Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp (DN). Hoạt động này có thể sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một DN hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.
Chuyển đổi số không chỉ là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Thay đổi toàn diện mô hình lẫn văn hóa DN
Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Do vậy, trong kỷ nguyên 4.0, chuyển đổi số tại các quốc gia bao gồm 4 yếu tố: Chính phủ số; Thành phố thông minh; Công nghiệp 4.0, DN 4.0 Kinh tế số và Công dân, cá nhân số, xã hội số.
Với chuyển đổi số trong tổ chức, DN, đây là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, chuyển đổi số cũng bao gồm việc thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…. Tất cả những thay đổi này kết hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao.
Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dự báo tổng số tiền đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trên toàn thế giới sẽ đạt 1,97 nghìn tỷ USD vào năm 2022, trở thành một trong những xu hướng có khả năng thay đổi cán cân thương mại thế giới. “Chuyển đổi số DN là xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của DN bởi dữ liệu có ích cho DN ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có ích cho DN giảm nhanh”, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, khẳng định.
Cơ hội vượt qua lối mòn
Theo đánh giá của Microsoft, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyển đổi số có thể tác động lên GDP năm 2019 ở mức 25%, từ 6% năm 2017 và dự báo tăng lên 60% vào năm 2021. “Chuyển đổi số không chỉ mang đến cơ hội cho chính DN các ngành nghề vượt qua lối mòn kinh doanh, tiến đến quản trị bền vững mà còn là thị trường cực kỳ tiềm năng cho các DN cung cấp dịch vụ công nghệ ở Việt Nam”, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech đánh giá.
Theo ông Hòa Bình, như toàn cầu hóa, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và ngày càng mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là hành trình thay đổi và nhu cầu lâu dài từ phía DN, hoàn toàn không chỉ xuất phát từ những khủng hoảng do dịch bệnh hay bất ổn nào đó. Trong xu thế chung, Việt Nam sẽ không nằm ngoài làn sóng chuyển đổi số. Vấn đề quan trọng là chuyển đổi số như thế nào để hiệu quả.
Thống kê từ NextTech cho thấy, nhu cầu chuyển đổi số của DN Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Đây là kết quả từ thời gian dài trước đó, Nhà nước tuyên truyền nhiều về khái niệm 4.0. Ông cho biết: “Bản chất của 4.0 chính là chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống ứng dụng công nghệ, ra quyết định dựa trên dữ liệu”.
Báo cáo Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DN vừa và nhỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Cisco thực hiện trên 1.340 DN tại khu vực, trong đó có 50 DN Việt Nam, cho thấy, tại Việt Nam, các DN vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN (15,7%),…
Thực tế ghi nhận, phần lớn DN Việt Nam cơ bản còn chậm trong việc đón nhận làn sóng này. Bộ Công Thương thống kê, có đến 61% DN đứng ngoài câu chuyện chuyển đổi số. Chỉ 21% công ty là có các hoạt động chuẩn bị ban đầu cho ứng dụng công nghệ mới. Tính chung, 16/17 ngành chưa sẵn sàng với chuyển đổi số.
Với những ngành sẵn sàng và tham gia chuyển đổi số, kết cục cũng rất khắc nghiệt. Theo thống kê của McKinsey, ở thị trường toàn cầu, ngay các ngành am hiểu kỹ thuật số như công nghệ cao, truyền thông, viễn thông, mức độ chuyển đổi số thành công cũng không vượt quá 26%. Con số này cho thấy, dù hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh cũng như đời sống, chuyển đổi số cũng chứa trong đó rất nhiều thách thức. “Để thành công trong quá trình chuyển đổi số, DN phải có chiến lược cụ thể, đầu tư bài bản cũng như kiên trì với lựa chọn của mình”, ông Hòa Bình nói.
WIN:
“Chuyển đổi số mang đến cơ hội cho DN các ngành nghề vượt qua lối mòn trong phương thức kinh doanh, tiến đến quản trị bền vững”.