Chuyển mình và thích ứng

Theo dữ liệu do Statista công bố, thị trường đồ nội thất đạt doanh thu 1.354 triệu USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 2,70%. Được xếp hạng thứ sáu trên thế giới, công nghiệp nội thất Việt Nam đang chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngành.

 Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nội thất không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn phải đáp ứng các tiêu chí về tính năng, sự tiện dụng và thân thiện với môi trường.

Thay đổi để gia tăng lợi thế

Chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để nắm bắt thị hiếu và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược sản xuất và kinh doanh phù hợp là chiến lược mà ông Nguyễn Văn Thu, Tổng giám đốc Công ty Thành Tâm hoạch định cho doanh nghiệp (DN) của mình. Theo ông Thu, bên cạnh nghiên cứu, thay đổi đáp ứng thị trường, công ty còn đầu tư nâng cấp công nghệ để tăng giá trị sản phẩm. Trong hai năm trở lại đây, DN này đã có những thay đổi để thích ứng với thị hiếu của người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Cụ thể là bên cạnh các sản phẩm đồ gỗ, công ty đã mở rộng thêm các sản phẩm nội thất gỗ kết hợp kim loại, hay các loại vải bọc chống tia UV, mút xốp mau khô…

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam mang về 16,25 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Dù không thể chạm được mục tiêu 17,5 tỷ USD như kỳ vọng nhưng con số này cũng phá kỷ lục đỉnh cao 15,8 tỷ USD của ngành vào năm 2022.

Năm 2025, A&M Industry Việt Nam cũng đặt kỳ vọng tăng trưởng 20%, tương đương với tỉ lệ tăng trưởng của ngành. Để đạt được mục tiêu này, ông Komatsu, Tổng giám đốc A&M Industry Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp, công ty mở rộng thị trường ra nhiều nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ, New Zealand, Australia. Để tiếp cận thị trường mới, DN đầu tư nghiên cứu kỹ hơn thị hiếu, đặc trưng lẫn những đòi hỏi pháp lý để đáp ứng theo từng thị trường mục tiêu. Song song đó, là cải tiến thiết kế để tiếp cận được người dùng trẻ.

Gia tăng hàm lượng xanh và sáng tạo

“Không dễ để trang bị được giá trị thiết kế, trong bối cảnh các DN nội thất Việt Nam đã quen với phương thức gia công”, ông Nguyễn Văn Thu nhận xét. Do đó, để có thể chạm đến người dùng ở thị trường xuất khẩu mục tiêu, DN cần có được những thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đồng thời phù hợp với xu hướng thiết kế nội thất hiện đại trên thế giới. “Đổi mới sáng tạo phải hướng đến thị trường mục tiêu”, ông Thu nói.

Đồng quan điểm, ông Komatsu cho biết, đòi hỏi từ phía người dùng nội thất ngày một cao hơn. Yếu tố linh hoạt, khả năng tích hợp với thiết bị và ứng dụng công nghệ sẽ là điểm cộng để nội thất Việt Nam có thể bước ra thị trường thế giới.

Đổi mới thiết kế cũng phải tính đến việc tìm kiếm và sử dụng các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường như gỗ tái chế cũng như các vật liệu thân thiện có thể kết hợp với gỗ vì nhu cầu tiêu dùng bền vững, hướng đến chuyển đổi xanh đang ngày càng lan rộng trong ngành nội thất.

Đồng quan điểm, ông Đặng Công Quang, Giám đốc Công ty Forexco Quảng Nam cho biết, chuyển đổi xanh là khoản đầu tư mang tính đón đầu. Bởi, thông qua chuyển đổi xanh, DN sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào, tạo được thêm lợi thế cạnh tranh. Công ty chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để dùng nguồn năng lượng xanh cho sản xuất, giảm được chi phí tiêu thụ điện năng.

Forexco Quảng Nam là một trong 6 DN đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ FSC về quản lý rừng bền vững từ năm 2006. Hiện công ty có 4 nhà máy sản xuất gỗ và kim loại. Tất cả đều được ứng dụng công nghệ chuyền hóa với hệ thống sấy tự động, hệ thống hút bụi bảo vệ môi trường với màng lọc filler có khả năng lọc bụi mịn tốt hơn. “Công nghệ sản xuất mới cho phép chúng tôi tăng năng suất gấp 3 lần với số lượng công nhân tối ưu”, ông Quang tiết lộ. DN này chuyển đổi sang sản xuất nội thất từ gỗ rừng trồng từ những năm 2000 nhằm tạo việc làm cho người dân vùng núi trong công tác trồng – khai thác rừng bền vững, vừa có thể giúp tăng giá trị gỗ keo bản địa.

Thông tin phản hồi từ nhiều khách hàng lớn của Thành Tâm tại châu Âu, Bắc Mỹ cho thấy, dù có tín hiệu tích cực nhưng sự khởi sắc của thị trường vẫn chưa thực sự nhiều. Trong 2025, ngành nội thất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Nếu không chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng cho 3 – 5 năm tới thì khi cơ hội mở ra, DN trong ngành sẽ bị lỡ nhịp phát triển”, ông Tâm nói. Do vậy, chiến lược tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường phải luôn tiếp diễn liên tục. Bên cạnh đó, các DN ngành gỗ Việt Nam đang nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và câu chuyện sản phẩm. Họ đầu tư vào thiết kế bao bì, xây dựng website và đẩy mạnh tham gia các các kênh truyền thông trực tuyến để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Quỳnh Yên

Bài viết liên quan