Đánh giá cao khả năng thích ứng của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam, đại diện ARISE cho rằng việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng là một giải pháp hợp lý.
* Chế biến gỗ Việt Nam được xem là ngành đóng góp lớn cho thu nhập quốc gia. Theo quan sát của bà, tiềm năng phát triển của ngành thế nào?
– Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Tiềm năng của ngành nội thất trong 5-10 năm tới được đánh giá rất cao với mức tăng trưởng kép ước tính ở 15,4%/năm. Thị trường xuất khẩu cũng mở rộng với những cơ hội mới tại Trung Đông. Thời gian tới, áp lực từ các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường quốc tế, như việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, đặt ra nhu cầu cho ngành gỗ Việt Nam phải thích nghi, nâng cao chất lượng và cạnh tranh hơn.
* Theo bà, mức sụt giảm này có lâu dài?
– Mặc dù đã có sự tăng trưởng so với tháng trước, các nhà phân tích cho rằng năm 2023 ngành gỗ vẫn đang ở trong tình trạng khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu thị trường Mỹ và EU. Nhiều dự báo cho thấy các công ty ngành gỗ sẽ phục hồi vào năm 2024. Tuy nhiên, với sự linh hoạt, đổi mới và biết nắm bắt cơ hội, ngành này hoàn toàn có khả năng đứng vững trước sóng gió và tiến xa hơn trên bức tranh kinh tế toàn cầu. Chúng ta may mắn hoạt động trong một ngành đầy triển vọng nên khi khó khăn tuyệt đối không được mất hy vọng.
* Bên cạnh câu chuyện xuất khẩu sản phẩm, bà đánh giá thế nào về khả năng trực tiếp đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam?
– Ngành gỗ đang đối diện với những biến động của thị trường toàn cầu, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho các DN có chiến lược thích ứng tốt. Một số “luật chơi” mới đòi hỏi tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Điều này càng trở nên quan trọng khi ngành gỗ Việt Nam sắp đối mặt với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh Châu Âu. EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc liên minh.
Với năng lực quản trị và điều hành của các DN Việt Nam, theo tôi, việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng là một giải pháp hợp lý khi mà nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước chủ yếu là gỗ kích thước nhỏ, không phù hợp để chế biến đồ nội thất và chi phí nhân công ngày một cao. Là một trong 5 quốc gia hàng đầu xuất khẩu đồ nội thất của thế giới, DN Việt hoàn toàn có thể bước chân ra biển lớn theo một cách khác.
Nếu nhìn về Tây Phi sẽ thấy khu vực này đang có nguồn nguyên liệu thô và giá lao động thấp, giúp DN giảm được chi phí. Khu vực này cũng được hưởng lợi thế FTA, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu, để tối ưu hóa chi phí và giành thêm thị phần.
* Cụ thể, những lợi ích lớn khi đầu tư ngành gỗ tại Tây Phi thế nào?
– Châu Phi với diện tích rộng lớn và sự đa dạng về văn hóa đang trở thành một thị trường mới mẻ thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Không chỉ là một điểm đến du lịch phong phú, châu Phi còn là một khu vực kinh tế với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Dân số châu Phi trẻ và đông đúc, tạo ra một lực lượng lao động dồi dào và một thị trường tiêu dùng lớn có giá cả cạnh tranh.
Châu Phi có vị trí địa lý thuận lợi giữa hai thị trường lớn là Mỹ và châu Âu. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển. Các nhà sản xuất gỗ có thể dễ dàng thu mua nguyên liệu chất lượng cao, có chứng chỉ hợp pháp.
Một số quốc gia châu Phi có các chính sách thuế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Những ưu đãi này không chỉ giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các DN mà còn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Các quốc gia ở châu lục này đang trải qua sự tăng trưởng ấn tượng, tạo nên một lớp trung lưu mới với nhu cầu tiêu thụ cao. Cơ hội phục vụ thị trường bản địa khá tiềm năng. Tuy nhiên, để thâm nhập và phát triển ổn định tại thị trường này, các DN cần trang bị kiến thức sâu rộng về văn hóa, chính trị và pháp luật của từng quốc gia, cũng như xây dựng một chiến lược kinh doanh linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường.
* Chính sách hỗ trợ DN ở các quốc gia này có thuận lợi?
– ARISE là một trong những đơn vị phát triển khu công nghiệp (KCN) hàng đầu, chúng tôi luôn chú trọng hợp tác chặt chẽ với Chính phủ các nước khi đầu tư và triển khai các KCN tại Tây Phi. Ví vụ như KCN GSEZ ở Gabon, GDIZ ở Benin, PIA ở Togo.
Mục tiêu là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra theo hướng bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của từng quốc gia. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho ARISE và các DN hoạt động trong KCN, mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Tây Phi. Thông qua cơ chế hỗ trợ, thuế ưu đãi và cả việc cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, các KCN của ARISE trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều DN muốn mở rộng và phát triển.
* ARISE có những hỗ trợ cụ thể nào cho DN khi tiếp cận thị trường này?
– ARISE không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn hỗ trợ marketing và tìm các đơn vị phân phối sản phẩm trong và ngoài KCN. Thông qua việc phát triển một KCN chuyên ngành gỗ, chúng tôi đã tạo ra một điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ kinh tế của châu Phi. Với hơn 144 công ty đến từ 19 quốc gia khác nhau, KCN này không chỉ đa dạng về quốc tịch mà còn phong phú về lĩnh vực hoạt động. Tổng thể có 22 lĩnh vực công nghiệp hoạt động trong KCN này, tạo nên một hệ sinh thái phong phú, từ sản xuất, chế biến đến logistics và dịch vụ hỗ trợ. Năm 2022, đã có hơn 25.200 container TEUS sản phẩm gỗ được xuất khẩu từ đây.
Thành công của KCN chuyên ngành gỗ do ARISE phát triển không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Congo mà còn tạo ra một mô hình cho nhiều quốc gia khác tại châu Phi. Việc kết hợp giữa việc tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu tự nhiên và hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hiện đại đã tạo ra một bức tranh kinh tế đầy màu sắc và tiềm năng.
* Xin cảm ơn bà!
Hải Khôi thực hiện