Giữ và phát triển tài nguyên lâu hơn, biến rác thải thành tài nguyên, thay đổi để không chỉ khôi phục các giá trị tự nhiên mà còn có kế hoạch khai thác hiệu quả… là những giá trị mà kinh tế toàn cầu đang hướng tới. Việt Nam đang nằm ở đâu trong xu hướng này?
Công xưởng mới của thế giới
Phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024), diễn ra sáng ngày 21/10 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, an toàn tiêu dùng, phát triển bền vững, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những xu hướng đang giữ vai trò chủ đạo. Trong vai trò là nhà cung ứng hàng hóa cho thị trường thế giới, bà Thắng đề nghị doanh nghiệp (DN) các ngành cần phải bám sát xu hướng này, chú ý đến các tiêu chuẩn xanh mới của toàn cầu để kịp thời đáp ứng.
Thông điệp của Thứ trưởng được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng có vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện Việt Nam đang chuyển mình trở thành công xưởng mới của thế giới với khả năng cung ứng hàng hóa đa dạng về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng cải thiện, được các nhà thu mua, phân phối đánh giá cao. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2024; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quốc gia sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD.
Năm 2024, dù phát triển kinh tế xã hội vẫn đối mặt với những thách thức tăng trưởng nhưng Việt Nam vẫn đang hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Theo bà Thắng, nhiệm vụ này không hề đơn giản nhưng thành quả mà nó mang lại sẽ rất to lớn.
Đồng quan điểm, ông Margaritis Schinas – Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho rằng, chuyển đổi xanh là áp lực có thể gây khó khăn cho DN nhưng người Việt Nam vốn có khả năng thích ứng rất tốt với những điều kiện mới, “cái khó sẽ ló cái khôn”. Việc giải quyết các vấn đề môi trường là cơ hội để các quốc gia có thể giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu, tạo nền tảng để hướng đến nền kinh tế bền vững.
Cần chuẩn bị gì?
“Ngoài định hướng chiến lược mang tầm quốc gia, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh cần vai trò chủ động từ khối kinh tế tư nhân”, ông Margaritis Schinas nói vậy. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, việc ứng dụng công nghệ mới để giải quyết các vấn đề môi trường đang tồn đọng sẽ giúp cho quãng đường chinh phục mục tiêu phát triển bền vững được thuận lợi. Không giới hạn riêng hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng của DN, kéo dài từ khai thác nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, kinh doanh… đều cần phải đạt phát thải bằng không. “Là quốc gia cung ứng hàng hóa cho thế giới, Việt Nam phải hướng đến mục tiêu “xanh” trên cả chuỗi cung ứng”, ông nói.
Đại diện Ủy ban Châu Âu cho biết thêm, nguồn ngân sách cho mục tiêu tăng trưởng xanh của châu Âu đã tăng lên 7 tỷ USD để có thể giải quyết triệt để các thách thức từ phía môi trường. Châu Âu cam kết hỗ trợ tối đa cho các quốc gia trên chuỗi cung ứng với những hoạt động cụ thể nhằm giữ và phát triển tài nguyên lâu hơn, biến rác thải thành tài nguyên, không chỉ khôi phục mà còn có kế hoạch khai thác tài nguyên thiên nhiên hiệu quả.
Với tầm nhìn kiến tạo tương lai xanh, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, TP. Hồ Chí Minh sẽ là địa phương hình mẫu trong việc chuyển đổi xanh của cả nước. Việt Nam rất quyết liệt và sáng tạo trong việc triển khai nhiều giải pháp, ban hành các chính sách giảm thiểu tác động môi trường… Dự kiến, Việt Nam sẽ triển khai thử nghiệm tín chỉ carbon trong năm 2025. “Xây dựng chuỗi cung ứng xanh chắc chắn sẽ giúp Việt Nam đạt tăng trưởng tốt hơn. Điều cần nhất lúc này là tư duy xanh, hành động xanh, năng lượng xanh và hạ tầng xanh. Việt Nam sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để có được hạ tầng quan trọng này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh số hóa, ông Yuko Yasunaga, Phó tổng giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cho rằng, hai khái niệm định hình tương lai toàn cầu đang là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong vai trò dẫn dắt, hai mô hình kinh tế này sẽ giúp các quốc gia sử dụng tài nguyên hiệu quả, thích nghi, chống chọi với những đứt gãy trên toàn cầu. Ông tư vấn: “Đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa thành công trong xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Bóc tách từng hoạt động gây ô nhiễm môi trường, từ đó tìm kiếm giải pháp thân thiện môi trường. Đó chính là cơ hội”.
Song song với đòi hỏi, hỗ trợ tối đa cho DN chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững, đại diện UNIDO cho rằng, cần thiết kêu gọi sự tham dự của tất cả các bên liên quan, có tiếng nói chung giữa Chính phủ, DN và người dùng, người dân. Trong trong liên minh này, DN có vai trò quan trọng nhưng tổng hòa được các nguồn lực mới tạo nên được những thay đổi mang tính đột phá.
Trường Giang