Việt Nam là một trong 5 quốc gia xuất khẩu nội – ngoại thất hàng đầu thế giới, tuy nhiên gia công lại chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động của ngành. Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần có chiến lược gia tăng các giá trị mới bên cạnh sản xuất để có được vị thế tốt hơn. Một trong các hoạt động đó là đầu tư nghiên cứu, phát triển (R&D). Trao đổi với Gỗ và Nội thất, bà Lưu Thị Nhất Phương cho rằng việc triển khai các nghiên cứu bài bản giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường và đối thủ cạnh tranh.
* R&D là khái niệm bao gồm 2 nội dung: nghiên cứu và phát triển. Trong hoạt động nghiên cứu, ngành vẫn chưa có được một báo cáo chuyên ngành, các số liệu chủ yếu từ nguồn của hải quan nên các nghiên cứu trên nền số liệu thực tế không có. Gắn bó lâu năm trong công tác nghiên cứu thị trường, theo bà, việc triển khai các nghiên cứu bài bản để có được những số liệu thống kê chính xác của thị trường mang đến lợi ích cụ thể nào cho doanh nghiệp (DN) cũng như sự phát triển của ngành?
– Việc triển khai các nghiên cứu bài bản giúp DN có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường và đối thủ cạnh tranh. Các số liệu thống kê đáng tin cậy giúp DN hiểu rõ hơn về nhu cầu, xu hướng và hành vi của khách hàng; nắm bắt được điểm mạnh, yếu của DN và đối thủ cạnh tranh, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược dựa trên dữ liệu thực tế, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Đối với ngành nội – ngoại thất, điều này lại càng quan trọng bởi tính cạnh tranh cao. Nhờ số liệu, DN có thể điều chỉnh chiến lược tiếp cận khách hàng và sản phẩm phù hợp với thị trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Theo kinh nghiệm của bà, ở các quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam trong mảng nội – ngoại thất như Trung Quốc, Ý, Ba Lan… công tác nghiên cứu thị trường được tổ chức thế nào?
– Ở các quốc gia đó, công tác nghiên cứu thị trường được tổ chức rất bài bản và chuyên nghiệp. Họ thường sử dụng các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu để thu thập và phân tích dữ liệu; kết hợp dữ liệu khảo sát với các nguồn dữ liệu khác như số liệu thống kê ngành ở cấp độ quốc gia và quốc tế; sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu tiên tiến để đảm bảo thông tin thị trường luôn cập nhật, chính xác. Các DN sử dụng dữ liệu không chỉ để nắm bắt thị hiếu khách hàng mà còn để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và dự đoán xu hướng tiêu dùng trong tương lai.
* Là một quốc gia xuất khẩu nội – ngoại thất, việc trang bị số liệu thị trường ở các quốc gia nhập khẩu để biết được “gu” của người mua hàng hỗ trợ thế nào cho công tác phát triển sản phẩm?
– Số liệu thị trường từ các quốc gia nhập khẩu giúp DN hiểu rõ hơn về nhu cầu và “gu” của khách hàng tại từng thị trường cụ thể. Điều này giúp DN xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu; điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với xu hướng và mong muốn của người tiêu dùng; cải thiện dịch vụ khách hàng dựa trên hiểu biết về mong đợi và yêu cầu của khách hàng.
Khi đã xác định được chính xác mình cần bán gì, bán cho ai và bán như thế nào, DN sẽ tối ưu hóa được chi phí và quy trình sản xuất, tập trung vào những yếu tố mà thị trường đang cần, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần ở các thị trường quốc tế.
* DN làm thế nào để tiếp cận nguồn số liệu nghiên cứu thị trường từ các nước?
– DN có thể tiếp cận nguồn số liệu nghiên cứu thị trường từ các quốc gia khác thông qua nhiều kênh như: Hợp tác với các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế, sử dụng các công cụ và nền tảng phân tích thị trường trực tuyến để thu thập dữ liệu, tham gia các tổ chức thương mại quốc tế, sử dụng dịch vụ từ các hiệp hội ngành nghề hoặc tiếp cận thông tin từ cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp dữ liệu. Ngoài ra, việc tham dự các hội thảo, triển lãm quốc tế và hội nghị chuyên đề cũng là cách để DN tiếp cận và thu thập thông tin về thị trường nước ngoài.
* Theo bà, các đơn vị nghiên cứu thị trường ở Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu đặc thù này của ngành nội – ngoại thất?
– Ở Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu thị trường đang ngày càng phát triển và cung cấp những dịch vụ chuyên nghiệp hơn. Họ rất giàu kinh nghiệm với các ngành hàng như tiêu dùng nhanh, tài chính ngân hàng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên, ngành nội – ngoại thất khá đặc thù và mới mẻ với mảng nghiên cứu thị trường, họ có thể chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng về ngành để tư vấn thật trọn vẹn. Đây sẽ là một hành trình cùng nhau hợp tác và phát triển giữa HAWA và các đơn vị nghiên cứu thị trường.
* Sau khi tiếp cận được nguồn số liệu, làm thế nào để biến nó thành “tài sản”?
– Bước quan trọng đầu tiên là phân tích và chuyển hóa số liệu thành các chiến lược cụ thể. DN cần xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên môn có khả năng xử lý và phân tích số liệu, kết hợp với các công cụ và phần mềm để dự đoán xu hướng và hành vi của thị trường. Tiếp theo đó sẽ là việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để có thể liên tục cập nhật, lưu trữ và quản lý dữ liệu sao cho dễ dàng truy cập và sử dụng lâu dài. Quan trọng hơn, việc áp dụng những thông tin này vào các quy trình sản xuất, tiếp thị và phát triển sản phẩm sẽ giúp DN nâng cao hiệu quả kinh doanh và biến số liệu thành tài sản có giá trị lâu dài.
Trần Việt thực hiện