,

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc – Giám đốc chuyên trang tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt: Giải bài toán cân bằng nguồn lực

Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng đa số doanh nghiệp (DN) đều phản ánh tuyển không đủ nhân công cho mùa cao điểm sản xuất – kinh doanh cuối năm. Theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc, thiếu hụt lao động sẽ trở thành áp lực và là yếu tố giảm năng lực cạnh tranh.

* Càng về cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của DN càng “nóng”. Theo bà, thị trường lao động hiện nay đang diễn tiến thế nào?

– Nhu cầu tuyển dụng của các DN tại TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức, hơn 85% DN chia sẻ đang thiếu hụt nguồn lực lao động số lượng lớn. Hơn thế nữa, 30% DN trong số đó đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng, có nơi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.

Trong giai đoạn từ tháng 8 – 10/2024, thị trường lao động ở các tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu lao động, đặc biệt tập trung vào các ngành sản xuất (công nhân), hậu cần, vận tải (kho vận và tài xế giao hàng).

* Riêng với nhân lực ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ thì sao?

– Ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ là một lĩnh vực đặc thù đòi hỏi lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, chính xác trong từng công đoạn sản xuất. Nguồn nhân lực trong ngành này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc

Theo khảo sát gần đây của chúng tôi, khoảng 60% DN ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ phản ánh tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là nhóm lao động có kỹ năng chuyên môn, tay nghề cao.

* Liệu việc thiếu lao động có xuất phát từ cạnh tranh lao động giữa DN nội địa và DN FDI?

– Đúng là có sự cạnh tranh lao động đáng kể giữa DN nội địa và FDI tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp đòi hỏi lao động tay nghề cao và kỹ thuật như sản xuất linh kiện, điện tử, và năng lượng tái tạo. Việt Nam thu hút gần 15,2 tỷ USD vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã tạo áp lực lớn lên thị trường lao động nội địa, khi các DN FDI có khả năng chi trả mức lương và phúc lợi cao hơn để thu hút nhân lực có kỹ năng và trình độ. Sự cạnh tranh này rõ rệt hơn ở các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, nơi cả FDI và DN nội địa đều cần nguồn nhân lực lớn.

Ngoài ra, các DN FDI thường nhắm vào các lao động trẻ, được đào tạo bài bản, trong khi DN nội địa lại đối mặt với hạn chế về tài chính và sự cạnh tranh từ chính sách tuyển dụng hấp dẫn của FDI.

* Xu hướng trở về quê làm việc, nhất là việc trở lại các khu vực phía Bắc từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay có tác động đến thị trường lao động?

– TP. Hồ Chí Minh không còn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của người nhập cư như trước đây. Tỷ lệ tăng dân số nhập cư vào thành phố giảm mạnh ở mức kỷ lục, chỉ còn 0,67% vào năm 2023. Nguyên nhân chính được cho là do chi phí sinh hoạt leo thang và áp lực cạnh tranh tại thành phố rất cao. Điều này đã khiến nhiều người lao động trở về quê hoặc tìm đến các tỉnh lân cận, nơi có chất lượng cuộc sống đang dần được cải thiện đáng kể.

Nhiều DN đã và đang chuyển một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất về các tỉnh lân cận và tạo ra làn sóng tuyển dụng mới. Việc Làm Tốt ghi nhận số lượng tin đăng việc làm tại các tỉnh Nam bộ, ngoại trừ TP. Hồ Chí Minh, có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở mức 30% trong 3 quý đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

* Đơn hàng hiện nay đòi hỏi nhanh hơn nhưng quy mô lại nhỏ hơn và lợi nhuận/đơn hàng cũng giảm đi so với ngày trước. Việc thay đổi chính sách tuyển dụng, tăng lương, tăng đãi ngộ cũng sẽ khó cho DN. Làm thế nào để cân bằng?

– Để giải quyết bài toán này, DN cần tìm ra điểm cân bằng giữa tối ưu hóa vận hành và xây dựng chiến lược nhân sự linh hoạt. Thực tế, nhiều DN đã chuyển hướng đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí. Các hệ thống tự động hóa như dây chuyền lắp ráp hoặc phần mềm quản lý chuỗi cung ứng không chỉ rút ngắn thời gian sản xuất mà còn giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công. Chẳng hạn, trong ngành chế biến gỗ, việc ứng dụng máy CNC đã giúp nhiều DN nhỏ và vừa tăng năng suất mà không cần tăng số lượng lao động.

Hiện nay, chiến lược tuyển dụng linh hoạt đang trở thành xu hướng. Thay vì cố gắng duy trì đội ngũ nhân viên cố định lớn, một số DN sử dụng lao động thời vụ hoặc hợp đồng ngắn hạn cho các giai đoạn cao điểm. Điều này giảm áp lực tài chính trong các giai đoạn ít đơn hàng, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lao động trong thị trường.

Về chính sách đãi ngộ, nhiều DN đã chuyển từ việc chỉ tập trung vào lương sang các hình thức thưởng linh hoạt dựa trên hiệu suất. Điều này không chỉ khuyến khích năng suất làm việc mà còn phù hợp với ngân sách hạn chế. Ngoài ra, các phúc lợi phi tài chính như cải thiện điều kiện làm việc, đào tạo nâng cao tay nghề, và xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng cũng là cách thu hút và giữ chân nhân sự hiệu quả.

Để đối phó với lợi nhuận giảm trên từng đơn hàng, một số DN chọn cách tăng giá trị sản phẩm thông qua phân khúc cao cấp hoặc tạo các dòng sản phẩm độc quyền. Số khác lại áp dụng mô hình “sản xuất theo yêu cầu” để giảm lãng phí tồn kho và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ví dụ, trong ngành thủ công mỹ nghệ, việc đáp ứng các đơn hàng cá nhân hóa đã giúp nhiều DN có thêm khách hàng vừa cải thiện biên lợi nhuận.

Cuối cùng, hợp tác với các hiệp hội ngành và tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như vay vốn ưu đãi hoặc chương trình đào tạo nghề, đang được nhiều DN áp dụng để cải thiện năng lực cạnh tranh mà không tăng thêm áp lực tài chính. Trong bối cảnh đầy thách thức, sự cân bằng không nằm ở một giải pháp duy nhất mà là sự kết hợp khéo léo giữa đổi mới công nghệ, quản lý hiệu quả và đầu tư vào nguồn nhân lực một cách thông minh.

* Nhu cầu chính yếu của các lao động hiện nay là gì?

– Theo khảo sát của Việc Làm Tốt tháng 9/2024, bên cạnh lương thưởng, hơn 52% người tìm việc lao động phổ thông ưu tiên môi trường làm việc tiện nghi, an toàn và các mối quan hệ đồng nghiệp tốt, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Điều này cho thấy, DN cần đầu tư toàn diện vào văn hóa DN, phát triển con người và linh hoạt trong chính sách làm việc để thu hút nhân tài.

Ở phía ngược lại, người lao động cần nâng cao kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số để thích ứng với sự phát triển của công nghệ và gia tăng lợi thế cạnh tranh của bản thân. Ngoài ra nên chủ động tìm kiếm nguồn việc làm đa dạng trên các nền tảng tìm việc trực tuyến nhằm tăng cơ hội tìm được công việc phù hợp. Nhà nước và các cơ quan ban ngành có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực, có các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động trong các mảng giáo dục, y tế, giao thông để thu hút lao động tại thành phố nhiều hơn.

* Xin cảm ơn bà!

Ngân Hà thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác