Mất 5 năm cho hành trình số hóa, nhiều lần phải “đập đi xây lại” nhưng quả ngọt cho sự kiên trì của Mộc Phát là sự tinh gọn trong bộ máy, hiệu quả trong quản trị và tăng trưởng trong kinh doanh.
Sáng 14/11, chuyến đi thực địa đến nhà máy Mộc Phát, một hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho ngành gỗ Việt Nam” do HAWA thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thu hút được sự tham dự của hơn 30 đại diện doanh nghiệp (DN) trong ngành.
Với mục tiêu hỗ trợ DN ngành gỗ chuyển đổi số trong sản xuất, nhận thức và bước đầu thực hành giảm thải carbon cũng như nâng cao năng lực về quản trị carbon trong nhà máy, hoạt động này mang đến DN cơ hội trải nghiệm thực tế cách thức tổ chức sản xuất của một nhà máy chế biến gỗ đã và đang số hóa mạnh mẽ.
“Kiềng 5 chân”
Trải qua cung đường rất gồ ghề mới đến được Mộc Phát, ấn tượng đầu tiên đi vào tầm mắt mọi người là sự sắp xếp nhà máy rất hợp lý. Trên diện tích hơn 30.000m2, nhà máy sản xuất với 20 dây chuyền tự động hiện đại và 3 kho hàng được sắp xếp bài bản, theo quy trình từng phân khu như sản xuất, kho lạnh bảo quản, khu vực đóng gói và giao nhận… Các sản phẩm của Mộc Phát được phủ bề mặt bằng nhiều lớp vật liệu khác nhau, như giấy melamine, acrylic, laminate, veneer… với đa dạng độ dày, đáp ứng mọi ý tưởng thiết kế và nhu cầu sử dụng của khách hàng. Ông Nguyễn Ngọc Phú Hiển – Giám đốc kinh doanh Công ty Mộc Phát cho biết, nhà sản xuất ván công nghiệp này hiện sở hữu hơn 300 mẫu màu sắc khác nhau, có khả năng cung ứng 5 triệu sản phẩm/năm.
Sản lượng lớn nhưng mỗi sản phẩm của Mộc Phát đều có “sơ yếu lý lịch” chi tiết. Chỉ cần quét mã QR, bất kỳ khách hàng, người dùng nào cũng có thể nắm được thông tin nguồn gốc nguyên liệu, chứng nhận xuất xưởng, tiêu chuẩn chất lượng, phiếu xuất kho, CO – CQ hóa đơn chứng từ… “Chúng tôi gọi các thông tin này là kiềng 5 chân, khẳng định tính minh bạch của sản phẩm nhưng cũng là nền tảng để quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm”, đại diện Mộc Phát chia sẻ.
Ngoài tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, hệ thống ERP (lập kế hoạch nguồn lực, quản trị tổng thể DN) với tất cả các phân hệ đã được hoàn thiện và ứng thành công tại Mộc Phát. Mỗi phân hệ đều mang lại lợi ích thiết thực như phân hệ quản lý kinh doanh cho phép tính toán giá thành thực tế chính xác theo từng lô hàng; phân hệ quản lý kho – logistics giúp truy xuất lịch sử của lô hàng theo yêu cầu…
Những thay đổi tích cực
“Nhờ truy xuất được thông tin, nắm được dữ liệu theo thời gian thực, việc quản lý kinh doanh trở nên nhẹ nhàng, đội ngũ điều hành ra quyết định dễ dàng hơn”, ông Phạm Đức Chính – Tổng giám đốc Công ty Mộc Phát chia sẻ.
Thành lập từ năm 2004, hành trình số hóa nhà máy của Mộc Phát bắt đầu từ 5 năm trước. Quá trình này không ít thất bại. Theo ông Chính, nhờ quyết tâm cải tiến và sự kiên trì của các thành viên mà Mộc Phát mới có thể đưa hệ thống ứng dụng vào sản xuất. Dù đã có nền tảng công nghệ khá vững chắc nhưng công ty vẫn phải thuê chuyên gia công nghệ bên ngoài. Sự kết hợp giữa đội ngũ nội bộ, nắm rõ chuyên môn sản xuất và đội ngũ chuyên gia công nghệ bên ngoài giúp hệ thống có tính hiện thực hơn, tránh được các sai sót và tiết kiệm được chi phí. “Chỉ riêng việc ngồi lại, tìm hiểu, “mổ xẻ” quy trình sản xuất kinh doanh của công ty cũng đã mất hơn 1 năm. Chuyển đổi số mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên định của chủ DN”, ông Chính nói.
Sự kiên định đó thể hiện ở việc thiết lập mô hình khung. Việc điều chỉnh khung hệ thống sẽ được thực hiện từ trên xuống. Mọi nhân viên vận hành đều không được tự ý sửa, dù mô hình ấy đang sai mà phải báo cáo lãnh đạo. Điều này thể hiện tính tuân thủ nghiêm ngặt của dự án, mọi thành phần của DN đều phải chấp nhận thay đổi tư duy để tương thích với hệ thống. Bên cạnh quyết tâm, đại diện Mộc Phát cho biết DN cần có dự phòng tài chính phát sinh trong dự án vì chỉ khi bước vào thực tế mới thấy được toàn bộ vấn đề, khó tránh tình huống phải “đập đi, xây lại”.
Bước qua khá nhiều “nỗi đau” nhưng thành quả của việc số hóa thành công mà Mộc Phát nhận được cũng hết sức ngọt ngào. Ngoài việc giảm thiểu được gánh nặng nhân công, nâng cao hiệu suất, công ty còn quản lý được mọi hoạt động, từ việc tính toán chi phí, phân bổ chi phí, nguyên liệu… Quan trọng hơn là giải phóng lãnh đạo khỏi những tất bật thường nhật. Đặc biệt, hệ thống ERP của Mộc Phát không đóng khung mà có khả năng mở rộng, sao chép mô hình từ phân xưởng này sang phân xưởng khác, nhà máy này sang nhà máy khác. Nghĩa là, khoảng đầu tư công nghệ của Mộc Phát không chỉ dành cho hiện tại mà còn cho cả khả năng phát triển trong tương lai của thương hiệu này.
Nam Yên