Nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) rất cao, trong khi gần như các quốc gia này không sản xuất đồ nội thất. Thị trường mới nổi này đang rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam, nếu xây dựng được chiến lược thâm nhập đúng đắn.
Thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện có mức nhập khẩu đồ nội thất tăng trưởng hơn 45%/năm”, ông Trương Xuân Trung – Trưởng Thương vụ Việt Nam tại UAE khẳng định như vậy. Thông tin hấp dẫn mà ông Trung đưa ra đã khiến đại diện hơn 50 doanh nghiệp (DN) tham dự webinar tìm hiểu cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức tháng 4/2023, hết sức bất ngờ.
Tăng trưởng mạnh
Theo ông Trung, UAE là một trong những nền kinh tế hấp dẫn hàng đầu trong các nước Ả Rập và nằm trong nhóm 25 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới. Ngoài yếu tố kinh tế phát triển mạnh và sự cởi mở với kinh doanh quốc tế, UAE còn được coi là một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới, trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và xuất khẩu. Quốc gia giàu có này thu hút lượng du khách ngày càng tăng trong hai thập kỷ qua, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm rất lớn. Tuy nhiên, công nghiệp khu vực này dù chiếm 49,8% GDP nhưng chủ yếu là khai thác và chế biến dầu khí. Hầu hết các mặt hàng gỗ và đồ trang trí nội thất UAE phải nhập khẩu.
Hiện nay, UAE đang tập trung xây dựng và phát triển đô thị. Vì vậy, nhu cầu trang bị nội thất bằng gỗ cho các tòa nhà mới, các biệt thư cao cấp là rất lớn. Thêm vào đó, đặc thù của thị trường UAE là khi khách thuê, nhà cho thuê không có bất kỳ đồ vật nào, người thuê nhà phải tự mua sắm toàn bộ độ nội thất, đồ gia dụng như giường, tủ, bàn, ghế… “Nhu cầu về sản phẩm từ gỗ phục vụ trang trí nội thất tại UAE là rất tiềm năng”, ông Trung khẳng định.
Một trong những ưu thế lớn cho sản phẩm nội thất gỗ là thời tiết. Đặc trưng khí hậu nóng khô ở khu vực này phù hợp và đảm bảo độ bền cho đồ nội thất gỗ. Nghiên cứu từ Thương vụ Việt Nam tại UAE cho thấy doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này lên tới 4 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,12% (giai đoạn 2023 – 2027). Trong đó, phân khúc lớn nhất của thị trường này là nội thất phòng khách, có trị giá lên đến 1,08 tỷ USD vào năm 2023.
Tiếng nói từ các nhà mua hàng lớn
Thống kê kim ngạch nhập khẩu nội thất vào UAE cho thấy, thị trường đang được làm chủ bởi các DN Trung Quốc. Tiếp đó là Đức, Thái Lan, Rumani và Ấn Độ. Việt Nam hiện đang xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang thị trường này.
Ông Imraan Hassan, đại diện cho tập đoàn nội thất The Bed cho biết, các DN phân phối đồ nội thất trước đây nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu nội thất đã thay đổi. Các DN trong UAE đang muốn đa dạng hóa hơn nguồn cung ứng của mình. “Việt Nam là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới nhưng lại chiếm thị phần còn khá ít ở UAE. Đây là cơ hội rất lớn để các DN Việt thử sức”, ông Imraan Hassan nhận xét.
Theo đại diện của The Bed, bàn ăn, ghế dài, giường… là những sản phẩm đang có nhu cầu cao ở UAE nhưng dải sản phẩm sẽ còn được mở rộng hơn trong thời gian tới. Đồng quan điểm, ông Jagdisj Sethi đến từ The Best Room Furniture cho biết nội thất phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ đều là lựa chọn của các nhà mua hàng bởi các dự án bất động sản đang phát triển tại đây rất nhiều. Chính phủ UAE cũng cam kết đầu tư lớn để phát triển hạ tầng với mức đầu tư thêm lên đến 200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới nên sẽ có thêm nhiều dự án trong tương lai. Nghĩa là, nhu cầu nội thất sẽ còn tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Jagdisj Sethi thị trường này cũng có nhu cầu đặc biệt về số lượng lẫn thiết kế vì khả năng xuất khẩu từ Dubai đi các thị trường khác rất lớn. Chỉ cần có một điểm nhập cảnh duy nhất chịu thuế khi hàng hóa nhập khẩu vào các nước GCC, hàng hóa nhập khẩu vào khu vực này có thể được tự do vận chuyển khắp GCC mà không phải trả thêm thuế quan. Đây là điều kiện thuận lợi để đồ nội thất Việt Nam có thể chinh phục người dùng các nước GCC. “Thị trường rất mở nên mức độ cạnh cũng cao hơn. Cạnh tranh gay gắt nhất là về giá nên DN cần lưu ý chào giá phù hợp để có thể cạnh tranh tốt”, ông Trương Xuân Trung tư vấn.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Ủy viên Ban chấp hành HAWA, trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nội thất Việt Nam giảm 28% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ lạm phát khiến sức mua trên toàn cầu giảm mạnh. Đứng trước khó khăn lớn của ngành, HAWA đang nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được những thị trường tiềm năng, trong đó UAE là điểm nhấn. “UAE đang rất khác và 5 năm tới thị trường sẽ còn nhiều khác biệt. Châu Âu hay Mỹ, hai thị trường chính của Việt Nam đều đang có nhiều thử thách. Vấn đề là DN Việt Nam đã sẵn sàng đón nhân cơ hội từ thị trường UAE hay chưa?”, ông Manish Bhatia, đồng sáng lập The Hive Furniture Show, triển lãm nội thất hàng đầu khu vực UAE kết luận.
THIÊN PHÚC