,

Dư địa tăng trưởng xanh

Doanh số xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam ra thị trường thế giới lẫn tỉ lệ tăng trưởng trong năm 2024 đều đang phản ánh đúng năng lực của ngành. Trong chiến lược phát triển mới, nếu hội tụ thêm các giá trị có được từ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp (DN) trong ngành sẽ có khả năng bứt phá hơn nữa.

Nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau một năm sụt giảm, DN nội thất Việt Nam đang được tiếp thêm nhiệt huyết từ kết quả xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản trong năm 2024 lên đến 17,29 tỷ USD.

Chưa thuộc về tất cả

Điểm sáng trong sự tăng trưởng của ngành là việc phát triển mạnh tại thị trường Mỹ. Ghi nhận từ DN, phần lớn đơn hàng xuất khẩu trong năm qua đều đòi hỏi cao hơn về chất lượng, thời gian giao hàng lẫn giá thành cạnh tranh. Nhờ tổ chức quản trị sản xuất, tiết giảm chi phí tốt, DN Việt Nam vẫn đáp ứng được những đòi hỏi này. Chính sách về tiền tệ, tỉ giá đồng USD cao, tăng so với năm trước và lãi suất vay của các ngân hàng thương mại dành cho DN cũng “dễ thở” hơn.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng đã góp phần kích thích đầu tư. Các DN trong ngành mạnh dạn hơn trong việc trang bị thêm hệ thống máy móc hiện đại, tối ưu hóa sản xuất… Nội lực của ngành từ đó được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của người dùng thế giới.

Thế nhưng, niềm vui này chưa thuộc về tất cả.

Xuất khẩu tăng trưởng tốt nhưng thị trường nội thất trong nước năm qua phát triển theo phương ngang, vừa đủ duy trì. Với DN chế biến gỗ miền Bắc, các làng nghề là thị trường quan trọng. Song song với xuất khẩu, Woodsland cũng tham gia thị trường này và cảm nhận được những thách thức mà các DN đang đối mặt. Thị trường bất động sản chưa phục hồi và sức mua của người dùng trong nước cũng ở mức thấp chính là nguyên nhân dẫn đến việc DN nội địa chưa có được kết quả như ý.

Dung hòa hai góc nhìn

Để phản ánh đúng “sức khỏe” của một ngành cần có sự tổng hợp của cả hai thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Bước sang năm 2025, tăng trưởng GDP và các mục tiêu kinh tế mà Nhà nước đưa ra đang tạo động lực tốt cho DN tất cả các ngành nghề. Đã có những khu vực bất động sản phục hồi mạnh, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy thị trường nội thất trong nước phát triển tốt hơn trong năm mới. Với xuất khẩu, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng tiếp tục tạo đà cho gia tăng doanh số.

Dẫu vẫn có thách thức nhưng các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển chung của ngành được đánh giá là nhiều hơn. Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đưa ra mục tiêu phấn đấu: Năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD. Trên nền tảng hiện có, mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Trong cơ cấu DN, hiện lực lượng FDI đang chiếm khoảng 20% nhưng doanh số đóng góp của họ lên đến tương đương 50%. Doanh số xuất khẩu toàn ngành năm 2024, vượt 14% so với kế hoạch, tăng 20% so với năm 2023. Không có con số thống kê riêng đối với DN nội địa nhưng khảo sát sơ bộ phần lớn DN Việt Nam đều chưa chạm được đến tỉ lệ tăng trưởng này. Nếu con số 20% đó phản ánh mức độ tăng trưởng của DN FDI thì rõ ràng sức cạnh tranh của các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam ngày càng lớn.

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thu hút FDI vào Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn FDI giải ngân ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Nhờ những cải cách chính sách đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, năm 2025, dự báo nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, với tỉ lệ giải ngân vượt 30 tỷ USD. Chế biến gỗ là một trong những lĩnh vực đã và đang được các nhà đầu tư quốc tế chú ý.

Nhìn trên lợi ích của cả quốc gia, sự tham gia của đội ngũ FDI góp phần gia tăng doanh số, cung cấp công ăn việc làm, góp phần giải quyết bài toán an sinh xã hội. Tuy nhiên, chính sách bền vững của ngành vẫn phải dựa vào thực lực DN nội địa. Bởi khi thị trường có tín hiệu không tốt, khối FDI rút đi rất nhanh, gây ảnh ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế. Do đó, công tác sàng lọc, lựa chọn đầu tư FDI là hết sức cần thiết. Với khả năng bị vướng vào các cáo buộc đầu tư núp bóng, gian lận xuất xứ từ thị trường nhập khẩu, việc sàng lọc FDI ngành gỗ lại càng cần thiết hơn.

Kết nối để đi xa

Để giúp DN gia tăng nội lực, thời gian qua, nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, phát triển thị trường từ phía các cơ quan, tổ chức lẫn hiệp hội đã được tổ chức bài bản.

Trên tinh thần phấn đấu chung là “Tự cường trên chuỗi cung ứng”, các DN Câu lạc bộ HAWA miền Bắc cũng đưa ra các hoạt động cụ thể, hướng tới mục tiêu tạo kết nối mới cho DN trong khu vực. Đây là yếu tố vốn đang rất thiếu với DN khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Chuỗi chương trình Mộc Kết tổ chức trong năm vừa qua dựa trên nhu cầu kết nối, mở rộng đối tác và mở rộng thị trường từ phía DN. Dù quy mô nhỏ nhưng những hoạt động này thực sự mang lại lợi ích lớn. Sắp tới, Câu lạc bộ phấn đấu tổ chức 6 đến 10 sự kiện Mộc Kết ở các tỉnh phía Bắc, trước mắt là Nam Định và TP. Vinh để tiếp tục hỗ trợ DN mở rộng hệ sinh thái ngành.

Thị trường nội thất toàn cầu dự đoán tăng trưởng 4,6%/năm, cơ hội của DN nội thất cả xuất khẩu lẫn trong nước đều lớn. Năm mới, Woodsland đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Hy vọng, dư địa và nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ giúp DN trong ngành sớm đạt mục tiêu.

Vũ Hải Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland, Phó chủ tịch HAWA

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác