Trước áp lực về nguồn nguyên liệu có chứng chỉ FSC, ông Nguyễn Chiến Thắng – Tổng giám đốc Công ty Scansia Pacific đã chủ động tìm đến các hộ trồng rừng ở miền Trung để đặt vấn đề liên kết. Câu chuyện của ông là điển hình thành công và hiệu quả từ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và hộ trồng rừng.
Năm 2005, tôi có dịp đến thăm một nhà máy chế biến gỗ tại Thượng Hải. Đây là một nhà máy lớn, mỗi ngày sản xuất đến 60 container hàng hóa. Lúc đi ngang một kho chứa gỗ nguyên liệu, tôi nhìn vào và ước đoán khoảng 2.000m3. Tôi thắc mắc vì sao lượng hàng làm ra lớn mà dự trữ gỗ lại quá ít. Trong khi công ty tôi thời điểm đó mỗi tháng làm khoảng 100 container thì phải trữ đến 6.000 – 7.000m3 gỗ mới đủ. Hiểu được thắc mắc đó, đại diện nhà máy này nói rằng 2.000m3 đó chỉ là… dự phòng tình huống khẩn cấp chứ không dùng để sản xuất trực tiếp. Nguồn gỗ nguyên liệu được họ kết nối với các nhà cung cấp, xe chở đến là đưa thẳng vào sản xuất. Quay lại với trường hợp của mình, để trữ một lượng lớn gỗ như vậy, tôi phải đầu tư nhà xưởng, nhân công kho bãi, xử lý mối mọt, vay lãi ngân hàng… Khoản chi phí bỏ ra là không nhỏ. Câu chuyện đó đã cho tôi một ý tưởng: tại sao không tạo một liên kết nhà sản xuất với nhà cung ứng nguyên liệu? Trong liên kết này, nhà sản xuất sẽ giảm đáng kể chi phí, nhà cung ứng mở rộng được thị trường. Thậm chí, tôi đã hình dung ra một mô hình kêu gọi các nhà sản xuất chung tay bỏ vốn lập một công ty cung ứng nguyên liệu gỗ. Rất tiếc, ý tưởng đó đến nay vẫn không làm được.
Cơ hội đến với chúng tôi khi bắt tay hợp tác với IKEA, một tập đoàn quốc tế lớn của Thụy Điển, chuyên thiết kế đồ nội thất bán lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà, là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, luôn đảm bảo về lượng hàng lớn, thị trường ổn định. Cơ hội lớn song áp lực cũng không nhỏ khi IKEA đòi hỏi gỗ nguyên liệu phải từ rừng trồng có chứng chỉ FSC. Mà thời điểm đó tại Việt Nam rất ít diện tích rừng trồng có chứng chỉ này. Ngay cả các nhà cung ứng lớn cũng bị hạn chế.
Cái hay của người Việt mình là khi bị dồn đến chân tường rất giỏi tìm được hướng thoát. Để giải tỏa áp lực đó, chúng tôi chọn cách hợp tác với các hộ dân trồng rừng, trong khi các công ty lâm nghiệp lại thiên về “thuận mua vừa bán” do lệ thuộc về nhiều thứ, khó mà tạo liên kết bền vững.Với các hộ dân, thuận lợi là họ làm chủ rừng, hoàn toàn tự quyết về sản phẩm của mình song cái khó là manh mún, có những hộ chỉ có 0,5 – 2ha rừng. Chúng tôi tìm đến các chủ rừng tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Sau khi mời họ đến gặp gỡ để trình bày thỏa thuận hợp tác, lợi ích của việc làm theo tiêu chuẩn FSC, giá cả, bao tiêu, hỗ trợ tài chính…, vị đại diện các chủ rừng nghe xong nói thẳng thắn: “Chúng tôi không quan tâm đến hứa hẹn. Ai mua giá cao chúng tôi bán”.
Tình huống này đặt ra khả năng khó hợp tác lâu dài. Tức là khi đã xuất hiện việc trả giá, tất yếu sẽ dẫn đến xé lẻ, phá giá… Chúng tôi cũng thẳng thắn lại: “Trong kinh doanh, bán giá cao không phải là vấn đề, vấn đề là phải có lãi. Muốn có lãi tất nhiên phải có những điều kiện ràng buộc. Muốn vậy phải có sự liên kết. Nếu các anh đồng ý, chúng tôi sẽ hỗ trợ bao tiêu, kinh nghiệm chăm sóc và quản lý rừng, lựa chọn con giống… Trên một diện tích cũ, thu nhập sẽ cao hơn và ổn định. Những hộ trợ kèm theo: vay vốn thấp hơn lãi suất ngân hàng và chỉ thu lại khi bán gỗ”. Vị đại diện lúc nãy bắt tay: “Chúng tôi sẽ làm ăn với anh”.
Câu chuyện đó cho tôi thấy rằng người nông dân luôn cảm nhận được đâu là cơ hội làm ăn tạo cho họ sự yên tâm và ổn định, đảm bảo hiệu quả. Kết quả là sau một năm, tại Thừa Thiên – Huế chúng tôi đã có được 1.000ha rừng có chứng chỉ FSC để liên kết. Tại Quảng Trị, 564 hộ trồng rừng đã nhận được hỗ trợ để trồng rừng có chứng chỉ FSC, Scansia Pacific thỏa thuận bao tiêu gỗ nguyên liệu và một phần chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC cho 1.392ha rừng trồng (100% keo). Các hộ trồng keo có tuổi từ năm thứ 6 trở lên được vay tối đa 4 triệu đồng/ha/năm, lãi suất thấp hơn ngân hàng 0,2%.
Trong sự kết nối này, vai trò của địa phương, các sở ngành là vô cùng quan trọng, tiếng nói của họ sẽ tác động lớn đến sự hình thành liên kết nhà sản xuất – chủ rừng. Trong chuyến tham quan một nhà máy ở Cà Mau do chúng tôi tổ chức cho các đại diện chi hội chủ rừng ở miền Trung, họ đã thẳng thắn nói rằng thời gian qua rất nhiều lái gỗ đã tìm đến mua với giá cao hơn giá thỏa thuận liên kết với chúng tôi đến 20% nhưng họ không bán vì giữ lời hứa với Scansia Pacific. Cái bắt tay hợp tác đó, là sự tìm đến của lòng tin từ hai phía tạo cho nhau và san sẻ quyền lợi chung vì mục tiêu chung.
Thật ra mô hình liên kết nhà sản xuất – nông dân không mới. Cái khó nhất là làm sao tạo được niềm tin từ cả hai bên. Trong chuỗi liên kết này, vai trò quan trọng không chỉ là người dân mà trách nhiệm ở phía doanh nghiệp phải đảm bảo làm sao cho họ luôn có lãi dù trong điều kiện phát sinh khó khăn ngoài dự kiến, cho vay lãi suất thấp để kéo dài chu kỳ trồng cây, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn. Để giảm chi phí vận chuyển, chúng tôi đầu tư các xưởng sơ chế ngay tại địa phương, hỗ trợ kỹ thuật sấy… Đôi bên cùng có lợi. Các chi hội trưởng trồng rừng cho biết ngày càng nhiều nông dân tìm đến xin được gia nhập. Mục tiêu là sẽ có 5.000ha rừng đạt FSC tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị là 3.000ha. Đến ngày hôm nay, Scansia Pacific cảm thấy việc liên kết này là hứa hẹn bền vững.