Cơ hội lớn cho tất cả
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho biết, chủ trương quy hoạch, sáp nhập các tỉnh thành từ phía nhà nước đã tạo nên bước ngoặt mới cho sự phát triển quốc gia. Bối cảnh đời sống, nhịp sống lẫn nhu cầu của người dân cũng sẽ khác. Khai thác những biến đổi này thế nào để tạo được cơ hội cho chính mình là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm.

Đồng quan điểm, ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA cho biết, quá trình phát triển mới của quốc gia thực sự mở ra cơ hội lớn cho tất cả các DN. Trong đó, nổi bật là yêu cầu bức thiết về xây dựng, thiết kế, nội thất, vật liệu… “Để tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp trong ngành cần có sự chủ động”, ông Mẫn nói. Sự chủ động đó thể hiện ở công tác định vị, củng cố thế mạnh nội tại, tiếp cận thị trường cũng như mở rộng kết nối để có thể gia nhập hệ sinh thái đa dạng của ngành Nội thất, Kiến trúc và Xây dựng.

Bắt đúng mạch phát triển của thị trường, Triển lãm VIBE do HAWA phối hợp cùng SACA diễn ra đúng thời điểm Việt Nam tái cấu trúc. Từ ngày 1 – 4/10, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), đội ngũ các chuyên gia hoạch định chiến lược, các kiến trúc sư cùng đông đảo lực lượng doanh nghiệp cung ứng nội thất, giải pháp kiến trúc, vật liệu xây dựng… sẽ cùng quy tụ tại VIBE để hướng đến trọng tâm các giải pháp tái cấu trúc diện mạo quốc gia. Với quy mô tăng gấp đôi so với lần tổ chức đầu tiên, VIBE 2025 thu hút hơn 700 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, quy tụ các thương hiệu lớn như Lixil, Tavico Home, Secoin, Cotto Nhà Xinh, Danpal, GreenDS, Kian Contract Vietnam…
Bám sát chủ đề “Next in Space – Tương lai của không gian sống”, triển lãm sẽ mang đến đa dạng các thiết kế nội thất, giải pháp kiến trúc xây dựng theo xu hướng phát triển của quốc tế và bối cảnh mới của tiến trình tổ chức hành chính Việt Nam.
Cần có chiến lược liên kết
Năm 2024, tăng trưởng của ngành Xây dựng ước đạt 7,8 – 8,2%, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2024 đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%… Ông Nguyễn Quốc Khanh, Cố vấn cấp cao, Trưởng Ban tổ chức VIBE cho biết, sau sáp nhập, đô thị hóa sẽ phát triển nóng trong thời gian tới. Việc này mở đường cho các DN xây dựng, nội thất lẫn kiến trúc tiếp cận sâu hơn nữa thị trường nội địa.
Đơn cử ở khu vực phía Nam, sau công tác sáp nhập với Vũng Tàu và Bình Dương, TP. HCM vươn mình trở thành siêu đô thị với hơn 14 triệu dân. Ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch SACA, Chủ tịch HGBA, Phó Ban tổ chức VIBE nhận định, siêu đô thị này sẽ phát triển 3 cực với TP trung tâm tài chính thương mại, khu công nghiệp khổng lồ và hệ thống cảng biển, đô thị biển… Việc tích hợp 3 giá trị ấy hình thành nên hệ sinh thái cực kỳ lớn cho kinh tế phát triển. Nhưng, quan trọng hơn, việc đáp ứng hạ tầng cho một đô thị như vậy chính là dư địa phát triển của ngành xây dựng lẫn nội thất. Ông phân tích: “Chỉ riêng ngân sách đầu tư công cho các công trình siêu đô thị này cũng đã là rất lớn. Nhu cầu xây dựng, nội thất ở khu vực này có thể nói là bùng nổ. Cơ hội phát triển của ngành xây dựng, nội thất thời gian tới cực kỳ cao”.

Đứng trước công cuộc kiến tạo các giá trị mới của quốc gia, bắt đầu từ việc quy hoạch lại không gian địa lý, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners cho biết, cơ hội phát triển dành cho DN tất cả các ngành nghề đều rất lớn. Ông kỳ vọng mỗi tỉnh thành đều có cảng và hệ thống đường bộ kết nối đồng bộ để tận dụng được đường bờ biển dài của quốc gia, hình thành hệ thống kinh tế biển. Bởi khi hệ thống logistics hiệu quả có thể giúp DN tiết giảm được chi phí, gia tăng lợi thế cạnh tranh, tạo động lực cho các ngành phát triển. “Khi hiệu quả kinh tế vùng được nâng cao hơn sẽ tạo động lực cho DN mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất”, ông nhìn nhận.

Việc tổ chức lại các tỉnh thành hiện nay đang hướng đến phát triển toàn diện, kết nối với con đường kết nối ra quốc tế, khai thác thế mạnh địa phương, mở đường cho việc đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Trong bối cảnh này, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, rất cần thiết đổi mới tư duy đa ngành, kêu gọi hợp tác đa ngành, chung tay để khai thác tối đa các lợi thế.