,

Phát triển liên kết tạo chuỗi giá trị

Để đạt được cột mốc 20 tỷ USD vào năm 2025 và xa hơn là phát triển bền vững, ngành chế biến gỗ cần làm nhiều việc, một trong số đó là phát triển liên kết và tạo ra các chuỗi giá trị từ nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho tới xuất khẩu. Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ.

Chuỗi giá trị trong lâm nghiệp bao gồm trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại và xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị này có các liên kết giữa các cá nhân/doanh nghiệp (DN) trong các khâu khác nhau của chuỗi cung, ví dụ liên kết giữa các hộ dân trồng rừng và DN chế biến gỗ. Các liên kết này thường được gọi là liên kết dọc. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị cũng bao gồm các liên kết ngang, được hình thành giữa các cá nhân/DN trong cùng một khâu, ví dụ các DN cùng sản xuất một nhóm mặt hàng, hoặc các hộ trồng rừng nguyên liệu.

Những động lực cần thiết

Vận hành của chuỗi giá trị, bao gồm cả việc hình thành và hoạt động của các liên kết được điều chỉnh bởi môi trường thể chế, chính sách và cung – cầu thị trường. Đến nay, các liên kết trong chuỗi giá trị của ngành gỗ, bao gồm cả liên kết dọc và ngang còn rất hạn chế. Các liên kết đang được hình thành chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, giữa các hộ trồng rừng và một số công ty chế biến gỗ.

Các DN FDI hiện đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu hàng năm của ngành. Tuy nhiên liên kết giữa khối này và DN nội địa gần như không đáng kể. Điều này tạo ra một thực tế ngành gỗ vẫn tồn tại 2 mảng FDI và nội địa riêng rẽ. Không dừng lại ở đó, ngành còn thiếu về thể chế chính sách và nguồn lực cần thiết nhằm hình thành và thúc đẩy các chuỗi giá trị đi theo hướng phát triển bền vững.

Hiện nay, ở Việt Nam có hai xu thế. Thứ nhất, có một số DN chế biến gỗ đã tạo ra chuỗi hành trình khép kín của mình từ các vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến gỗ và xuất khẩu ở các tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Thừa thiên – Huế, Quy Nhơn… Nguồn nhân lực được trải đều tất cả các khâu của quy trình và hợp pháp về nguồn gỗ. Tuy nhiên, đòi hỏi cần có diện tích lớn cho các khu nhân giống, trồng rừng,… và chế biến gỗ. Đây là xu thế của tương lai có nhiều lợi thế với các DN, tập đoàn lớn có nguồn vốn mạnh.

Thứ hai, đây là xu thế đa số, DN chỉ tập trung vào các khâu chế biến, sản xuất và xuất khẩu. Các khâu đầu của chuỗi cung ứng được thực hiện từ các DN nhà nước, các hộ gia đình hoặc nguồn gỗ nhập khẩu từ nước ngoài. Phương án này linh hoạt, nhỏ lẻ, nên việc nghiên cứu khoa học, triển khai rộng khắp, chất lượng đồng đều khó điều khiển, không chủ động,…

Để ngành gỗ phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ vốn, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết trồng rừng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu rừng trồng sẽ tạo ra nguồn gỗ có chứng nhận; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chế biến sản phẩm gỗ và phụ phẩm gỗ để nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu. Để khai thác hiệu quả các tiềm năng đó, ngành phải nhanh chóng nâng cấp, cải tiến từng khâu và đẩy mạnh liên kết các mắt xích trong chuỗi cung ứng….

Bốn nhiệm vụ

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030, trong đó công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đã đề ra 4 nhiệm vụ: 1) Phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất. 2) Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm chính như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, gỗ ván nhân tạo, đồ gỗ mỹ nghệ… 3) Phát triển thị trường thương mại gỗ và sản phẩm gỗ trong nước và xuất khẩu. 4) Tháo gỡ các rào cản thương mại, kỹ thuật và phòng, chống gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Để làm được điều đó, ngành cần nguồn nhân lực phục vụ cho phân khúc cao hơn trên chuỗi cung ứng như thiết kế, phân phối, thương hiệu… đây là nguồn nhân lực chất lượng cao và cần được đào tạo bài bản. Ngành công nghiệp gỗ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và sản phẩm cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng đến nội thất. Tuy nhiên, để thúc đẩy xúc tiến thương mại trong ngành, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm: Đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, và đầu tư nâng cấp các công nghệ hiện đại. Vì vậy vai trò của nhân lực thiết kế mẫu mã là hết sức quan trọng.

Ngành gỗ, với tiềm năng lớn và vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đang chứng kiến sự phát triển đáng kể. Đứng trước thực trạng này, xúc tiến thương mại được xem là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ đối với DN mà còn đối với toàn bộ ngành. Sự hội nhập quốc tế hiện nay ngày càng trở nên sâu rộng, ngành gỗ đứng trước thực trạng cạnh tranh diễn ra khốc liệt, việc xây dựng và duy trì uy tín thương hiệu trở thành một yếu tố then chốt quyết định sự thành công của DN. Nâng cao uy tín thương hiệu không chỉ là mục tiêu, mà còn là chiến lược quan trọng giúp thúc đẩy xúc tiến thương mại. Vì vậy vai trò của nhân lực trong xúc tiến thương mại, phân phối, tạo thương hiệu là hết sức quan trọng.

Ngoài ra, để có thể bứt phá trong thời gian tới, ngành gỗ không chỉ nên chú trọng vào việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài, mà cần phải có sự đột phá trong phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực, tạo ra sự gắn kết giữa các trường đào tạo, viện nghiên cứu và DN để có thể thích ứng với môi trường công nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0.

NGND-GS-TS. Trần Văn Chứ
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác