Đổi góc nhìn để thấy được cơ hội trong thử thách là cách mà cách doanh nghiệp nội thất Việt Nam đang ứng dụng để có thể thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường.
Mở rộng biên độ kinh doanh
Số liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022. “Đây có lẽ là đợt giảm sâu nhất của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong suốt hơn hai mươi năm qua”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest nhận định.
Theo ông Hoài, với tiềm năng và lợi thế cạnh tranh lớn về nhân lực, nguyên liệu bản địa và chính sách phát triển… những năm qua, ngành nội thất Việt Nam có điều kiện tăng trưởng và tăng trưởng khá nóng, giữ tỷ lệ trung bình luôn ở mức 2 con số. Tình trạng thiếu đơn hàng như hiện nay thực sự là thử thách lớn của doanh nhiệp (DN), nhất là khối DN sản xuất nội thất vì áp lực việc làm cho đội ngũ nhân công lên đến ngàn người/nhà máy là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, bức tranh của ngành nội thất hiện nay không quá ảm đạm. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, những thách thức hiện nay đã cho thấy được nỗ lực và sự chủ động của các DN trong ngành. Khi thị trường suy giảm, thời gian qua, DN không hề bị động mà cố gắng thích ứng. “Một mặt, DN ngành gỗ tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới”, ông Khanh chia sẻ.
Theo ông Khanh, trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Cụ thể là việc các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất… để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
Cơ hội từ thử thách
Đối chiếu với lịch sử phát phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Phương, Phó chủ tịch DOWA cho biết, ngành đã trải qua vài lần sóng gió nhưng nếu như trước đây DN chủ yếu chờ đợi thị trường phục hồi thì nay lại tận dụng thời gian để mở rộng kết nối và hiện diện nhiều hơn ở các sự kiện xúc tiến để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. “Tính chủ động là sự khác biệt lớn nhất của đội ngũ các DN nội thất Việt Nam lúc này”, ông Phương nói.
Một trong những bước chuyển đổi mang tính chủ động và cấp thiết hiện nay, theo Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) là sản xuất xanh. Trước nỗ lực bảo vệ môi trường, hạn chế phác thải, thị trường tiêu thụ các quốc gia đang chọn lọc nhà cung cấp ngày một kỹ càng hơn. Nhiều đạo luật, quy định về môi trường mới sẽ được áp dụng trong thời gian tới, tạo thêm áp lực cho DN. Tuy nhiên, phần lớn DN Việt Nam chưa chuẩn bị cho những đòi hỏi này. Nếu chuyển đổi sớm, đó sẽ là cơ hội cho DN chế biến gỗ.
Đồng quan điểm, ông Triệu Văn Lực – Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, quá trình chuyển đổi sẽ nhiều có thách thức. Bởi không chỉ có các tiêu chuẩn quốc tế, ngay cả trong nước, cam kết đưa phác thải về không tại COP26 thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong mục xanh hóa. Bộ cũng đã ban hành kế hoạch giảm thải khí nhà kính ở trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Riêng lâm nghiệp cũng có đề án quy định riêng trong sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ. Ngoài nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp, gỗ rừng trồng trong nước cũng phải đảm bảo tuân thủ theo luật chống phá rừng của EU.
Theo ông Lực, đây là thách thức nhưng lại mở ra cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ. Ví dụ, ở các quy định trong Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023, các DN trồng rừng không những không nhóm phác thải cao mà còn cơ hội bán tín chỉ có các DN sản xuất nội thất. Và, chứng chỉ ấy còn có thể bán cho ngành khác. Chưa kể, sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam đang rất tốt, cũng là cơ hội từ nguyên liệu sinh khối. Ông Lực khẳng định: “Tổng cục sẽ đồng hành, tổ chức các chương trình nâng cao nhận lực, hỗ trợ các DN trong ngành cập nhật mô hình, kinh nghiệm chuyển đổi”.
Thời gian qua, Ban IV có điều kiện tiếp cận với nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ New Forest – Australia, Forest Trend… để có được những tư vấn chiến lược phù hợp. Theo bà Thủy, Ban IV sẽ phối hợp cùng các hiệp hội triển khai các hoạt động hỗ trợ DN ngành chế biến gỗ chuyển đổi, kịp thời nắm bắt được cơ hội mới. “Thời gian ngắn nữa thôi, thị trường carbon sẽ hình thành. DN ngành gỗ có cơ hội rất lớn. Đây là thời gian để DN tìm hiểu để có thông tin. Các tổ chức trong nước đều sẽ ưu tiên cho câu chuyện này”, bà Thủy nhấn mạnh.
Đặng Quý Yên