Đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Đức, Ý và Ba Lan, Việt Nam là quốc gia có vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới dù lịch sử của ngành chỉ hơn 20 năm. Mức tăng trưởng hấp dẫn của ngành chính là điều mà các quỹ đầu tư trong và ngoài nước phải thừa nhận.
Những bước chân bền vững
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu năm 2017 tăng 4,9%. Đây là con số khá ấn tượng bởi nó cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng mờ nhạt 1,3% của năm 2016. Trong bức tranh chung này, thị trường đồ nội thất thế giới với giá trị sản phẩm chưa kể khâu phân phối là 428 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2018.
Cùng với mức tỉ lệ tăng trưởng của ngành trên toàn cầu, chế biến gỗ Việt Nam thời gian qua cũng có những bước phát triển vượt bậc. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM – HAWA, trong 15 năm qua, chỉ số phát triển ngành rất tốt. Dù ở thời kỳ kinh tế toàn cầu có khó khăn thì ngành vẫn phát triển được 8 – 15%. “Đây là ngành kinh tế có mức phát triển bền vững, đóng góp không nhỏ cho GDP cả nước”, ông Khanh nói.
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt mức 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đóng góp cho thị trường quốc nội với giá trị sản phẩm 1,65 tỷ USD, nâng tổng sản phẩm của ngành năm 2017 lên 9,65 tỷ USD.
Câu chuyện dân sinh
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, không chỉ tăng trưởng và mang cơ hội thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn lao động trên cả nước, chế biến gỗ còn là ngành kinh tế vì dân sinh. Bởi, không có ngành sản xuất nào có chuỗi sản xuất dài và khép kín như ngành gỗ. Nếu như dệt may, da giày chỉ tham gia phân đoạn gia công vì thiếu nguyên liệu, thủy sản chỉ xuất khẩu nguyên liệu… thì chuỗi sinh phẩm ngành gỗ kéo dài từ trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại, xây dựng, trang trí nội ngoại thất… Trong đó, chế biến gỗ là trung tâm, kéo theo sự lan tỏa của rất nhiều ngành khác phát triển như vận chuyển, công nghiệp phụ trợ, vải vóc, thuộc da, kim loại, bao bì, ốc vít, thiết kế, cơ khí, marketing, hội chợ, du lịch… Chủ tịch HAWA cho biết: “Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm chế biến gỗ Việt Nam 10 năm qua ngày một cao. Cứ 1 người sản xuất trực tiếp trong chế biến gỗ thì có khoảng 3 người có liên quan. Hiện toàn ngành đã và đang sử dụng hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy với năng suất bình quân ước khoảng 23.000 USD/người/năm”. Như vậy, nếu 500.000 lao động trong sản xuất chế biến gỗ thì có thêm 1,5 triệu lao động liên quan, tức là 2 triệu lao động trên tổng số khoảng 55 triệu lực lượng lao động trên cả nước. Việc phát triển công nghiệp đồ gỗ sẽ kéo theo, lan tỏa sự phát triển của tất cả các vùng kinh tế của cả nước.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ đầu tư VietNam Holding cũng cho rằng, chế biến gỗ là một trong ngành có tăng trưởng rất hấp dẫn các quỹ đầu tư. Bằng chứng là đã có nhiều DN trong ngành kêu gọi được những khoản đầu tư hấp dẫn. Bên cạnh đó, là làn sóng đầu tư máy móc rất lớn, thiết bị hiện đại để gia tăng nội lực. “Hiện giá trị gia tăng ngành gỗ không cao vì lượng DN tham gia ngành vẫn còn ít, tỉ suất cạnh tranh chưa phải là áp lực thực sự. Tôi nghĩ, khoảng 10 năm nữa, lượng DN mới tham gia ngành gỗ sẽ lên đến cả ngàn”, ông Thịnh dự báo.
Và tiềm năng còn rộng mở
Kết thúc quý đầu tiên năm 2018, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,94 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này chứng tỏ các chuyên gia trong ngành dự đoán xuất khẩu gỗ năm 2018 là 9 tỷ USD và sau đó là 10 tỷ USD trong năm 2020 là hợp lý.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA cho biết, trong năm 2018, thương mại trong lĩnh vực đồ gỗ, nhờ tình hình thuận lợi, dự kiến sẽ tăng khoảng 4%, với sự tăng trưởng tập trung chủ yếu ở châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, các nhà xuất khẩu được đánh giá là có mức tăng trưởng tốt là Trung Quốc với 35% thị phần, Đức ổn định 8%, Ý và Ba Lan ở mức 7%, Việt Nam đang tăng trưởng tốt với 6%. Năm nước xuất khẩu hàng đầu này chiếm 63% tổng xuất khẩu đồ gỗ thế giới. Vị trí mà ngành chế biến gỗ Việt Nam có được là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, năng lực sản xuất của Việt Nam tuy có gia tăng liên tục nhưng so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu năm 2017, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06%. Và, so sánh tổng thương mại đồ gỗ năm 2017 của 100 quốc gia xuất khẩu là 141 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Từ 2 con số so sánh này cho thấy xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp trong khi cơ hội thị trường phía trước còn rất nhiều. “Tiềm năng về thị trường rất lớn trong nhiều năm tới, nếu chúng ta thực sự nghiêm túc đầu tư thì cơ hội khởi nghiệp, cơ hội phát triển kinh doanh trong ngành gỗ vẫn còn rất lớn”, ông Hạnh khẳng định.