Chuyển đổi xanh là lời giải then chốt để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh toàn cầu, nâng hạng sản phẩm gỗ Việt trên thế giới, sẵn sàng trước cơ hội kinh doanh theo những quy định khắt khe của thị trường. Trước nhu cầu chuyển đổi xanh cấp thiết tại Việt Nam nói cung và ngành gỗ nói riêng, các chuyên gia FPT IS đã nghiên cứu và biên soạn tài liệu “chuyển đổi xanh ngành gỗ” nhằm đưa ra phân tích về xu hướng cũng như cách thức để doanh nghiệp ngành gỗ kiểm kê khí nhà kính hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững quốc tế, đón đầu cơ hội kinh doanh toàn cầu.
Theo báo cáo, thị trường gỗ toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm gỗ chất lượng cao và bền vững. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong những “ông lớn” với vị trí thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc châu Âu (UNECE) năm 2021 cũng cho thấy, nhu cầu nhập khẩu nội thất gỗ quốc tế tăng mạnh trong các năm qua. Trung Quốc và Việt Nam hiện chiếm hơn 50% sản xuất đồ nội thất toàn cầu. Tuy nhiên các quy định khắt khe khi xuất khẩu vào các thị trường lớn đã bắt đầu tạo nên những rào cản.
Sản xuất xanh – thương mại xanh – tăng trưởng xanh
Tiêu dùng bền vững đã là đòi hỏi bắt buộc. Tất cả các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đang trên tiến trình siết chặt các điều kiện liên quan đến yếu tố “xanh” – từ sản xuất xanh, thương mại xanh đến tăng trưởng xanh, tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy chuẩn xanh quốc tế. Với ngành gỗ, gần đây nhất quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất không chỉ là đòi hỏi mang tính tự nguyện mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp (DN) muốn bán hàng cho đối tác, mở rộng xuất khẩu quốc tế.
Tiếp đó, quy định về phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) được ban hành vào tháng 12/2022 và có hiệu lực thực thi vào ngày 30/12/2024, áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, cao su… vào EU. Các nhà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phải chứng minh sản phẩm được vận chuyển vào EU được sản xuất từ gỗ trồng trên đất không phá rừng. Các nhà xuất khẩu cũng phải cung cấp tài liệu chứng minh tất cả sản phẩm được sản xuất tuân thủ theo luật hiện hành của quốc gia cung cấp về sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quyền lao động và các yếu tố khác. Hải quan EU sẽ không cho phép nhập khẩu gỗ xẻ hoặc ván gỗ vào thị trường nếu thiếu các tài liệu bắt buộc. Các nhà xuất khẩu vận chuyển các lô hàng thiếu thông tin bắt buộc có thể có nguy cơ phải chịu phí lưu kho, bị trả lại sản phẩm và có thể phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt khác. Liên đoàn Thương mại Gỗ châu Âu đã gửi đi cảnh báo đến các DN sản xuất toàn cầu: “Điều quan trọng là phải bắt đầu thu thập thông tin cần thiết ngay bây giờ”.
Bên cạnh các biện pháp cứng rắn từ phía cơ quan các nước, người tiêu dùng cũng thể hiện ý thức tiêu dùng xanh ngày một rõ ràng hơn. Họ quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm, hoạt động sản xuất lẫn hành trình xuất nhập khẩu… Đối chiếu các giá trị trong chuỗi cung ứng dưới hệ quy chiếu của các giá trị phát triển bền vững. Do vậy, DN cần thực hiện tính toán để xây dựng kế hoạch giảm thải hiệu quả.
Tại Việt Nam, dù là công xưởng cung ứng hàng hóa cho thế giới nhưng quá trình chuyển đổi xanh chỉ mới bắt đầu. Và chủ yếu đang thực hiện bằng hình thức thủ công, trong khi DN thế giới đã ưu tiên ứng dụng công nghệ từ trước. Hiện, các giải pháp công nghệ phù hợp hỗ trợ DN chuyển đổi xanh đã có sẵn. Điển hình là giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro. Đây là công cụ giúp DN rút ngắn thời gian tìm hiểu, gia nhập cuộc đua giảm phát thải toàn cầu thông qua số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện chuyển đổi.
Dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, hệ thống tích hợp với báo cáo ESG giúp DN có thể tự động hóa quá trình kiểm kê phát thải, thay thế quy trình đo đạc thủ công, dễ xảy ra sai sót, gian lận.
Bài học từ người đi trước
Tập đoàn nội thất toàn cầu MillerKnoll đã áp dụng thành công các giải pháp xanh trong sản xuất và kinh doanh, ngăn chặn được 300 tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương năm 2023. Tại Việt Nam, Tập đoàn Trần Đức, DN cung cấp giải pháp vật liệu bền vững cho ngành kiến trúc, xây dựng và nội – ngoại thất đã ứng dụng giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro của FPT IS trên toàn bộ quy trình của DN. Qua đó nâng chuẩn “world-class” về Net-zero trong sản xuất và kinh doanh, sẵn sàng chinh phục các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế để dẫn đầu cơ hội kinh doanh mới.
Dựa trên 17 báo cáo thống kê, nghiên cứu khoa học hàng đầu trên thế giới như FAO, European Commission, UNEP và kinh nghiệm từ dự án thực tiễn của FPT IS trong triển khai chuyển đổi xanh cho DN ngành gỗ nói riêng, DN Việt Nam nói chung… đội ngũ chuyên gia đã phân tích cơ hội và thách thức cho DN Việt trong bài toán khai thác và chế biến gỗ minh bạch, hiệu quả. Những bài học kinh nghiệm từ DN thế giới và Việt Nam trong lộ trình thực hành chuyển đổi xanh và các khuyến nghị chuyên môn, giải pháp công nghệ từ FPT IS để đồng hành cùng DN chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cũng được trình bày chi tiết trong tài liệu này. Nổi bật trong đó là những case study tiêu biểu của DN trên thế giới và Việt Nam trong việc chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi xanh.
Thực tế đã chứng minh, ứng dụng công nghệ là nền tảng quan trọng để DN thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Lộ trình chuyển đổi số – chuyển đổi xanh cần được triển khai từng bước, kiến tạo mô hình kinh doanh hiệu quả, cân bằng giữa lợi nhuận và các khía cạnh bền vững. Có như vậy, DN Việt mới có thể sớm tiến đến mục nâng hạng sản phẩm gỗ Việt trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp tải ebook tại đây: https://fpt-is.com/ebook-chuyen-doi-xanh-nganh-go/
Phạm Tuân – Đồng sáng lập giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro, FPT IS
P.D ghi