước, các hiệp hội, các trường ĐH có thể chung tay thành lập các viện/ các trung tâm nghiên cứu. Bởi đây là những tài sản mà một vài doanh nghiệp SME đơn lẻ khó có điều kiện để đầu tư. Các trung tâm này nên hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện để các DN đổi mới sáng tạo trong nội ngành phát triển. Ví dụ, các DN cung ứng giúp gom nhu cầu nguyên vật liệu mua chung nhằm có được giá thấp và điều kiện thanh toán hợp lý; các ứng dụng thiết kế nội thất gắn trực tiếp với sản xuất; các mạng lưới mua bán thiết kế và marketing trao đổi giá trị theo đơn hàng với chi phí cố định thấp; kinh doanh nội thất xuyên biên giới tận dụng các lợi thế của thương mại điện tử…
Mặt khác, “nhúng” được hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như Y Combinator, 500 Global, Block71, Google for Startups… vào ngành truyền thống để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp gỗ-nội thất là cách để tri thức mới nhất và R&D đi sát với thực tế kinh doanh và tạo giá trị nhanh.
Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở cấp độ ngành, thay vì nhìn vào Hàn Quốc, theo tôi nên tham khảo cách thức các DN Trung Quốc đổi mới sáng tạo, cạnh tranh, phối hợp và liên tục tìm cách thích nghi để làm chủ chuỗi cung ứng không chỉ ở đầu nguyên liệu mà cả đầu bán hàng. Ngành gỗ nội thất Trung Quốc đứng đầu thế giới, gần gũi và sinh động hơn Hàn Quốc. Ngoài ra hiểu kỹ Trung Quốc, đây có thể là thị trường lớn và tiềm năng cho DN Việt Nam.
* Quá trình gia công cho các thương hiệu khác, như Apple, Dell, hay Sony, đã mang lại cho Samsung không chỉ lợi nhuận mà còn cơ hội tiếp cận công nghệ, học hỏi từ quá trình thiết kế, sản xuất… DN nội – ngoại thất Việt Nam đang sản xuất cho rất nhiều thương hiệu lớn toàn cầu. Chúng ta cần tích lũy, học hỏi gì trong quá trình gia công hiện nay?
– Chúng ta đã học được những kỹ năng khách hàng muốn chúng ta làm tốt là sản xuất, và gia công nội thất. Nhưng khách hàng có dạy chúng ta xây dựng thương hiệu và quản lý toàn chuỗi cung ứng không? Tôi e là không. Bán hàng, thiết kế, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, thành lập và vận hành cơ sở kinh doanh ở thị trường đích… là những kỹ năng cần có để vươn lên chủ động trong chuỗi cung ứng.
TTF đang cùng vài doanh nghiệp ngoài ngành từng bước hình thành các “vườn ươm” và đây chỉ là một trong số rất nhiều cách mà các DN có thể phối hợp với nhau để có thể cùng đi xa.
* Với Trường Thành, công tác R&D được tổ chức thế nào?
– Chúng tôi có 3 hệ thống độc lập phục vụ mục tiêu nghiên cứu và đổi mới: phễu cải tiến tập trung cải tiến trong vận hành, nghiên cứu công nghệ lõi và hệ thống cải tiến quản trị. Ví dụ, thay đổi cách vận hành/ đánh giá hiệu quả và cải tiến cách… làm cải tiến. Mục tiêu luôn là các con số (doanh thu, lợi nhuận) hoặc các năng lực mới (cũng đo bằng số thông qua hệ thống bảng điểm Balanced Scorecard).
TTF vừa tham gia vào EMERGE @ FIND_ sự kiện được tổ chức bởi Hội đồng thiết kế quốc gia Singapore (Singapore Design Council) và FIND Design Fair Asia. Đây là triển lãm thiết kế lớn nhất trong chuỗi sự kiện Singapore Design Week, diễn ra từ ngày 26/9/2024-28/09/2024. Các thiết kế trưng bày trong triển lãm
đến từ nhiều quốc gia trong khu vực được giám tuyển bởi Suzy Annetta- nhà sáng lập Design Anthology. Trong 6 nhà thiết kế đến từ Việt Nam, TTF có 2.
Đây là “trái ngọt” thể hiện có cam kết với R&D, ngành gỗ và nội thất còn nhiều dư địa phát triển.
Về công nghệ sản xuất, các năm qua, TTF đã liên tục thử nghiệm và thành công cho ra đời sản phẩm Gỗ chống cháy thương hiệu TiTan Fireboard, đây là sản phẩm gỗ chống cháy duy nhất hiện nay tại Việt Nam từ trí tuệ của người Việt. Thành phần gỗ chống cháy từ mùn cưa, trấu, các hỗn hợp phụ gia giúp các sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất nông/ công nghiệp trở thành vật liệu chống cháy. Chúng tôi giải được 3 bài toán cùng lúc: Xanh, tuần hoàn, giảm phế phẩm trong quá trình sản xuất, và năng lượng để chở các phế phẩm này đi nơi khác; Tạo được sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị cao từ nguyên vật liệu rẻ tiền, phục vụ dòng sản phẩm cửa/ nội thất chống cháy của TTF; Nội địa hóa được một loại nguyên vật liệu trước đây phải nhập từ Trung Quốc với nhiều ưu điểm vượt trội so với sản phẩm nhập như dễ ăn đinh, ăn keo, không độc, dễ gia công, không gây rỉ sét kim loại và giá thấp hơn hẳn so với tấm chống cháy Trung Quốc cùng mức kháng lửa.
* Cụ thể, các ứng dụng của gỗ chống cháy mà TTF phát triển ra sao?
– Gỗ chống cháy được ứng dụng ở lõi của cửa gỗ công nghiệp chống cháy, đồ nội thất chống cháy, ống gió, vách ngăn cháy và TTF trở thành NCC hàng đầu của Vingroup về cửa công nghiệp, cửa gỗ chống cháy tại Việt Nam nhờ loại vật liệu này.
Cửa gỗ chống cháy TTF hiện có thể ngăn cháy & đạt cách nhiệt lên đến > 110p (đốt liên tục bằng lửa gas tại lò của Viện Khoa Học Công Nghệ Bộ Xây Dựng_ IBST). Ngày 14/9/2024 vừa qua, nhóm phát triển gỗ chống cháy đã đốt thành công cửa gỗ chống cháy đôi có kích thước lớn hàng đầu Việt Nam (cao >4.1 mét) cho khách sạn Sheraton Hà Giang của Vingroup.
Lõi gỗ chống cháy, và cửa gỗ chống cháy, vách/ trần gỗ ngăn cháy là kết quả của quá trình R&D và cải tiến liên tục của Gỗ Trường Thành, giúp chúng tôi khẳng định ngành gỗ và nội thất còn rất nhiều đất cho sáng tạo.
* Lời khuyên của ông dành cho các DN đang hướng tới gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua hàm lượng sáng tạo?
– Tôi không phải là chuyên gia đổi mới sáng tạo, nhưng qua thực tế công việc, có mấy nhận định: nên có góc nhìn rộng, sẵng sàng tiếp thu các cách làm mới từ các ngành công nghiệp khác áp dụng vào ngành gỗ. “Muốn trồng cây to, đừng mong có quả ngay” nhưng cũng cần xây dựng hệ thống đo đếm hiệu quả R&D ở từng chặng đường từ đó có chính sách phù hợp cho đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng, xây dựng được một đội ngũ có văn hóa đồng đội tốt và niềm tin “chọn làm việc khó để có lợi thế cạnh tranh dài hạn” là những thách thức thú vị đón chờ những nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm dấn thân trên con đường R&D để tạo vị thế mới cho doanh nghiệp mình.
* Xin cảm ơn ông.
Tiểu Bình thực hiện