Chuyển đổi xanh trên nền tảng số

Hiện nay, hầu hết khách hàng của ngành gỗ vẫn chưa đòi hỏi doanh nghiệp (DN) sản xuất phải tiến hành giảm thải carbon. Thực hành giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính với DN ngành chế biến gỗ lúc này chính là bước chuẩn bị, thể hiện tinh thần kinh doanh chủ động.

 Giai đoạn 2023 – 2024, DN nội thất trên cả nước đều đối mặt với khó khăn chung về đơn hàng và tuân thủ các quy định liên quan khai thác và chế biến gỗ.

Chiến lược cạnh tranh

Trong nước, chính sách Nhà nước chặt chẽ hơn về thuế, chính sách bảo hiểm xã hội, các tiêu chuẩn môi trường… Bên ngoài, khách hàng đẩy mạnh kiểm tra hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc, và đặc biệt là có thêm các yêu cầu mới về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, chính trong thời gian nhiều thách thức đó, ngành gỗ lại chứng kiến bước chuyển biến tích cực: Danh sách các công ty nội thất thực hành chuyển đổi xanh ngày càng nhiều hơn. Happy Furniture, Trần Đức Home, Nghĩa Sơn… từng bước triển khai kiểm kê khí nhà kính. Ở khu vực miền Bắc, miền Trung, đã có nhiều DN chế biến gỗ thực hành giảm phác thải. Các DN ngành gỗ đã xác định phát triển bền vững là vấn đề xu thế và sẽ là chiến lược cạnh tranh.

So với các ngành sản xuất khác, tốc độ chuyển đổi xanh của DN nội thất có phần quyết liệt hơn. Câu chuyện của ngành dệt may mất đơn hàng trước Bangladesh vì thiếu các tiêu chuẩn bền vững là một cảnh báo lớn, khiến DN trong ngành lo sợ nên đón nhận mục tiêu chuyển đổi xanh tốt và chủ động hơn rất nhiều. Do vậy, dù khách hàng ngành gỗ hiện nay hầu hết chưa đòi hỏi kiểm kê khí nhà kính, DN Việt Nam cũng đã xác định đây chính là mục tiêu phải thực hiện.

Chủ động kiểm soát

Năm 2020, Ủy ban châu Âu đã thông qua Thỏa thuận Xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chuẩn bị cho mục tiêu này, Bộ Công Thương đã công bố danh sách 60 DN thuộc dạng phải kiểm kê để thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi.

Sở hữu lịch sử phát triển hơn 22 năm, Lâm Việt là đối tác cung ứng lớn, với năng lực sản xuất hơn 120 container/tháng. Lâm Việt không nằm trong danh sách buộc kiểm kê phát thải nhưng chúng tôi đã tự mình thực hiện công tác này.

Ban đầu, công ty thực sự bối rối vì các khái niệm đều rất mới. Ban lãnh đạo hình dung quá trình này sẽ rất phức tạp nhưng khi bắt tay vào việc, mới biết kiểm kê phát thải thực chất là việc thu thập dữ liệu và sau đó là tìm ra giải pháp tối ưu. Nhờ có bên thứ ba tham gia tư vấn, đo đạc, công tác kiểm kê của Lâm Việt hiệu quả hơn. Chúng tôi phát hiện chìa khóa thành công trong đo đạc phát thải chính là dữ liệu.

Lâm Việt may mắn đã ứng dụng hệ thống quản trị ERP thành công trước đó nên các số liệu tiêu thụ năng lượng của DN đã được thu thập trước, thuận tiện cho việc thực hiện các báo cáo tiêu thụ năng lượng. Triển khai cuối năm 2023, công ty mất 3 tháng hoàn thành báo cáo kiểm kê khí nhà kính pha 1 và pha 2. Do các thông số tiêu thụ điện trong pha 3 phức tạp hơn nên mất thêm 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi mới hoàn thành báo cáo. Năm 2023 tổng sản lượng tiêu thụ năng lượng của Lâm Việt là 9.137,761m3, phát thải 3.762 tấn CO2.

Thực chất, trong hoạt động của DN sản xuất, 96% phát thải là đến từ tiêu thụ điện. Tiết kiệm điện là góp phần chính cho quá trinh giảm thải. Ban đầu, Lâm Việt chủ động đưa ra các nguyên tắc tiết kiệm điện. Tiếp đó, chúng tôi triển khai ứng dụng IOT, thiết bị kiểm soát năng lượng… Năm 2023, nhờ giảm được được 4% tiêu thụ điện, tương đương với việc công ty tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng tiền điện. Trong năm mới, chúng tôi đặt mục tiêu giảm tiêu thụ điện 20%, chưa kể ứng dụng năng lượng mặt trời.

Trong suốt quá trình kiểm kê khí nhà kính, bài học kinh nghiệm mà Lâm Việt có được là phải chuẩn bị nguồn nhân lực, xác định công việc trong từng phạm vi. DN cần có dữ liệu đầu vào chi tiết, nắm được cách tra cứu hệ số chính xác và phải có cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm kê ngoài phần mềm… Những thách thức này không nhỏ nhưng khi đã quen thì công việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Cần nhất là cam kết và quyết tâm từ phía lãnh đạo, cách thức chuyển tải thông tin cho nhân viên, nhất quán phương pháp, cùng nhau thực hiện. Quan trọng là phải nắm vững công nghệ. Việc ứng dung phần mềm quản lý sẽ có tác dụng trong quá trình kiểm kê.

Như đã nói, chuyển đổi xanh không là xu hướng mà là bắt buộc, liên quan đến thương hiệu và lợi thế cạnh tranh. Do đó, cần đưa nhiệm vụ này vào chiến lược công ty. Ngành gỗ gắn liền với trồng rừng, sử dụng nguyên liệu bền vững, khi gắn liền công tác giảm phát thải với tín chỉ carbon, ngành nội thất sẽ có rất nhiều lợi thế.

Chứng nhận cho sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn bền vững

Ngày 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện số
17/CĐ-TTg, nhấn mạnh việc chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, các thỏa thuận xanh EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, song về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện tạo ra nhiều cơ hội cho DN, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường… Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương ưu tiên hoàn thiện thể chế, tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, tập trung hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy DN chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng, hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế.

Nguyễn Thanh Lam – Tổng giám đốc Lâm Việt

M.K ghi

 

Bài viết liên quan