Ứng dụng hệ thống quản lý năng lượng hiện đại, triển khai giải pháp thi công thông minh, cắt giảm nguyên liệu, tăng cường vật liệu xanh từ giấy carton tái chế, khung nhựa tái chế, chủ động phân loại rác… là những điểm cộng giúp VIBE trở thành hội chợ triển lãm đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận và đánh giá cấp độ Change Agent, ghi nhận nỗ lực thực hành chuyển dịch Net Zero.
Diễn ra từ ngày ngày 2 – 5/10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Triển lãm Nội thất & Xây dựng Việt Nam 2024 (VIBE 2024) là hoạt động do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) phối hợp tổ chức. Trong không gian 1.000m2, sự kiện quy tụ 150 doanh nghiệp (DN) tham gia triển lãm 500 gian hàng.
Dấu ấn của sự khác biệt
Ngay trong lần triển lãm đầu tiên, VIBE đã tạo được dấu ấn với tổng số khách tham quan lên đến gần 10.000 người. Trong đó, có hơn một nửa khách tham quan thuộc giới chuyên môn, bao gồm các kiến trúc sư, nhà thiết kế, quản lý dự án, nhà thầu xây dựng và gần 1.500 đại diện đến từ các công ty, tập đoàn, đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài nước.
Thu hút được các nhà triển lãm với những thương hiệu hàng đầu trong ngành nội thất lẫn xây dựng như Secoin, Takara Standard, Nippon Paint, Phúc Mỹ Gia, Liên Á… là thành công đáng kể của VIBE 2024. Những thương hiệu chất lượng này đã tạo sức hút để khách tham quan đến với hội chợ. Tuy nhiên, yếu tố để giữ chân và tạo ấn tượng khó phai với khách tham quan lại chính là công tác tổ chức. Ngay từ khâu thiết kế, VIBE đã định hướng cho các nhà triển lãm phải mang đến hội chợ những không gian thể hiện được khả năng và sức sáng tạo của ngành xây dựng lẫn nội thất Việt Nam. Khách tham quan được mãn nhãn với không gian sống tạo thành từ gỗ biến tính của Trần Đức, được hòa mình trong thiết kế gian hàng hình cánh diều làm từ tre vừa thân thuộc, bình dị nhưng cũng rất hiện đại của Gallery Architect, gian hàng chung của các văn phòng, studio thiết kế đang hoạt động trên cả nước…
Bên lề triển lãm, VIBE mang đến cho khách tham quan cơ hội trải nghiệm chuỗi hoạt động workshop, trải nghiệm sáng tạo như trình diễn đan lát bằng cỏ năn tượng, chiêm ngưỡng các tác phẩm từ nghệ thuật tăm giang hay tự tay vẽ trang trí lên chậu gốm trồng sen đá mang về nhà…
Nỗ lực chuyển đổi
So với các triển lãm khác, sự khác biệt của VIBE 2024 thể hiện rất rõ ở sân khấu trung tâm triển lãm. Toàn bộ vách tường, những hàng ghế trong không gian hơn 550m2 này được làm từ giấy tổ ong carton tái chế, xếp theo kết cấu module, có khả năng chịu lực, bền chắc… Đây vừa là nơi diễn ra các hoạt động chính như lễ khai mạc, hội thảo… vừa là nơi nghỉ chân, giao thương của khách tham quan. Sân khấu này là lời khẳng định và là thông điệp mà VIBE 2024 muốn hướng đến cộng đồng: thực hành chuyển đổi xanh.
Thông điệp này càng đẩy mạnh hơn ở gian hàng Pavilion Ashui Award, đơn vị đã phối hợp với Plastic People để có được toàn bộ tường bao gian hàng làm từ 10.000kg nhựa tái chế. Sau sự kiện, phần vật liệu này sẽ thu cất để tái sử dụng trong những hoạt động sau. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA cho biết, ý tưởng về một triển lãm xanh đã được hình thành ngay từ những đối thoại đầu tiên bàn về ý tưởng giữa các thành viên trong ban tổ chức. Cam kết tại COP26 mà Chính phủ đưa ra đang hướng DN trong nước phải chuyển đổi vì một tương lai bền vững, chống biến đổi khí hậu. Hành động cụ thể từ VIBE là cách thiết thực nhất, truyền cảm hứng đến cộng đồng DN.
Ban tổ chức đã chọn Green Transition, thương hiệu thuộc ESGs & Climate Consulting, chuyên cung cấp dịch vụ tích hợp chiến lược bền vững để tính toán lượng phát thải làm đơn vị thực hiện đo phát thải của VIBE 2024 trong suốt 4 ngày diễn ra sự kiện. Nguồn phát thải được đo lường theo các chỉ số bao gồm: năng lượng, nước, chất thải, logistics, dịch vụ ăn uống và quy cách di chuyển của người tham dự.
VIBE, Green Transition và SECC đã phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thu thập đủ dữ liệu, cung cấp các chỉ số nguồn gốc, lộ trình của dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận tải theo từng ngày, trong khung giờ hoạt động; mức tiêu thụ điện năng, nước, lượng rác thải… để có thể tính toán chính xác nhất. Kết quả, tổng lượng khí thải phát ra của hội chợ là 22,549kg. Trong đó, phát thải từ việc di chuyển và vận tải chiếm 80%, năng lượng chiếm 7%, rác thải chiếm 13%. Dựa trên tiêu chuẩn đánh giá toàn cầu như G4 Event, ISO 20121 về đo lường lượng phát thải, VIBE 2024 đã đạt chứng nhận và đánh giá cấp độ Change Agent, nhà thúc đẩy đổi mới.
Nhìn lại hội chợ vẫn có những điểm trừ nhỏ trong thực hành giảm phát thải như việc sử dụng dư thừa màng bọc nhựa, số lượng lớn các sản phẩm in ấn truyền thông dùng một lần… BTC đang nỗ lực để VIBE 2025 có thể hoàn thiện hơn nữa. Như lời của ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh (GGSC) thuộc EuroCharm, VIBE 2024 là một trong những triển lãm đầu tiên hướng đến Net Zero tại Việt Nam. Việc đo lường và theo dõi lượng khí thải carbon tại sự kiện lần này là bước đệm quan trọng, truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực và bền vững trong tương lai.
Ánh Hồng