Khi các quốc gia bắt tay với nhau cùng xây dựng chuỗi cung ứng xanh, những đòi hỏi mới về mặt môi trường đang tạo sức ép cho ngành gỗ cũng như các ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, cơ hội từ những thay đổi này cũng không hề nhỏ, nhất là đối với ngành khai thác và chế biến gỗ.
“Mọi sản phẩm được làm ra đều để lại tác động đến môi trường. Trong xu hướng tiêu dùng xanh toàn cầu, những đơn hàng của ngành nội thất đang được đòi hỏi nhiều hơn về giảm phát thải, chống ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Duy Toàn, Ủy viên Ban chấp hành HAWA, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Ký khẳng định như vậy tại khóa đào tạo “Kiểm kê khí nhà kính và tính toán tiềm năng giảm phát thải trong ngành gỗ”, khai giảng sáng 17/10 tại TP.HCM. Đây là hoạt động thuộc dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho ngành gỗ Việt Nam” do HAWA thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Những lợi ích trước mắt
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ngành gỗ chuyển đổi số trong sản xuất, nhận thức và bước đầu thực hành giảm thải carbon cũng như nâng cao năng lực quản trị carbon trong nhà máy, khóa học mang đến học viên những kiến thức cơ bản về quy tắc, quy trình và phương pháp kiểm kê. Đại diện hơn 40 DN trong ngành đã cùng tìm hiểu, thực hành xác định và tính toán khí nhà kính dựa trên những con số thực tế để thấy được khối lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành. Đồng thời, tham gia vào hoạt động thực tiễn như lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính, tìm hiểu các giải pháp quản lý phát thải, gặp gỡ và đối thoại với đại diện các nhà máy điển hình chuyển đổi xanh trong ngành…
Bà Nguyễn Thị Truyền, chuyên gia cao cấp ILO, giảng viên chính của khóa học cho biết, giảm phát thải là con đường mà bất cứ DN nào cũng cần hướng đến, nếu muốn tiếp tục kinh doanh toàn cầu. Với ngành chế biến gỗ, có đến 90% phát thải là nằm ở việc tiêu thụ năng lượng. Do vậy, DN cần tiến hành quá trình đánh giá nguồn năng lượng tiêu thụ để từ đó thiết kế được kế hoạch giảm phát thải. Kế hoạch ấy cần tuân thủ nguyên tắc: lợi về nhân công, lợi về năng lượng. Bà Truyền đánh giá, những đòi hỏi mới của thị trường quốc tế, trước mắt là CBAM, sẽ tác động không ít đến thương mại nhưng cũng là cơ hội nếu DN có những hành động cụ thể cho việc giảm phát thải.
Theo chuyên gia đến từ ILO, một trong những lợi ích thấy được trước mắt của quá trình giảm phát thải là chi phí tiêu thụ năng lượng sẽ giảm, nghĩa là chi phí đầu vào của DN sẽ thấp hơn, tạo lợi thế cạnh ranh. “Tạo được lợi thế nhiều hay ít từ quá trình giảm phát thải còn phụ thuộc vào tầm nhìn, mục tiêu của chủ DN trong quá trình quy hoạch lại các giá trị. DN cần có được những con số mong muốn cụ thể như mức độ giảm phát thải carbon bao nhiêu? Cải tiến thế nào? Mô hình kinh doanh sẽ thay đổi ra sao?
Làm chủ cuộc chơi
Ông Trịnh Đình Dũng, đại diện Trần Đức Home chia sẻ những kết quả khá bất ngờ khi DN này theo đuổi mục tiêu giảm phát thải. Cụ thể, Trần Đức đã giảm khoảng 15% năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng tiền điện. “Muốn có được con số này, tương đương với việc DN phải tăng doanh thu lên hơn 43 tỷ đồng. Nếu đặt lên bàn cân, rõ ràng thực hành tiết kiệm năng lượng vẫn dễ dàng và có lợi ích kinh tế hơn nhiều so với việc tăng doanh số”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, quá trình thực hành giảm phát thải ở Trần Đức có sự tham gia của bên thứ ba, nhà cung cấp hệ thống công nghệ nền tảng là FPT. Quan trọng nhất là trách nhiệm của 3 bộ phận: vận hành – bảo trì, hành chánh nhân sự và kế toán. Thực tế hoạt động sản xuất cho thấy, các tải chỉnh trong nhà máy chế biến gỗ thường dùng là hút bụi, hệ thống nén khí, máy ép nóng, hệ thống chiếu sáng, dây chuyền sơn, lò mạ, xưởng kim loại, hệ thống quạt gió, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống máy như CNC, dán cạnh, khoan, bào… “Để hệ thống chạy không tải, non tải, xì nén khí, lạm dụng khí nén… là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lãng phí năng lượng”, ông Dũng nói.
Kinh nghiệm của Trần Đức trong việc tổ chức lại hệ thống sản xuất là phải khắc phục được những tồn đọng trên. Đồng thời, tận dụng ánh sáng tự nhiên, quản lý nguồn nhiệt, đổi giờ nghỉ trưa, tránh vận hành máy móc giờ cao điểm… Hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Trần Đức đang rất tự tin với quyết định đầu tư và tái cấu trúc sản xuất. Theo ông Dũng, DN này đang tiếp tục hướng đến khai thác năng lượng tái tạo để đưa mức phát thải về âm.
Đánh giá mục tiêu xanh hóa của các DN ngành gỗ, ông Phùng Đức Hoàng, Điều phối viên quốc gia của ILO tại Việt Nam cho biết, hiện đặc thù của ngành là gia công, DN luôn phải tìm cách đáp ứng yêu cầu khách hàng. Do vậy, dù phát triển khá nhanh nhưng ngành luôn ở thế bị động. “Xu hướng xanh hóa đang diễn ra rất nhanh và rất quyết liệt. Các DN khu vực châu Âu đều phải triển khai kế hoạch giảm phát thải. Giải pháp của các nhà mua hàng là xem xét lại chuỗi cung ứng, xem các thành phần trong chuỗi có chuyển đổi xanh thì mới duy trì hợp tác. Do vậy, việc thực hiện các kiểm kê phát thải chủ động từ phía DN Việt Nam là bước đón đầu, hứa hẹn tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho ngành trong tương lai”, ông Hoàng nhận định.
Đồng quan điểm, bà Truyền cũng cho rằng, quá trình giảm phát thải dưới góc độ kinh tế không chỉ giúp DN có được lợi nhuận, gia tăng năng lực quản lý mà còn góp phần xây dựng được thương hiệu, tạo ấn tượng với khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, DN còn đang chật vật ứng phó thì việc nhìn về mục tiêu bền vững, DN cũng phải cân nhắc, lựa chọn được các giải pháp mang lại lợi ích thực sự.
Hà Phương