Cơ hội với doanh nghiệp (DN) nội thất có cơ sở sản xuất tại Mỹ rất lớn, nhưng họ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng lại sự hiện diện trong nước.
Trung Quốc đã hưởng lợi từ dòng vốn khổng lồ đổ vào nước này từ năm 1991 (năm họ gia nhập WTO) cho đến năm 2019 (trước đại dịch), mà các nhà kinh tế gọi là đầu tư nước ngoài ròng.
Tăng không gian, thêm máy móc
Trong hơn 20 năm, Trung Quốc đã xây dựng/thu mua nhiều nhà máy và vốn/thiết bị sản xuất đến mức kinh ngạc. Nhờ mạnh dạn đầu tư, quốc gia này trở thành nhà cung ứng nội thất lớn nhất thế giới. Và, gần như làm chủ chuỗi cung ứng nội thất trên toàn cầu. Nhiều năm liền, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu đồ nội thất nhiều nhất cho người dân Mỹ.
Mỹ không cần phải theo kịp khoản đầu tư kéo dài suốt hai thập niên của Trung Quốc, nhưng sẽ dễ dàng cần đến vài tỷ USD để thu hẹp khoảng cách một cách đáng kể. Như vậy, trước hết và quan trọng nhất trong tiến trình hồi hương của hoạt động sản xuất nội thất trở lại Mỹ nhiều hơn sẽ đòi hỏi đầu tư vốn đáng kể.
Gat Creek sản xuất đồ nội thất bằng gỗ nguyên khối cao cấp tại nhà máy rộng 140.000 foot vuông ở vùng Appalachia, West Virginia. Gần đây, công ty đã hoàn thành một đợt mở rộng với tổng chi phí 10 triệu USD, bao gồm tăng 40% không gian sản xuất và đầu tư nhiều máy móc tốt hơn. Công ty sử dụng khoảng 215 nhân viên và có doanh thu hằng năm khoảng 30 triệu USD.
Tôi định vị ngay từ đầu Gat Creek sẽ là thương hiệu đồ nội thất “do Mỹ sản xuất”. Khi tôi mua công ty này cách đây 30 năm và quyết tâm sản xuất 100% tại Mỹ, những người trong ngành nhìn tôi như thể tôi bị điên vì rõ ràng, gia công tại Trung Quốc hay các quốc gia khác đều có thể mang lại lợi nhuận tối ưu hơn so với giá nhân công ở Mỹ. Thế nhưng, ngày nay, mọi người đã tái khám phá được sự trân trọng đối với ngành sản xuất của Mỹ cùng những gì khiến chúng tôi trở nên khác biệt và có giá trị tốt hơn.
Am hiểu người dùng
Lợi thế đầu tiên là các nhà sản xuất nội thất trong nước hiểu biết về thị trường bản địa. Sau đó, là tốc độ đưa các loại hàng hóa lâu bền ra thị trường, tính bền vững và lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tính trách nhiệm. Bởi khi DN sống và làm việc ở cùng một nơi, họ phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Nghĩa là, DN phải chịu trách nhiệm làm những gì đúng đắn cho môi trường, cho người tiêu dùng cho nhân viên…
Những trách nhiệm này, nếu đặt lên bàn cân so với các đối thủ nhập khẩu, các nhà sản xuất nội thất tại Mỹ sẽ gặp khó khăn ở chi phí bảo hiểm y tế cao, phải chịu những quy định chặt chẽ hơn về an toàn và môi trường, đồng thời chi phí vật liệu cũng cao hơn.
Hiện chi phí lao động đang giảm dần nhưng vẫn còn khá cao. Về vật liệu, thép ở Mỹ đắt hơn đáng kể so với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chi phí gỗ xẻ khá cạnh tranh vì hoạt động đốn gỗ được tiến hành hợp pháp, nhưng nhiều nguyên vật liệu liên quan khác lại không có được lợi thế này. Do vậy, cách thức mà các DN sản xuất nội thất tại Mỹ sẽ là tránh hàng nội thất trung cấp. Nguyên nhân là vì phân khúc trung bình vốn chiếm một phần rộng lớn của thị trường vốn là thế mạnh của các đơn vị gia công sản xuất hàng loạt. Thay vào đó, các nhà máy sản xuất nội thất tại Mỹ sẽ hướng về phân khúc cao cấp và phân khúc thấp.
Phân khúc cao cấp có một số ngành hàng ngách, đặc thù lợi thế cạnh tranh của DN sở tại. DN nội thất Mỹ sẽ có lợi thế ở phân khúc này. Đồng thời, với quy mô, mức độ tự động hóa cao và sự thông minh trong thiết kế, tổ chức sản xuất, một số nhà sản xuất trong nước đang cạnh tranh khá hiệu quả ở phân khúc hàng thấp cấp.
Việc áp thuế lên các thị trường cung ứng nội thất cho Mỹ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump đã khiến chuỗi cung ứng dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận. Với những quyết sách đầu tiên trong lần tái đắc cử lần này, thật khó để đoán định được chuỗi cung ứng sẽ có những thay đổi nào tiếp theo. Nhưng chắc chắn rằng, xu hướng hồi hương, đưa nhà máy và việc làm trong ngành nội thất trở về lại Mỹ là hoàn toàn khả thi.
Gat Caperton – Chủ tịch Công ty nội thất Gat Creek, Mỹ
D.A (theo Furniture Today)