Có quá nhiều niềm mong đợi khi một quyết sách lớn vừa được ban hành: “Phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”.
Như vậy, sau “Nuôi biển” giờ đến “Nuôi rừng”. Đây không chỉ là một quyết sách lớn, mà còn là một hành trình đầy cảm hứng, hướng tới tương lai bền vững cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Trước khi khởi đầu một hành trình mới, chưa nên bàn sâu vào cơ chế chính sách, mà hãy bắt đầu từ những câu hỏi trăn trở bấy lâu: Mục tiêu là gì? Giá trị mang lại như thế nào? Đi đến mục tiêu đó bằng cách nào? Những ai sẽ cùng tham gia hành trình? Đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn? Đường rừng đâu trải toàn hoa thơm!
Hành tinh của chúng ta, mẹ thiên nhiên đại ngàn, vốn dĩ đa giá trị nhờ vào sự đa dạng, đa tầng, đa tán do tạo hóa ban tặng cho con người hàng triệu triệu năm.
Rừng – Một hệ sinh thái phong phú về chủng loài, muông thú muôn loài, kỳ hoa dị thảo, sông suối, bàu đầm và ao hồ. Một hệ sinh thái với cấu trúc bền chặt, kết dính vào nhau để tồn tại qua những cơn bão giông và những hình thái thiên tai khác.
Một hệ sinh thái tồn tại, gắn kết những cộng đồng bà con dân tộc sinh sống từ ngàn đời, hình thành văn hóa rừng, tâm linh rừng, tín ngưỡng rừng, tập tục rừng. Một hệ sinh thái trầm tích, ghi đậm dấu ấn lịch sử dân tộc tạo thành một dãy dải non sông gấm vóc. Hồn đại ngàn hòa quyện hồn lịch sử dân tộc!
Hệ sinh thái rừng thì đa tầng, nhưng con người thường chỉ quen nhìn riêng rẽ từng tầng và chỉ mới khai thác giá trị từng tầng riêng lẻ. Một khi khai thác giá trị từng tầng riêng rẽ thì sẽ không tránh khỏi xung đột lợi ích, thậm chí tranh giành để được hưởng lợi nhiều nhất có thể.
Có người chỉ nhìn giá trị rừng là khai thác những loài cây lấy gỗ. Có người nhìn giá trị rừng là lâm sản ngoài gỗ với các loài thảo mộc, dược liệu. Có người nhìn giá trị sinh cảnh rừng với nguồn thu từ du lịch sinh thái và dịch vụ môi trường. Có người nhìn giá trị rừng là khả năng hấp thụ khí nhà kính với nguồn thu từ tín chỉ carbon. Khi chúng ta nhìn vào một thứ, vô hình trung, chúng ta sẽ bỏ qua nhiều thứ khác đôi khi giá trị còn cao hơn nhiều lần.
Hệ sinh thái rừng đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng do cách quản lý sử dụng và khai thác đơn tầng, đơn giá trị. Giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng không phải là con số cộng từ từng tầng giá trị riêng rẽ mà là cấp số nhân nếu nhìn rừng như một cấu trúc tổng thể, hài hòa và đa tầng. Lợi ích của tầng này lại tạo ra giá trị tương hỗ cho tầng khác.
Có một câu nói hay: “Những gì chúng ta đang làm với các khu rừng chỉ là một tấm gương phản chiếu những gì chúng ta đang làm cho chính mình và cho nhau”. Đây chính là lúc chúng ta cùng nhau phát huy giá trị đa dụng của rừng và truyền cảm hứng cho nhau về cách tiếp cận, cách làm sáng tạo để khai thác những giá trị đó.
Giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng cần được nhìn dưới góc độ kinh tế đa tầng. Mỗi tầng có những con người kinh tế tối ưu hóa giá trị. Tuy nhiên, trong thực tế luôn tồn tại “3 trong 1” trong mỗi con người: “con người kinh tế” biết tối đa hóa lợi nhuận, “con người môi trường” với tình yêu thiên nhiên, “con người xã hội” với tình yêu cộng đồng.
Đôi khi do chỉ nhìn giá trị ngắn hạn, con người có xu hướng chỉ tìm kiếm lợi ích kinh tế mà xem nhẹ lợi ích môi trường và xã hội. Làm sao để khơi gợi, phát huy bản năng gốc, tổng hòa các tiềm năng của con người “3 trong 1” sẽ là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công ở mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp và sẽ cùng nhau kiến tạo phúc lợi rừng cho toàn xã hội.
Ngày nay, thương hiệu doanh nghiệp ngoài chất lượng sản phẩm, dịch vụ, còn được đo lường bằng nền tảng văn hóa, trách nhiệm môi trường và xã hội. Những trách nhiệm đó sẽ trở thành lợi thế trong cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của đối tác, khách hàng. Những trách nhiệm đó còn là cơ sở đánh giá đạo đức kinh doanh của một doanh nghiệp.
Đạo đức nói cho đơn giản là sự tử tế: tử tế với thiên nhiên, tử tế với con người và tử tế với chính mình. Tử tế với thiên nhiên là không làm tổn thương môi trường, biết chăm sóc, vun trồng, nuôi dưỡng cho rừng.
Tử tế với con người trước hết cùng nhau chăm lo cho đồng nghiệp và cộng đồng những người ngày đêm hy sinh thầm lặng tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí tính mạng để bảo vệ từng mầm sống trong đại ngàn.
Tử tế với chính mình là luôn có tinh thần yêu đời, lạc quan ngay cả lúc đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất.
Kiến tạo không gian giá trị đa dụng, ngoài tạo ra những nguồn lực mới từ hệ sinh thái rừng còn hướng đến mục tiêu tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho các ban quản lý, lực lượng kiểm lâm và cải thiện sinh kế cộng đồng tham gia bảo vệ rừng.
Việc làm và sinh kế không chỉ là lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn giải pháp quan trọng cho việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng. Không gian giá trị đa dụng tạo thêm nguồn lực cho nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, lâm sinh và bảo tồn đa dạng sinh học.
Như một giá trị cộng hưởng, những sản phẩm nghiên cứu khoa học sẽ làm tăng giá trị đa dụng từ hệ sinh thái rừng. Những nghiên cứu về hệ sinh thái, quần xã sinh vật, nguồn gen, trong đó có hệ thực vật bản địa, các loài nấm và thảo dược, cây gia vị,… sẽ cộng hưởng tạo thành các giá trị mới từ hệ sinh thái rừng.
Con đường để đi đến mục tiêu của một quyết sách lớn sẽ không bao giờ bằng phẳng, dễ dàng và có ngay những giải pháp hữu hiệu, đòi hỏi phải sự kiên trì và nỗ lực không ngừng.
Sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra: Nguồn lực ở đâu? Cơ chế chính sách có phù hợp không? Tuy nhiên, có một giải pháp đầu tiên là thực hiện phương châm: “Hãy nghĩ cho người khác”. Nghĩ cho người khác là một triết lý nhân văn tạo nên thành công trên hành trình dài đi đến mục tiêu phát triển bền vững. Đảm bảo hài hòa lợi ích: lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường, lợi ích xã hội.
Hãy lắng nghe, cảm nhận, thấu hiểu và học những bài học từ đại ngàn: cây cối, hoa lá, muông thú bao đời nay vẫn chung sống hài hòa với nhau, che đỡ nhau, cùng nhau tồn tại qua bão giông. Đó chính là bài học quý giá về sự hợp tác và cân bằng mà thiên nhiên đã dạy chúng ta.
Như lời của bài thơ Lời cầu nguyện của rừng “Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm, rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong!”, hệ sinh thái rừng chỉ bền vững khi con người biết cân bằng giữa khai thác và nuôi dưỡng rừng.
Rừng là nguồn nước, nước là khởi nguồn của sự sống. Rừng có khỏe thì con người mới khỏe. Rừng có khỏe thì sẽ mang lại đa giá trị theo cấp số nhân. Vậy chúng ta hãy bắt đầu hành trình làm cho rừng giàu hơn như lời ông cha để lại. Hành trình đó trước hết là thống nhất trong nhận thức về khái niệm “đa giá trị”, về ý nghĩa của “phúc lợi rừng”. Hãy cùng nhau “chữa lành” cho rừng, đó cũng như là liệu pháp “chữa lành” cho chính mình!
Đây là hành trình đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội và niềm hứng khởi. Đây không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân hay tổ chức, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi hành động nhỏ trong việc “Nuôi rừng” đều đóng góp phần quan trọng trong hành trình này và là một bước tiến vững chắc về phía trước, vì một tương lai bền vững và hạnh phúc cho thế hệ mai sau.
Trong quyển sách Sống như một cái cây có một đúc kết: “Giống như những cái cây, ta học được cách khởi đầu thật khiêm tốn, kiên nhẫn chờ đợi, lên kế hoạch và chiêm nghiệm để tìm ra hướng đi cho chính mình”. Hướng đi mới đã có, đó là phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Giờ là lúc chúng ta cùng nhau đi trên con đường đó và cùng hành động để tạo ra những di sản dưới tán rừng.