R&D là mục tiêu quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp hay ngành kinh tế nào cũng hướng tới. Nhưng nếu không xây dựng được chiến lược hiệu quả cho hành trình này, mục tiêu ấy không chỉ có khả năng trở thành thách thức.
`
Đưa R&D vào doanh nghiệp
Với không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam, R&D vẫn là khái niệm mang tính vĩ mô, xa lạ và chưa thực sự cần thiết trong bối cảnh vẫn phải chạy đơn hàng, vẫn quay cuồng với bài toán nguyên liệu, nhân công, giá thành… Thực chất, R&D rất đơn giản. Nói bằng ngôn ngữ bình dân, ngoài việc tất bật với những sự vụ thường ngày, dù làm ăn trong bất cứ lĩnh vực nào, DN cũng cần phải có một bộ phận tập trung vào việc suy nghĩ làm thế nào để sản phẩm, dịch vụ của mình ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay và quan sát xem các đối thủ cạnh tranh có gì hay hơn mình.
Một chủ quán phở, sau khi hoàn thiện các món trong thực đơn, đã có thực khách mỗi ngày, ông ấy vẫn cần biết thêm có chỗ nào cung cấp nguyên liệu tươi ngon hơn, có quán nào thực đơn giống mình đang thu hút khách đông hơn, có cách nào làm cho nước soup của món mình nấu thơm ngon, hấp dẫn hơn… Tương tự, một DN sản xuất đồ nội thất xuất khẩu, bên cạnh vận hành sản xuất mỗi ngày vẫn phải cần biết người tiêu dùng ở quốc gia nhập khẩu hàng của mình đang chuộng sản phẩm nào, xu hướng kết hợp các vật liệu ra sao, màu sắc thịnh hành năm nay, nguyên vật liệu, phụ kiện nào mới có thể đưa vào thử nghiệm hay không, ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng, hành vi mua bán hàng có gì mới? tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường,…
Những DN tư duy, trăn trở về những điều này, nghĩa là họ đang rất tâm huyết với câu chuyện kinh doanh. Chắc chắn, họ sẽ kinh doanh rất tốt. Tất cả những câu hỏi đó đều cần có một đội ngũ, hoặc cá nhân khởi xướng để tìm câu trả lời. Đó là bộ phận R&D.
Với các DN quốc tế, R&D là bộ phận với khoản đầu tư tất yếu phải có để đảm bảo cho việc kinh doanh luôn trơn tru, luôn cải tiến và luôn tăng trưởng. Những công ty thành công nhất thế giới như Apple, Samsung với công nghệ là yếu tố cạnh tranh cốt lõi, đều ưu tiên R&D. Giai đoạn đầu họ đầu tư vào R&D chiếm 20%-30%, và khi đã phát triển mạnh thì ngân sách khoảng 10%. DN sản xuất đồ nội thất Việt Nam chủ yếu gia công theo mẫu có cần thiết phải đầu tư R&D? Câu trả lời là có.
Hoạt động trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm gắn liền với đời sống như thời trang, thị hiếu tiêu dùng nội thất thay đổi không ngừng. R&D là ngôn ngữ để DN gia công có thể giao tiếp được với các nhà đặt hàng lớn trên thế giới, nơi mà chắc chắn đã có bộ phận R&D để biết thị trường đang cần gì. Chỉ cần học cách làm mới, hoặc từ quan sát cách người ta đang làm, áp dụng và cải tiến cái mình đang làm, R&D sẽ giúp cho công việc gia công tốt hơn, hiệu quả hơn, giúp DN từng bước sở hữu các giá trị sáng tạo riêng. Những giá trị riêng này sẽ đưa DN thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Làm thế nào để xây dựng giá trị R&D?
Cần có con đường ngược để nỗ lực và tâm huyết cho hoạt động R&D có hiệu quả. Khác với quy trình thông thường, DN phải xác định mục tiêu cuối cùng. Từ đích đến mong muốn sẽ lần ngược lại xác định công cụ, cách thức phù hợp để có thể đạt được các giá trị mong muốn. Có thể nhìn nhận quá trình qua tam giác 3C (Customer, Competitor và Company), tức là sản phẩm, dịch vụ của DN phải luôn nâng cấp cải tiến so với đối thủ cạnh tranh, làm sao mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng.
DN phải đánh giá xác suất thành công và cần có những giả định cho những rủi ro dọc đường. Đồng thời, đưa ra giải pháp, cách thức giải quyết những rủi ro có thể phát sinh ấy. Tất nhiên, sẽ có những phát sinh ngoài dự liệu nhưng với cách làm này, DN sẽ chủ động được trên hành trình xây dựng R&D và đảm bảo không lạc lối. Với chiến lược làm nền tảng, việc xây dựng R&D mới thực sự có ý nghĩa. Bởi, tính năng cơ bản nhất của R&D chính là nghiên cứu để đạt được mục đích.
Nền kinh tế càng hòa nhập, độ mở càng cao, hoạt động R&D càng cần thiết. Chỉ có nghiên cứu, DN mới hiểu được người dùng cần gì, mình có gì, và có thể đáp ứng như thế nào để tốt hơn. Dưới thời VUCA đầy bất định như hiện nay, sự thay đổi chóng mặt của công nghệ càng thêm gia tốc nhịp đập của thị trường. Thách thức để tồn tại và để phát triển bền vững ngày càng lớn, những DN dẫn đầu không những nỗ lực hơn mà phải nỗ lực đầu tư một cách thông minh và nhạy bén. Muốn vậy, phải liên tục chủ động quan sát, học hỏi một cách có hệ thống, luôn tìm tòi, sáng tạo không chỉ trong sản xuất, thiết kế mà cả trong quản lý, quản trị DN, kinh doanh, hậu mãi…và đặc biệt phải nhìn ra thế giới bên ngoài họ giỏi hơn ta cái gì? Quá trình nghiên cứu và phát triển càng đòi hỏi không ngừng nghỉ. Nếu thiếu chiến lược, không biết R&D cho cái gì, DN sẽ hoang mang. Cho đến bây giờ, việc các tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, Vinamilk… đều đã lên tiếng về các khoản đầu tư cho R&D. Những con số được tăng dần theo từng năm. Chắc chắn, hoạt động này sẽ giúp tiến xa và nhanh hơn nữa nhờ vào thế mạnh nghiên cứu, khả năng tập hợp những nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước. R&D chính là con đường để DN Việt Nam bước ra thế giới.
Trần Sĩ Chương – Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển Doanh nghiệp