,

Cơ hội chuyển đổi xanh hơn từ vật liệu gỗ

Gỗ kỹ thuật hoàn toàn có thể giúp ngành chế biến gỗ chuyển đổi lên các phân khúc cao hơn, đem lại giá trị và hiệu quả sử dụng nguồn lực gỗ đáng kể. Đây cũng là cơ hội để ngành chuyển đổi xanh hơn, tạo ra năng suất cao hơn.

Hướng đi mới của công nghiệp lâm nghiệp

Năm 2019, tòa nhà 18 tầng Mjostarnet ở Na Uy, cao 85,4m, được xây dựng hoàn toàn từ gỗ CLT và glulam chính thức đi vào sử dụng. Đây hiện là tòa nhà gỗ cao nhất thế giới. Mjostarnet được xây dựng ven hồ Mjosa, hồ nước lớn nhất Na Uy, là tác phẩm của kiến trúc sư Voll Arkitekter. Tòa tháp này bao gồm các căn hộ, khách sạn, nhà hàng, văn phòng, khu vực sinh hoạt chung và một bể bơi trong nhà.

Trước Mjostarnet, ký túc xá Brock Commons ở Canada được xây dựng từ gỗ kỹ thuật làm hệ thống kết cấu chính, đạt chiều cao 14 tầng cũng được đưa vào sử dụng. Tiếp nữa là The HoHo Tower, một công trình gỗ lai (hybrid) với gỗ chiếm 75% tổng vật liệu cũng được xây dựng tại Áo. Ông Jim Carr, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada thời điểm đó ca ngợi những người ứng dụng gỗ cho công trình nhà cao tầng đã thành công trong việc đưa ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp lâm nghiệp.

Với sự phát triển của các công nghệ xử lý và gia cường như gỗ ghép thanh CLT (cross-laminated timber), gỗ ghép nhiều lớp (glulam)… loại vật liệu truyền thống này giờ đây đã hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất về kết cấu, thẩm mỹ và tính bền vững trong xây dựng. Kết quả là ngày càng có nhiều công trình nhà gỗ đi vào đời sống. Ông Laurent Corpataux, chuyên gia ngành gỗ kỹ thuật của Chương trình Xúc tiến nhập khẩu SIPPO cho biết, gỗ có khả năng hấp thụ carbon và trữ nó bên trong. Quá trình này còn được biết đến với tên gọi là sự cô lập carbon. Trong suốt vòng đời của mình, những công trình từ gỗ cũng thải ra một lượng khí nhà kính ít hơn đáng kể so với những công trình sử dụng bê tông cốt thép. Dịch chuyển sang sử dụng nguyên liệu gỗ kỹ thuật sẽ tạo nên những công trình bền vững hơn. Nhưng quan trọng không kém là cơ hội đem lại giá trị và hiệu quả sử dụng nguồn lực gỗ đáng kể hơn.

Đồng quan điểm, ông Võ Quang Hà, nhà sáng lập thương hiệu TAVICO cũng cho rằng, với lợi thế về diện tích rừng trồng tại Việt Nam, nếu có thể ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại, gỗ bản địa nói riêng và ngành lâm nghiệp sẽ được nâng tầm lên một khung giá trị mới. “Hiện, phần lớn gỗ rừng trồng trong nước được khai thác sớm, phục vụ sản xuất nguyên liệu cho ván dăm, viên nén có giá trị rất thấp, chưa thực sự phản ánh đúng giá trị của rừng trồng. Điều này rất đáng tiếc”, ông Hà nói.

Hệ sinh thái ngành

Theo dõi sát xu hướng tiêu dùng bền vững của thị trường thế giới, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Tập đoàn AA chia sẻ, các dự án khách sạn, nhà hàng phân khúc cao cấp ở thị trường quốc tế mà thương hiệu này đang thi công đều đã hướng đến tính bền vững của công trình.

Người Việt vốn đã quen thuộc với nhà gỗ từ trước nhưng xu hướng hiện đại hóa được tiếp nhận nhanh, nhà bê tông cốt thép dần trở thành lựa chọn tất yếu. Để gỗ kỹ thuật có thể thực sự đi vào các công trình dân dụng, trở thành nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng, ông Khanh cho rằng, vai trò quyết định vẫn nằm ở thị trường, hay chính xác hơn khách hàng. Do vậy, tiếp cận và tác động đến nhận thức, ý thức và quyết tâm của khách hàng, của chủ đầu tư về tiêu dùng vật liệu bền vững cần phải có nhiều thời gian. Song song đó, là việc phát triển mạng lưới nhà cung cấp đáng tin cậy với năng lực, công nghệ phù hợp, tao điều kiện cho người dùng có nhiều lựa chọn.

Đại diện Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, bà Lưu Thị Hồng – Phó Viện trưởng cho biết theo hệ thống và cơ chế hiện nay, để đưa các vật liệu mới vào các công trình, cần phải có chỉ dẫn kỹ thuật để các nhà thiết kế biết được sản phẩm nào là an toàn và không an toàn để sử dụng trong toà nhà. “Muốn phát triển ứng dụng của gỗ kỹ thuật, ngành nội thất lẫn ngành xây dựng cần có một chiến lược bài bản, đưa vật liệu này vào Chương trình chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trong kết cấu xây dựng. Quan trọng nhất là cần có một lộ trình rõ ràng, cụ thể và cần có sự tham gia của các bên”, bà Hồng tư vấn.

Đối chiếu với kinh nghiệm của Singapore, ông Laurent Corpataux cho biết, các thử nghiệm và tính toán đều cho thấy hiệu quả vượt trội về mặt năng suất cho cả ngành khi đưa gỗ kỹ thuật vào xây dựng. Nhưng để làm được điều đó, từ 2015, đảo quốc sư tử đã phải huy động toàn bộ hệ sinh thái để phát triển ngành, gồm chính phủ, các cơ quan hoạch định tiêu chuẩn, đầu tư công, kiến trúc sư, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ, doanh nghiệp chế biến gỗ… Chưa đầy một thập kỷ, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong khu vực về ứng dụng vật liệu gỗ kỹ thuật.

Với tiềm năng hiện có của ngành chế biến gỗ và ngành xây dựng, nếu hình thành được hệ sinh thái ngành và cho các DN thấy được tiềm năng của gỗ kỹ thuật, theo ông Laurent Corpataux, Việt Nam sẽ có được thêm nguồn lực cạnh tranh mới.

Lê Nguyễn

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác