Ưu tiên các nguồn tài nguyên tái tạo là một khái niệm kinh tế tuần hoàn quan trọng.
- Tòa nhà Boola Katatjin ở Australia
Tòa nhà Boola Katatjin của Đại học Murdoch đã đạt giải thưởng “Dự án của năm” của Engineers Australia. Tòa nhà dài 180m bao gồm 1.800 khối gỗ có chiều dài khác nhau nặng 2.143 tấn, đã được hoàn thiện vào tháng 3/2023, được thiết kế bởi Lyons và các cộng sự.
Các thành viên của nhóm dự án đã sử dụng công nghệ robot đầu tiên trên thế giới để cố định 100 vít bằng gỗ, trong số 300.000 vít được cố định vào tòa nhà, được ghi nhận là thành tựu xuất sắc nhất trong lĩnh vực kỹ thuật và làm nổi bật vai trò quan trọng của các kỹ sư trong cuộc sống hàng ngày.
Dự án được xếp hạng 6 sao về Thiết kế và Xây dựng Ngôi sao Xanh, theo Hội đồng Công trình Xanh của Úc, thể hiện sự dẫn đầu về tính bền vững trên quy mô quốc tế, thúc đẩy các phương pháp tiếp cận bền vững, tái tạo và tuần hoàn mà ngành xây dựng yêu cầu để hỗ trợ các nền kinh tế đạt được mục tiêu không có carbon.
- Nhà hát Opera Sydney (Sydney Opera House Concert Hall)
Việc trùng tu nhà hát Opera Sydney bằng gỗ tái chế và tái sử dụng hoàn toàn được xem là “một thập kỷ đổi mới”, một dự án được người Úc yêu thích trong nhiều thế hệ mai sau, là “trái tim đang đập của nhà hát lớn”.
Kiến trúc sư chính của ARM Architecture, Andrew Hayne cho biết: “Trong tất cả các công trình từng đoạt giải thưởng, việc thiết kế và định hình lại Nhà hát Opera Sydney mang tính biểu tượng, một dự án kéo dài 7 năm, là một dự án nổi bật và sẽ khó đạt đến đỉnh cao một lần nữa”.
Công trình đã giành được giải thưởng cao nhất về Thiết kế Gỗ được tổ chức tại Melbourne và ba giải thưởng kiến trúc của NSW bao gồm Huy chương Kiến trúc năm 2023, Giải thưởng Greenway cho di sản và Giải thưởng John Verge cho kiến trúc nội thất.
ARM đã sử dụng cây thường xanh và bạch dương trắng trong việc phục chế. Các công nghệ xử lý gỗ hiện đại đã được áp dụng vào trần nhà hiện có để nâng cao hiệu quả của âm thanh. Các tấm bảng mới khuếch tán năng lượng âm thanh, ngăn phản xạ trực tiếp và tạo ra sự hòa quyện cũng như cảm giác bao trùm trong âm nhạc.
- Trường Xanh (Green School)
Green School là ngôi trường đầu tiên giành được trao Giải thưởng Tối cao của Giải thưởng Thiết kế Gỗ New Zealand. Green School lấy cảm hứng từ Bali được thiết kế bởi Công ty Boon tại New Zealand, biến một trang trại thành một ngôi trường hoàn toàn hình tròn không có tường, và sử dụng tinh thần thiết kế thách thức quan điểm “con người sống trong những chiếc hộp”.
Kiến trúc sư đã đưa các đường cong vào thiết kế, cho phép có nhiều không gian riêng biệt để giảng dạy, các tòa nhà có hiệu suất cao hơn và ít lãng phí hơn, đảm bảo phản ánh đúng các giá trị môi trường mà trường học đang lấy làm kim chỉ nam.
Green School còn thể hiện vẻ đẹp, hiệu quả và tính bền vững của gỗ. Các vật liệu trong toàn bộ vòng đời đã được xem xét từ quá trình thiết kế đến thực hiện cho đến khi hết thời gian sử dụng, đảm bảo rằng gỗ có nguồn gốc và được sản xuất bền vững nhất có thể.
- Khu phức hợp Đền Mới (New Temple Complex)
Tám tòa nhà và ba dự án nội thất đã giành được giải thưởng chiến thắng trong các hạng mục tương ứng của Giải thưởng Gỗ năm nay – giải thưởng vinh danh sự xuất sắc và đổi mới trong kiến trúc và thiết kế gỗ của Vương quốc Anh, trong đó có khu phức hợp Đền Mới ở Hampshire.
Với việc tôn vinh vật chất tự nhiên gắn liền với lịch sử địa phương, khu phức hợp Đền Mới là một tòa nhà hướng tới tương lai với đặc điểm là sự đơn giản yên bình.
Được ủy quyền bởi The White Eagle Lodge, một tổ chức tâm linh đa tín ngưỡng, tòa nhà mới này bao gồm một ngôi đền, thư viện, nhà nguyện, hội trường cộng đồng, tiền sảnh công cộng và nhà bếp, nằm trong khuôn viên mới có cảnh quan.
Một loạt các gian có khung gỗ trực giao, được kết nối bằng lối đi có mái che và hướng ra sân vườn trung tâm, được thiết kế với tính bền vững lâu dài. Tòa nhà sử dụng khung hoàn toàn bằng gỗ, mặt tường bằng gạch đất sét được lót bằng lớp tro cùng gỗ bạch dương. Thiết kế không gian là một thành công trong việc thể hiện sự chiêm nghiệm kết nối với cảnh quan.
- Tòa nhà Đen Trắng (The Black and White Building)
Tọa lạc tại Shoreditch, London, khối văn phòng xây dựng nhiều tầng cao 17,8 mét này được thiết kế bởi Công ty kỹ thuật Eckersley O’Callaghan. Đây là cấu trúc văn phòng bằng gỗ khối cao nhất ở trung tâm Luân Đôn và đã mang về Giải thưởng Gỗ năm 2023 về sự bền vững.
Tòa nhà bao gồm một cấu trúc bê tông cốt thép (dưới mặt đất) bên dưới cấu trúc thượng tầng bằng gỗ. Phần sau bao gồm các cầu thang và đặc biệt nhất là phần lõi, cho phép các nhà thiết kế đạt được hiệu quả giảm lượng carbon tiêu thụ. Hầu hết các tòa nhà bằng gỗ khổng lồ đều có lõi bê tông, làm tăng lượng carbon tiêu thụ, do đó làm mất đi mục đích sử dụng gỗ ngay từ đầu.
Sáng tạo mang tính bước ngoặt này đã đặt ra tiêu chuẩn mới, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu bền vững, tính tuần hoàn với không gian làm việc rộng mở.
Phạm Hồng Thủy tổng hợp