Đoàn đại biểu Việt Nam đến từ Cục Lâm nghiệp và các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có mặt tại thành phố Siem Reap để tham dự phiên họp song phương lần thứ 4 giữa Việt Nam và Campuchia về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, diễn ra từ ngày 28 – 29/6/2023.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) là đơn vị hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho hai quốc gia để tổ chức sự kiện này.
Kinh nghiệm từ HAWA DDS
Các hợp tác về lâm nghiệp giữa hai quốc gia đã diễn ra từ tháng 6/2012 đến nay. Trong lần gặp gỡ này, đại diện Cục Lâm nghiệp hai bên đã cùng thảo luận các nội dung hợp tác cụ thể trong giai đoạn 2023 – 2027 để xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển tiềm năng và vị thế của hai quốc gia trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chia sẻ thông tin quản lý ngành, các hoạt động chung về phòng cháy, chữa cháy rừng, kiểm soát vận chuyển, buôn bán gỗ và động vật hoang dã, quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên rừng, đa sạng sinh học khu vực biên giới hai nước, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các sáng kiến quốc tế như REDD+ và FLEGT.
Trong bối cảnh chia sẻ các sáng kiến công nghệ về giải trình và truy xuất nguồn gốc gỗ giữa hai nước, đại diện HAWA, bà Hồ Thị Tuyết – Phó chánh Văn phòng, phụ trách Phát triển người dùng Hệ thống Giải trình và Truy xuất nguồn gốc gỗ HAWA DDS, cũng có mặt để chia sẻ sáng kiến, cũng như kinh nghiệm triển khai dự án DDS tại Việt Nam. Được chuẩn bị từ 2018, sau gần 5 năm đầu tư phát triển, HAWA DDS đã thu hút được sự tham gia của 133 doanh nghiệp, diện tích rừng trồng đăng ký trên hệ thống là 7.000 ha, với 12 chủng loại cây khác nhau. Kinh nghiệm vận hành HAWA DDS cũng như các khó khăn, thuận lợi khi triển khai hệ thống này được bà Tuyết cung cấp tại phiên họp.
Trong bối cảnh các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hồ tiêu, cà phê… ngày càng được các quốc gia nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ… chú trọng, việc có được một hệ thống giải trình và truy xuất nguồn gốc gỗ như HAWA DDS sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất nhiều trong việc cung ứng các bằng chứng hợp pháp cho sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh HAWA DDS, các đại biểu cũng đã cùng tìm hiểu các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác của Việt Nam và Campuchia như iTWood, DART… cùng hệ thống truy xuất gỗ tại vùng hạ lưu sông Mê Kông do đại diện FAO chia sẻ.
Mở rộng kết nối
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia thể hiện cam kết mạnh mẽ trong các lĩnh vực: quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường thực thi lâm luật, thương mại gỗ và lâm sản hợp pháp. Với đặc thù hai nước có chung đường biên giới dài hơn 1.100km và cùng tham gia vào các tổ chức quốc tế trong khu vực về lâm nghiệp như ASOF, ASEAN-WEN của ASEAN, APFC của FAO, Tổ chức AFoCO, ITTO… Theo ông Chan Ponika – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, hơn một thập kỷ qua, Việt Nam và Campuchia đã tích cực cùng nhau trao đổi, ủng hộ lẫn nhau trong các hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng này. Nỗ lực này, cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Trong hai ngày làm việc, các chuyên gia tham dự chương trình đã chia nhóm thảo luận theo từng chuyên đề nhằm tìm ra cơ hội, thách thức trong hợp tác lâm nghiệp giữa hai quốc gia; sáng kiến mới từ các bài học kinh nghiệm; xây dựng thêm các hoạt động tăng cường hợp tác… Ông Triệu Văn Lực – Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, hợp tác song phương về lâm nghiệp giữa hai quốc gia phù hợp với chính sách và luật pháp hiện hành của hai bên, góp phần thúc đẩy các hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều thách thức, đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và buôn bán gỗ, động vật hoang dã trái phép qua biên giới… ông Lực cho rằng, Việt Nam và Campuchia sẽ phải đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển ngành lâm nghiệp của hai quốc gia hiệu quả hơn nữa.
Lê Nguyễn