Là quốc gia thâm dụng lao động cao, các mức thuế đối ứng từ Mỹ có khả năng tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, việc làm và sinh kế của người lao động Việt Nam. Đối mặt với rủi ro này đòi hỏi phải có các chiến lược ứng phó toàn diện, từ giảm thiểu tác động đến đàm phán quốc tế và điều chỉnh cấu trúc sản xuất.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ trên 50 điểm xuống còn 45 điểm vào tháng 4/2025.
Tiến thoái lưỡng nan
Dù FDI đăng ký tăng cao nhưng tỷ lệ giải ngân lại giảm khoảng 17% so với năm trước. Nguyên nhân là vì các nhà đầu tư đang chờ tín hiệu rõ ràng từ đàm phán Việt – Mỹ. “Sự không chắc chắn này khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp khó khăn, không dám ký đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, vì lo ngại thuế tăng cao có thể khiến đối tác hủy đơn hoặc đòi chia sẻ chi phí thuế, bài toán kinh doanh sẽ không hiệu quả. DN đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan trong tình huống hiện nay”, Ông Lê Phụng Hào – Chủ tịch Global AAA Consulting chia sẻ.
Sự bị động của DN ảnh hướng lớn đến nguồn lao động. Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mekong cho biết, tác động của thuế đối ứng được xem là rất lớn và nghiêm trọng, không chỉ về mặt kinh tế (có thể mất khoảng 6-7 tỷ GDP, tương đương 1.5% GDP nếu mức thuế là 46%) nhưng đặc biệt quan trọng là về mặt xã hội. Nguyên nhân là vì các DN có xuất khẩu cao sang Mỹ chủ yếu tập trung vào các ngành thâm dụng lao động lớn như: Dệt may, giày da, điện tử, chế biến gỗ…. Theo tính toán một cách tương đối dựa trên tỷ trọng giá trị xuất khẩu vào Mỹ (khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam), số lao động bị ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến khoảng 3 triệu lao động tại Việt Nam. “Điều này có nghĩa là khoảng 3 triệu hộ gia đình, chiếm trên 10% tổng số hộ gia đình Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về thu nhập”, ông Tùng nói.
Khó lòng dịch chuyển ngược
Như hầu hết các quốc gia phát triển khác, nền kinh tế Mỹ chủ yếu dựa vào dịch vụ. Dịch vụ kinh doanh, bất động sản, tài chính và chăm sóc sức khỏe, chiếm phần lớn (70%) GDP của Mỹ. Trong khi đó, các ngành sản xuất như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng có vai trò nhỏ hơn. Theo ông Phùng Đức Tùng, mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thực ra không phải là những mặt hàng mà Mỹ mong muốn sản xuất trong nước. Người Mỹ không muốn làm các công việc thâm dụng lao động như: Dệt may, giày da, đồ gỗ, hoặc lắp ráp thiết bị điện tử, trừ khi công nghệ và robot phát triển thay thế. Chi phí để tạo ra một việc làm trong các ngành này tại Mỹ là rất cao, ước tính khoảng 50.000 – 55.000 USD mỗi năm, trong khi thu nhập của công nhân Việt Nam trong cùng ngành chỉ khoảng 400 USD một tháng, tương đương 5.000 USD một năm. Chi phí đắt đỏ này là điều mà Mỹ không mong muốn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA cũng cho rằng, rất khó để xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất nội thất tại Mỹ dù đây là quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu khá lớn, do thiếu tương thích với công việc đòi hỏi độ khéo léo, linh hoạt cao. Mặc dù Mỹ có thể tập trung vào sản xuất nhờ đầu tư tự động hóa, nhưng không chắc chắn rằng họ sẽ làm hiệu quả so với việc gia công ở một quốc gia khác. Ông Phương nhận xét: “Với những mặt hàng đồ gỗ phụ thuộc vào quy trình gia công, Việt Nam vẫn còn khả năng cạnh tranh trong thời gian tới”.
Tuy nhiên việc Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, da giày, đồ nội thất…, trong khi Trung Quốc là đối tác cung ứng nguyên vật liệu rất lớn trong chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam là thực tế gây bất lợi. Để tránh rủi ro từ thực tế này, việc thiết lập lại chuỗi sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc và tăng cường minh bạch thông tin trên toàn chuỗi cung ứng là việc làm cần thiết. “Để giảm rủi ro và tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc”, ông Tùng nói.
Bên cạnh phát triển nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ nội địa, ông Tùng còn cho rằng, việc thu hút các DN sản xuất nguyên liệu đầu vào quốc tế sang Việt Nam cũng sẽ giúp nguồn gốc hàng hóa Việt Nam trở nên rõ ràng hơn. Đồng thời, đáp ứng quan ngại của Mỹ, mà còn giảm sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất.
Một yếu tố quan trọng khác là việc xác định vị trí của Việt nam trước các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như: Indonesia, Ấn Độ và Malaysia. Đây là những quốc gia mà các nhà đầu tư thường dịch chuyển đến trong bối cảnh “Trung Quốc + 1”. Hiện, đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Malaysia có mức nhân công cao hơn và Ấn Độ lại có mức nhân công thấp hơn Việt Nam. Việt Nam cần đảm bảo điều kiện cạnh tranh ngang bằng hoặc thấp hơn các đối thủ này để giữ chân và thu hút đầu tư. Ông Tùng khẳng định: “Việc đảm bảo năng lực cạnh tranh sẽ giúp giữ chân các DN đang đầu tư tại Việt Nam, ngăn họ dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước đối thủ cạnh tranh”.
An Nhiên