,

Bảo tàng: Hành trình từ văn hóa đến doanh số

Tựa như thực hiện một bộ phim để mang trải nghiệm đặc biệt của mình kể cho người tham quan, một thành phố, một ngành nghề hay thậm chí là một doanh nghiệp đều có thể tạo nên bảo tàng để có không gian kể những câu chuyện tuyệt vời cho mình và cho khách hàng của mình. Công nghiệp nội thất Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để làm được điều này.

 

Một nghiên cứu công bố tại Pháp cho biết Bảo tàng Louvre lừng danh đem lại doanh thu từ 600 triệu đến hơn 1 tỷ euro mỗi năm. Theo nghiên cứu của Trung tâm Kinh tế Sorbonne, sức hấp dẫn và danh tiếng của Louvre khiến hầu hết du khách nước ngoài đặt chân đến Paris đều dành thời gian để thăm các báu vật trưng bày tại đây và họ đã chi trả hơn 400 triệu euro tiền vé cho bảo tàng này mỗi năm. Đó là chưa kể khoản thu từ các hoạt động tổ chức nghệ thuật, tài trợ, kinh doanh vật phẩm lưu niệm.

Định nghĩa đã mở rộng

Louvre là một trong số rất nhiều bảo tàng minh chứng cho việc lưu trữ và trưng bày hiện vật hoàn toàn có thể mang lại lợi ích cho quốc gia, cho địa phương. Đó cũng là mô hình mà Các Tiểu Vương quốc Ả Rập ứng dụng để đầu tư, thu hút khách tham quan đến với khu vực này. Louvre Abu Dhabi hay Bảo tàng Tương lai, công trình 7 tầng cao 77 mét, có hình dạng như một quả trứng bạc khổng lồ với một lỗ ở trung tâm, được miêu tả là “tòa nhà đẹp nhất thế giới”, nằm gần tòa tháp biểu tượng Burj Khalifa đều đang thu hút rất nhiều khách tham quan. “Chúng ta vẫn quen nghĩ bảo tàng là nơi để cất giữ các hiện vật cổ xưa. Thực tế này còn đúng hay không? Có những vấn đề của bảo tàng mà bản thân là một kiến trúc sư, tôi vẫn chưa hiểu hết”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation thú nhận.

Theo ông Khanh, trong bối cảnh hiện đại, định nghĩa về bảo tàng đã mở rộng hơn rất nhiều. Có thể hiểu bảo tàng là nơi mang trải nghiệm cho người đến thăm và một bảo tàng thì thể hiện mong muốn, câu chuyện của người vận hành nó. Khi đời sống kinh tế Việt Nam càng phát triển, bảo tàng cũng sẽ phát triển nhiều hơn. Đây là nhu cầu chính đáng và nhu cầu ấy sẽ đóng góp trải nghiệm cho ngành du lịch.

Đồng quan điểm, bà Delphine De Canecaude, CEO Museum Studio, thương hiệu vận hành và thiết kế, tư vấn các bảo tàng trên toàn cầu cũng cho rằng tựa như thực hiện một bộ phim để mang trải nghiệm đặc biệt của mình kể cho người tham quan, một thành phố, một ngành nghề hay thậm chí là một doanh nghiệp (DN) đều có thể tạo nên bảo tàng để có không gian kể những câu chuyện tuyệt vời cho mình, cho khách hàng của mình.

Động lực phía sau bảo tàng

Theo bà Delphine De Canecaude, nếu như năm 1976, thế giới chỉ có 22.000 bảo tàng thì hiện nay toàn cầu đã có hơn 95.000 bảo tàng trên tất cả các châu lục. Dù có rất nhiều định nghĩa tập trung vào giá trị di sản nhưng thực tế, bảo tàng không chỉ là một tòa nhà đơn thuần trưng bày hiện vật mà có trong đó văn hóa, khoa học, lịch sử, đời sống đại chúng, nhân chủng học, công nghệ… Tất cả những điều định hình xã hội loài người, không gian quá khứ đã qua và định hình xã hội sẽ đi đến đâu, đều có thể đưa vào bảo tàng. Đơn cử Bảo tàng Khoa học ở Singapore, tạo không gian cho sinh viên tham gia học tập, tương tác… “Bảo tàng có năng lượng, có sức sống và có thể tạo nên những trải nghiệm khác nhau. Động lực phía sau bảo tàng có tầm quan trọng rất lớn, giúp con người ghi nhớ về sự hiện diện của mình trên trái đất này. Do vậy giá trị bảo tàng đa dạng, có đóng góp cho quốc gia, cho ngành nghề, cho một tập thể….”, bà Delphine De Canecaude khẳng định.

Không gian bảo tàng cho con người bước vào một thế giới khác, tưởng tượng về một thế giới khác nên bảo tàng hiện đại ngày nay cần có giá trị đổi mới, tạo cảm hứng cho người tham quan. Thực tế, việc tham quan và “nghe” bảo tàng kể chuyện cuộc đời hoàn toàn có thể tạo nên những thay đổi tích cực, có tác động tới thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Museum Studio, nguồn thu trong lĩnh vực này khá hấp dẫn. Bảo tàng Bilbao Tây Ban Nha là một ví dụ trong việc lấy bảo tàng làm nền phát triển kinh tế, du lịch cho quốc gia.

Từ khi ra đời, Bilbao đã có thể khôi phục lại đời sống của một vùng đất chỉ bằng 1 bảo tàng trị giá 1 triệu USD, thu hút hàng triệu du khách, thu được 450 triệu USD/năm cho thành phố. Từ không gian bảo tàng, có thể mở cơ hội cho xuất bản, bán lẻ, sản xuất… “Tất nhiên, thành công của một bảo tàng là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố như thương hiệu, đội ngũ điều hành, chính sách của Chính phủ… Quá trình xây dựng bảo tàng nhiều thách thức. Cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc, dài hơi, phải biết mình muốn kể câu chuyện gì và theo đuổi mục tiêu đó”, bà nói thêm.

Câu chuyện nào cho Việt Nam?

Trải nghiệm các vùng đất dọc theo hình chữ S, bà Delphine De Canecaude cho rằng sự phát triển của đời sống văn hóa, làng nghề Việt Nam qua hàng thế kỷ vẫn rực rỡ sắc màu, cực kỳ hấp dẫn người nước ngoài dù khá bình thường trong mắt dân bản địa.

Không dừng lại ở đó, theo nhà sưu tập Vincent Larnico còn rất nhiều điều hấp dẫn khác như ẩm thực, xe máy… mà người Việt có thể kể cho thế giới. Tương tự, với ngành thủ công mỹ nghệ hay công nghiệp nội thất, Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư bảo tàng để làm điểm tựa, kể câu chuyện, thông điệp phát triển và khát vọng của mình cho khách hàng thế giới.

Như một dự án kinh doanh, bảo tàng cũng cần chiến lược kinh doanh đảm bảo nguồn thu để có thể duy trì và phát triển nó. Do vậy, xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch tài chính, dòng tiền, kể cả việc gây quỹ cho dự án là điều cần thiết. “Vấn đề cốt lõi là cần có một nhóm tư vấn, tập hợp được các chuyên gia và quan trọng hơn là những người tâm huyết “đỡ đầu” cho dự án”, ông nói.

Nguyên Hà

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác