Chuyển đổi số trong ngành gỗ không chỉ diễn ra trong hoạt động sản xuất mà còn trong kinh doanh. Đó là mô hình Công ty Nghĩa Sơn thực hiện khi tham gia các nền tảng thương mại điện tử, bán hàng trực tiếp đến người dùng toàn cầu. Không chỉ gia tăng lợi nhuận, bước đi này là một trong những nỗ lực tự cường trên chuỗi cung ứng, là nền tảng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của ngành.
Sáng 1/11, đại diện hơn 30 doanh nghiệp (DN) thành viên HAWA đã có dịp đến tham quan nhà máy Nghĩa Sơn 3, tại Khu công nghiệp Hố Nai. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho ngành gỗ Việt Nam” do HAWA thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhằm hỗ trợ các DN ngành gỗ chuyển đổi số trong sản xuất, nhận thức và bước đầu thực hành giảm thải carbon cũng như nâng cao năng lực về quản trị carbon trong các nhà máy.
Sản xuất tinh gọn
Bất ngờ lớn nhất mà các thành trong viên đoàn cảm nhận là sự tinh gọn trong việc thiết kế nhà máy, từ khu vực văn phòng đến xưởng sản xuất. Thành lập từ năm 2006, hành trình phát triển của Công ty TNHH đồ gỗ Nghĩa Sơn cũng giống như các nhà máy gia công đồ nội thất theo đơn hàng khác. Mãi đến năm 2018, công ty đã ý thức được vai trò của tự động hóa và từng bước đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất bằng máy móc, thiết bị hiện đại.
Nhờ có sự tham gia của công nghệ, Nghĩa Sơn từng bước tiến đến mô hình sản xuất bán tự động, giảm được 50% nhân lực nhưng hiệu suất lại nâng cao, đảm bảo độ chính xác, chất lượng của sản phẩm. Theo ông Huỳnh Lê Đại Thắng – Giám đốc Công ty Nghĩa Sơn, thị trường chính của công ty là các quốc gia thuộc châu Âu, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm và các quy chuẩn sản xuất bền vững. Do đó, Nghĩa Sơn buộc phải đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng, gồm các chứng nhận như BSCI, ISO, FSC… Quá trình thực hành các quy chuẩn này cũng đồng thời giúp cho nhà máy thiết lập được hoạt động bài bản hơn.
Không dừng lại ở đó, Liên minh Châu Âu (EU) vẫn đang thực thi nhiều đòi hỏi mới đối với các DN xuất khẩu vào thị trường chung này. Do vậy, hoạt động của Nghĩa Sơn cùng từng bước chuẩn bị để có thể đáp ứng được những quy định về chống phá rừng của EU (EUDR) và mới nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo thông tin từ sơ đồ kế hoạch mà ông Thắng chia sẻ, đoàn DN đã nhìn được kế hoạch chuyển đổi xanh của Nghĩa Sơn, bắt đầu từ việc chuyển đổi nguyên liệu thân thiện môi trường, đầu tư hệ thống điện mặt trời để có được năng lượng tái tạo, sau đó là tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và sau nữa là giảm và tái chế rác thải… Mục tiêu mà Nghĩa Sơn đang theo đuổi là đạt Net Zero vào năm 2030.
Kinh nghiệm xuất khẩu xuyên biên giới
Không dừng lại ở việc thụ động đợi đơn hàng. Năm năm trở lại đây, Nghĩa Sơn đã từng bước trực tiếp xuất khẩu online với thương hiệu của riêng mình. Giao lưu với đoàn DN, ông Thắng chia sẻ tường tận kinh nghiệm, từ việc ứng dụng máy móc thiết bị, tổ chức chuyền hóa, tự động hóa đến kinh nghiệm làm việc với các đối tác bán hàng xuyên biên giới như Wayfair, Amazon, Alibaba…
Theo báo cáo mới nhất từ Amazon Global Selling, thương mại điện tử ngành nội ngoại thất tại Mỹ hiện đang tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, và dự kiến sẽ đạt 165 tỷ USD vào năm 2024. Ông Thắng cho rằng, đây là cơ hội lớn mà DN trong ngành có thể khai thác. Muốn vậy, việc cần làm lúc này là đầu tư vào chuyển đổi số và làm quen với mô hình thương mại điện tử. Hiện, công ty đã thành lập văn phòng và triển khai 5 kho hàng tại Mỹ, đảm bảo giao hàng cho thị trường này trong 48 giờ.
Đại diện Ban chấp hành HAWA, ông Trần Lam Sơn đánh giá điểm đặc biệt trong hoạt động kinh doanh của Nghĩa Sơn là việc sử dụng và phát triển nguồn nguyên liệu rừng trồng, góp phần đưa thương hiệu gỗ acacia Việt Nam ra thế giới. Mô hình này không chỉ tạo được việc làm cho hàng ngàn người trong chuỗi cung ứng nội thất, từ cưa xẻ gỗ đến các đơn vị sản xuất, thi công… mà còn giúp DN có được thế chủ động trong kinh doanh toàn cầu.
Đồng quan điểm, ông Tô Ngọc Ngời, thành viên Ban chấp hành HAWA cũng cho rằng, nhờ có những DN xuất khẩu nội thất làm từ gỗ nội địa acasia như Nghĩa Sơn mà thị trường quốc tế từng bước chấp nhận nguyên liệu mới này, mở đường cho DN trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh. Kinh nghiệm vượt khó, mạnh dạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Nghĩa Sơn thực sự đã truyền được cảm hứng và động lực cho các DN trong chuyến tham quan thực tế lần này.
Nam Khuê