,

Đưa năn tượng đi Tây

Năm 1997, một doanh nhân người Úc hợp tác cùng một chuyên gia mua hàng người Việt, thành lập doanh nghiệp (DN) sản xuất, thu mua sản phẩm nội ngoại thất, thủ công mỹ nghệ. Thế mạnh của một người am hiểu thị trường nội địa kết hợp với một người có kinh nghiệm kinh doanh ở thị trường quốc tế được phối hợp nhịp nhàng để rồi 27 năm sau trở thành nhà sản xuất sử dụng hơn 2.000 lao động. DN ấy là Vietnam Housewares Corporation.

 

Đa dạng và linh hoạt

“Nếu xét riêng mảng thủ công mỹ nghệ (TCMN), chúng tôi bắt đầu từ con số 0”, ông Lai Trí Mộc – Giám đốc Vietnam Housewares Corp bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. Ngoài nhu cầu lớn từ phía thị trường nhập khẩu, việc ngành có thể góp phần mang đến sinh kế cho hàng ngàn lao động yếu thế, người nội trợ tại các địa phương khiến ông quyết định gắn bó với ngành.

Vận hành cùng lúc 4 nhà máy nhưng sản phẩm TCMN của Vietnam Housewares Corp không sản xuất tập trung. Đơn hàng được chia đến các hợp tác xã, nhà máy là nơi xử lý những công đoạn hoàn thiện, kiểm soát chất lượng. Trung bình, công ty xuất khẩu 400 đến 500 container/tháng, tương đương 1 triệu sản phẩm giỏ, rổ, đồ trang trí… đến thị trường châu Âu, Úc, Mỹ; phục vụ phân khúc trung, cao cấp. Theo ông Mộc, nguyên tắc kinh doanh của Vietnam Housewares là không tập trung vào một vài khách hàng số lượng lớn mà tập trung vào nhiều khách hàng ở các thị trường khác nhau. “Có đơn hàng lên đến 1 triệu sản phẩm nhưng có đơn chỉ 100 sản phẩm chúng tôi cũng làm. Phải đa dạng và linh hoạt thì DN mới tồn tại được”, ông Mộc nói.

Dù sản phẩm ở các nhóm vật liệu gỗ, gốm hay mây tre đan… Vietnam Housewares luôn xác định thế mạnh chủ lực của công ty là thiết kế. Công tác nghiên cứu thị trường, đầu tư nghiêm túc để có thể nắm bắt thị hiếu người dùng quốc tế và phát triển mẫu tương thích. Sau đó là việc giữ đúng các cam kết về chất lượng, tiến độ. Để làm được điều đó, theo ông Mộc, đội ngũ lãnh đạo Vietnam Housewares quyết định “chơi lớn”, đầu tư nghiêm túc đầu tư hạ tầng, công nghệ… để đảm bảo nhà máy có đủ năng lực cung ứng cho các siêu thị lớn.

Trong khuôn viên của nhà máy Vietnam Housewares tại Vĩnh Long, dây chuyền sản xuất tự động hóa được thiết kế riêng. Khu vực sản xuất được tổ chức thoáng rộng. Đặc biệt nhất là khu nhà màng, tận dụng hiệu ứng nhà kính để phơi sấy sản phẩm. Song song với việc tổ chức sản xuất tốt, Vietnam Housewares còn là một trong những DN TCMN ứng dụng chuyển đổi số, đồng bộ dữ liệu giữa bộ phận bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển (R&D), chi phí và kỹ thuật…  để tối ưu hóa toàn bộ quy trình.

Mở đường đua mới

Bên cạnh nguyên liệu phổ biến hiện nay là lục bình, Vietnam Housewares còn cung ứng cho thị trường các sản phẩm TCMN làm từ các nguyên liệu bền vững như thủy trúc, bồn bồn và đặc biệt là năn tượng. Ông Mộc cho biết, những sản phẩm từ năn tượng không những đẹp, tinh xảo mà còn có tuổi thọ trung bình khoảng 5 năm. Nếu dùng trong nhà, điều kiện khí hậu thuận lợi như ở thị trường châu Âu, độ bền sản phẩm còn kéo dài hơn nữa. Do vậy, khi đem sang nước ngoài, khách hàng đón nhận khá nhiệt tình. Hiện, sản phẩm đã có mặt tại các chuỗi siêu thị nội thất lớn ở châu Âu, Mỹ… nhưng DN cung ứng được sản phẩm từ năn tượng chưa nhiều.

Sản phẩm làm từ năn tượng trên kệ siêu thị ở Mỹ

Cơ duyên khiến Vietnam Housewares kết nối với cây năn tượng bắt nguồn từ tiến sĩ Dương Văn Ni, người phục hồi nguồn nguyên liệu tiềm năng này. Công ty Giải pháp sinh kế Mekong (Mekong Livelihood Solutions – MLS, do Quỹ Mekong Conservancy Foundation hỗ trợ tư vấn) sẽ là đơn vị đào tạo nghề, tổ chức sản xuất theo yêu cầu từ phía Vietnam Housewares. Sự kết hợp giữa đội ngũ nghiên cứu khoa học, đơn vị đào tạo, DN sản xuất, phát triển thị trường đã hình thành nên một tam giác bền chắc, đưa sản phẩm TCMN của Việt Nam đi xa.

Theo ông Mộc, các nguyên liệu khác như mành trúc, tre uốn, lục bình… đang bị cạnh tranh rất lớn từ phía DN Trung Quốc. Thậm chí, với lục bình, nguyên liệu này hiện đang được thương lái Trung Quốc thu mua mạnh, đẩy giá thành lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của các DN TCMN Việt Nam. Với năn tượng, DN Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng để biến nguyên liệu hoàn toàn mới này thành lợi thế cạnh tranh riêng. “Đây là cơ hội cho những DN có khả năng thiết kế, sáng tạo nên sản phẩm mới từ năn tượng”, ông Mộc nói.

Kêu gọi DN trong ngành cùng tham gia khai thác, ông Mộc cho biết, Vietnam Housewares hoàn toàn không sợ cạnh tranh mà ngược lại còn mong được cùng hợp tác. Với ông, việc vẽ thêm một mảng màu hoàn toàn mới từ năn tượng sẽ giúp bức tranh về ngành TCMN Việt Nam đẹp hơn, lung linh hơn trong mắt khách hàng thế giới. Nhưng trên hết, là khi đơn hàng càng nhiều, sinh kế của người dân đồng bằng sông Cửu Long, cái nôi đang chế tác sản phẩm từ năn tượng hiện nay, sẽ ngày càng được cải thiện hơn nữa.

Người điều hành và sáng lập Vietnam Housewares tin rằng, ứng dụng năn tượng không chỉ và không nên là chuyện của một vài DN mà phải mở rộng ra
cả ngành. Bởi, tiềm năng ứng dụng lớn của loại cỏ sinh thái này có thể làm gia tăng sức cạnh tranh cho quốc gia.

Đoàn Gia

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác