Trong hội thảo sáng nay (24/11) với chủ đề “Quy định của thị trường Hoa Kỳ và EU nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thị trường của các doanh nghiệp do Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông Sản phối hợp với HAWA tổ chức, đại điện từ Tổng Cục Lâm Nghiệp – Ông Trần Hiếu Minh (Vụ KHCN & HTQT) cho biết “VNTLAS sẽ áp dụng cho tất cả các loại gỗ, các thị trường và các đối tượng kinh doanh trong ngành”. Đây là một trong các điểm mới mà các doanh nghiệp đang & sẽ hoạt động trong ngành cần phải hết sức lưu tâm trong thời gian tới.
VPA là hiệp định thương mại song phương giữa EU và quốc gia xuất khẩu ngoài EU. Đây là giải pháp để thực hiện kế hoạch hành động Flegt của EU nhằm mục đích đảm bảo gỗ xuất khẩu từ nước sản xuất vào EU có nguồn hợp pháp và giúp nước đối tác ngăn chặn khai thác gỗ bất hợp pháp qua đó cải thiện quản trị rừng.
Nội dung chính của hiệp định này là quốc gia đối tác thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS) để xác minh và cấp phép Flegt cho lô gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong danh mục của hiệp định trước khi xuất khẩu vào EU.
11/5/2017, Việt Nam – EU đã kết thúc đàm phám VPA/Flegt và thực hiện ký tắt tại Bỉ. Lời văn của Hiệp định có 27 điều và 9 phụ lục kỹ thuật. Trong bài trình bày, đại diện của Tổng cục Lâm Nghiệp đã nhấn mạnh đến phụ lục thứ 5 – Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (được gọi là VNTLAS).
Theo đó, gỗ hợp pháp được định nghĩa rất rõ ràng “là gỗ được khai thác hoặc nhập khẩu và sản xuất phù hợp với luật pháp của Việt Nam, đối với gỗ nhập khẩu vào Việt Nam phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác”. Vì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới và nguyên liệu có sử dụng từ nguồn nhập khẩu cho nên trong đàm phán, EU rất quan tâm đến vấn đề này, ông Minh cho biết thêm.
Phạm vi áp dụng của hệ thống VNTLAS dành cho tất cả các loại gỗ như gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, gỗ khai thác từ từng trồng trong nước, gỗ khai thác từ cây phân tán, vườn nhà, trang trại, gỗ cao su trong nước, gỗ xử lý sau tịch thu, gỗ nhập khẩu; cho tất cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu (EU và ngoài EU); cho tất cả các đối tượng kinh doanh như hộ gia đình trồng rừng, doanh nghiệp (khai thác, nhập khẩu, chế biến gỗ, xuất khẩu), các cơ sở thu mua, vận chuyển, chế biến gỗ.
VPA có 4 nội dung cam kết chính về kiểm soát gỗ nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu và cấp phép Flegt. Về việc kiểm soát gỗ nhập khẩu, đối với các loại gỗ nhập khẩu có giấy phép CITES hay Flegt hay không có 2 loại trên sẽ được hướng dẫn chi tiết làm các thủ tục khác nhau.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp tham gia vào các phân đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng ngành. Tất cả các doanh nghiệp này đều được phân loại: Nhóm 1 là DN tuân thủ pháp luật và Nhóm 2 là không tuân thủ pháp luật. Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục và tiêu chí để phân loại doanh nghiệp.
Sở dĩ có sự phân loại doanh nghiệp là để thuận tiện hơn trong quá trình xác minh xuất khẩu nhằm đánh giá lô hàng sẽ xuất khẩu có tuân thủ đầy đủ của hệ thống VNTLAS. Mức độ xác minh xuất khẩu đối với doanh nghiệp áp dụng theo nhóm rủi ro: đối với doanh nghiệp nhóm 1 – không xác minh bổ sung; doanh nghiệp nhóm 2 – bị kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế tất cả các lô hàng tối thiểu 20% khối lượng của mỗi lô hàng. Các lô hàng xuất sang EU theo Hiệp định sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép Flegt.
Cũng có sự khác biệt giữa doanh nghiệp loại 1 và loại 2 trong việc xác minh xuất khẩu và được cấp phép Flegt. Các doanh nghiệp loại 1 thì quy trình này diễn ra ít bước hơn nên sẽ giúp doanh nghiệp đó tiết kiệm được chi phí về tài chính cũng như thời gian.
Ngoài ra, tại hội thảo còn có sự chia sẻ thông tin thú vị từ đại diện tổ chức TFT; Hiệp hội BIFA, FPA Bình Định; dự án Formis và ba thành viên HAWA, công ty Minh Phát 2 (MIFACO) và công ty Thanh Hòa, công ty SGS. Quý doanh nghiệp quan tâm có thể tải TẠI ĐÂY